logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Ngày Truyền thống ngành Cao su Việt Nam

95 năm ngày truyền thống ngành cao su

Logo 95 năm


Logo 95 năm

Kết luận của Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Thanh Hưng


Kết luận của Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Thanh Hưng họp Ban tổ chức chuỗi sự kiện nhân dịp tổ chức chuỗi sự kiện 95 năm Ngày truyền thống Ngành Cao su Việt Nam (28/10/1929 - 28/10/2024)

Quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và các Tiểu ban


Quyết định số 279/QD0-HĐQTCSVN ngày 05/0/2024 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và các Tiểu ban chuỗi sự kiện nhân dịp tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày truyền thống Ngành Cao su Việt Nam 28/10/1929 - 28/10/2024.

90 năm ngày truyền thống ngành cao su

Clip 90 năm truyền thống Cao su VN


Clip -1: 90 năm truyền thống Cao su VN.

 

Clip -2: 90 năm truyền thống Cao su VN

 

Clip -3: 90 năm truyền thống Cao su VN

Ca khúc truyền thống ngành Cao su


16 Ca khúc truyền thống ngành Cao su

Ca khúc trữ tình ngành Cao su


16 Ca khúc trữ tình (Cuộc vận động sáng tác ngành Cao su VN)

Kiên cường đấu tranh, thắng lợi trọn vẹn


Cụ phu công tra Nguyễn Mạnh Hồng, một trong 6 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Đồn điền Cao su Phú Riềng là một người ốm yếu nhỏ con, nhưng trên gương mặt lúc nào cũng rạng ngời hào khí, nhất là trong những khi được khơi gợi về huyền thoại Phú Riềng Đỏ năm nào. Tôi may mắn khi đã có dịp được gặp cụ – một “nhân chứng sống” vào ngày 27/4/1985, trong một lần cụ về thăm lại đồn điền Phú Riềng xưa, nay đã là hai Công ty Cao su Phú Riềng, Đồng Phú; và có nhiều trao đổi thú vị, bổ ích với cụ về sự kiện có tính lịch sử này.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng

Tháng  10/1929,  đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã chỉ đạo đồng chí Nguyễn Xuân Cừ thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Đồn điền cao su Phú Riềng, nhằm làm nòng cốt cho phong trào công nhân vùng lên chống Pháp. Đêm 28/10/1929, bên bờ một con suối nhỏ trong khu rừng ở sau lưng làng 3 đồn điền Phú Riềng, Chi bộ đầu tiên trong các đồn điền cao su đã được thành lập. Lúc ấy, chi bộ có 6 đảng viên do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm bí thư và các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Mạnh Hồng, Tạ, Hòa, Doanh.

“Điều mà chúng tôi tâm đắc nhất là từ khi có chi bộ, phong trào đấu tranh của công nhân cao su Đồn điền Phú Riềng đã được tổ chức chặt chẽ, có mục tiêu và phương pháp đấu tranh đúng đắn giành thắng lợi, chứ không còn tự phát và dễ bị vùi dập như trước”. – Cụ Nguyễn Mạnh Hồng, phu công tra, Đảng viên Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Đồn điền cao su Phú Riềng.

Công nhân cao su tham gia bãi công ngày 3-2-1930

Công nhân cao su tham gia bãi công ngày 3-2-1930

Như chúng ta đã biết, Chi bộ đầu tiên của ngành cao su được thành lập ngày 28/10/1929 tại Đồn điền Cao su Phú Riềng, nhằm làm nòng cốt cho phong trào công nhân vùng lên chống bọn chủ Pháp. Cụ Hồng rất tự hào khi thuật lại việc vào đầu năm 1928, Xứ ủy Nam  kỳ cử một cán bộ là ông Nguyễn Xuân Cừ về đồn điền tổ chức cho công nhân chống bọn chủ Tây. Cụ đã được ông giác ngộ và đề nghị về trên kết nạp vào Đảng.  Sau khi thành lập, Chi bộ đã cải tổ lại Nghiệp đoàn công nhân (thành lập tháng 6/1928) thành Nghiệp đoàn Công hội Đỏ, giao cho ông Trần Tử Bình làm thư ký, và một đội  tự vệ mang tên Xích vệ đội do cụ Hồng làm đội trưởng.

Cụ Hồng tặc lưỡi, như vẫn còn tỏ ra hãi hùng khi nhớ lại cảnh tra tấn cả tinh thần lẫn thể xác của bọn chủ Tây:

- Tôi quê Hà Nội, do thất nghiệp nên đã vào Đồn điền cao su Phú Riềng năm 1927, khi đó mới 18 tuổi. Lúc đó, ở vùng cao su này đúng là một địa ngục trần gian với những tù đày, áp bức, gông cùm, hãm hiếp diễn ra thường xuyên. Phu cao su chúng tôi khi ấy chỉ là một bầy nô lệ, rất đúng như bọn chủ Tây thường nói: “Các bản công tra chỉ là mảnh giấy chúng tao mua nô lệ, mạng chúng bay chỉ đáng giá 8 xu thôi!”. Cuộc sống quá khổ cực với trăm ngàn áp bức đã khiến chúng tôi sôi sục căm thù…

Cụ Hồng ngưng một chút rồi chợt chuyển câu chuyện qua một vẻ hóm hỉnh, hài hước:

- Bị đàn áp quá mức, công nhân cũng có nhiều cách phản kháng lại, tuy “nhỏ lẻ” nhưng cũng  là làm cho hả tức, ít nhiều cũng gây thiệt hại cho bọn chủ, như vứt mủ bèo mủ tạp, đập chén, bẻ kiềng, chặt vạt vỏ cây, có người còn lấy a xít bôi vào miệng cạo… Gọi là làm cho “hả tức” nhưng cũng phải “ngụy tạo” cho thật khéo, chứ để bọn chủ phát hiện được thì kể như no đòn!

Cụ Hồng gật gù, tâm đắc:

- Phải đợi đến khi có chi bộ lãnh đạo đấu tranh thì phong trào công nhân mới được chuyển qua một hướng khả quan hơn, mà tiêu biểu là vào ngày 30/1/1930 tức mùng một Tết năm Canh Ngọ, một cuộc đấu tranh quyết liệt của gần 5.000 công nhân đã nổ ra, nhằm buộc bọn chủ Pháp phải thực hiện đúng các điều khoản đã ghi trong bản hợp đồng mà chúng đã rêu rao khi mộ phu.

Công nhân đồn điền cao su tham gia đấu tranh chống lại thực dân Pháp

Công nhân đồn điền cao su tham gia đấu tranh chống lại thực dân Pháp

Giọng cụ Hồng như hào hứng hẳn lên khi vào đoạn cao trào:

- Gần 5.000 công nhân ào ạt kéo tới văn phòng tên chủ Nhất mạnh như thác đổ. Bọn lính Pháp ỷ có súng hù dọa chúng tôi, nhưng tinh thần quần chúng lúc đó đang sôi sục, lại tập hợp được đông đến hàng ngàn người nên không ai sợ hãi. Tôi là Đội trưởng Xích vệ đội liền điều động anh em tiến lên cùng giáo mác gậy gộc, khí thế tiến công như nước vỡ bờ. Bọn lính có súng mà không dám bắn, bởi với quân số ít ỏi chỉ độ chục người, nếu có sát thương được một vài công nhân thì chúng cũng sẽ bị đám đông ùa lên tiêu diệt. Thấy bọn lính nao núng, chúng tôi chớp thời cơ cướp được 10 khẩu súng của giặc. Thấy vậy, bọn chủ Tây hoảng sợ, kéo chạy hết về Sài Gòn. Ngày hôm đó quả là một ngày hội lớn của công nhân cao su Phú Riềng. Chúng tôi chiếm luôn đồn điền, treo cờ đỏ búa liềm tung bay rực rỡ. Chi bộ phá kho lương thực của giặc, phân phối cho công nhân. Chúng tôi giết 7 con bò của bọn Pháp, ăn mừng chiến thắng. Công nhân tin tưởng, đoàn kết chung quanh chi bộ, không cãi nhau, không đánh nhau, không uống một hớp rượu nào dù đã chiếm được kho rượu của giặc. Chúng tôi vác cờ đỏ búa liềm tuần hành qua các làng với lòng phấn khởi cao độ. Quần chúng nhân dân vui sướng vô cùng khi được tận mắt chứng kiến lá cờ đỏ thắm của Đảng phần phật tung bay trên khắp một vùng cao su.

Chúng tôi chiếm lĩnh đồn điền từ ngày 30/1/1930 đến ngày 6/2 thì bọn Pháp trở lại với hàng chục xe cam nhông chở đầy lính đến bao vây. Chi bộ liền động viên anh chị em công nhân đang căm thù ngút trời phải khôn khéo đấu tranh với chúng. Tên chỉ huy bọn Pháp quát:

- Tại sao chúng mày dám làm giặc, cướp súng?

Chúng tôi đáp:

- Chính các ông mới là giặc. Tên Pháp hùng hổ:

- Mày dám nói thế à? Mày muốn gì?

- Chúng tôi muốn các ông phải thực hiện đúng bản hợp đồng đã ký.

Đuối lý, tên chỉ huy tức giận điều động quân lính đến bắt 24 người đứng đầu đoàn biểu tình. Lập tức, lớp lớp công nhân nhảy ào lên xe cướp lại. Trước tinh thần đấu tranh dũng cảm của công nhân, bọn Pháp buộc phải nhượng bộ. Chúng nói, có nguyện vọng gì thì gởi đơn cho ông Lớn chứ không nên bãi công rồi phá phách như vậy. Chúng tôi nói đã gởi cho ông Lớn hàng ngàn lá đơn rồi mà không được giải quyết, có lẽ ông ta đã vứt vào sọt rác cả rồi! Sau đó, tên chủ Tây Soumagnac đã buộc phải ký vào biên bản chấp thuận các yêu sách của công nhân… Cuộc đấu tranh của công nhân Đồn điền cao su Phú Riềng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông dương Cộng sản Đảng bước đầu đã có được thành công, với ấn tượng không phai là lá cờ của Đảng đã phần phật tung bay trên một vùng cao su rộng lớn. Sau sự kiện lịch sử này thì “Phú Riềng Đỏ” như ngọn lửa đã âm ỉ bùng lên trên khắp các đồn điền cao su. Từ đó mà ba từ “Phú Riềng Đỏ” đã trở thành bất tử! Và ngày 28/10/1929, ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên trên vùng đất cao su đã trở thành ngày truyền thống của ngành.

SÁU VƯỜN ƯƠM

Kỳ tới: Từ hoang tàn đổ nát, đến Huân chương Sao Vàng

Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su


Làm việc vô cùng cực nhọc nhưng chế độ ăn uống của anh chị em công nhân cao su thì lại hết sức tồi tệ.Về chế độ ăn uống, theo Nghị định ngày 25/10/1927, mỗi công nhân đồn điền cao su hàng ngày phải được đảm bảo một khẩu phần là 3.200 calo, gồm có: gạo 700gr, thịt tươi hay thịt hộp 200gr (nếu là cá tươi thì 400gr), rau tươi 300gr (nếu là rau khô thì 150gr), muối 20gr, chè 5gr, mỡ 20gr, nước mắm 15gr. Trẻ con dưới 14 tuổi cũng được lĩnh một khẩu phần với thành phần tương tự, nhưng chỉ bằng một nửa về số lượng.
Cuộc sống cùng cực của công nhân cao su thời thuộc Pháp

Cuộc sống cùng cực của công nhân cao su thời thuộc Pháp

Mới nghe qua thì tưởng chừng chế độ ăn uống của người phu cũng khá không đến nỗi nào. Nhưng sự thật hoàn toàn khác hẳn. Ở các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ, mỗi công nhân một ngày chỉ được phát 4 lạng gạo, 2 lạng cá, nhưng hầu hết đều là gạo mục, cá thối, do chỗ các đồn điền cao su có nhiều kho lương thực, thực phẩm dự trữ để quá lâu ngày nên gạo trong kho bị mốc, cá khô trong kho bị hôi thối. Những con mọt đen thui, bò nhung nhúc trên mặt gạo, khi nấu cơm, phải đem gạo ngâm cho mọt nổi lên, hớt bỏ đi, còn lại phần gạo mới đem nấu. Ăn hết kho gạo mục, cá thối này thì kho kế đó cũng vừa tới lúc mục, thối và cứ như thế, công nhân thường xuyên phải ăn gạo mục, cá thối. Cảnh ăn uống khổ cực này đã được anh chị em công nhân cao su đúc kết thành những câu ca dao đầy chua chát như sau:

“Ai về đất đỏ miền Đông,

Mà nghe lao động đồn điền thở than.

Than rằng: Cực lắm trời ơi!

Dân phu phải sống cuộc đời tối tăm.

Cá hôi, gạo mục quanh năm,

Vẫn chưa đầy bụng, đói nằm rừng cây.

Trời cao, cao mấy tầng mây,

Trời cao có thấy nỗi này cho chăng”.

Và Pôn Mô-nê (Paul Monet), một tác giả thực dân, đã viết như sau về tình cảnh sống của người công nhân đồn điền cao su trong một cuốn sách của ông ta – cuốn Entre deux feux (Giữa hai ngọn lửa): “Trước khi ở Bắc ra đi, người ta đã hứa phát gạo không mất tiền cho phu, nhưng khi đến đồn điền thì người ta đã phát gạo trừ vào lương. Vợ người cai hay giám thị bán chịu gạo với giá 2 đồng một hộc, gạo này rất xấu, người phu đều phải tự thổi nấu lấy mà ăn. Người phu đã phải uống nước suối hay nước nguồn vì không  có nước uống, vài người đã lấy lá rừng về nấu uống. Giao kèo là 3 năm nhưng công ty đã tìm cách kéo dài ra 4 năm bằng cách vin vào cớ ngày chủ nhật   và những ngày lễ người phu không đi làm (người ta chỉ coi những ngày này là những ngày nghỉ đối với cai và các giám thị, còn phu thì không được). Nhưng sau 4 năm, người phu may còn sống sót, cũng không có cách nào để quay về xứ sở vì họ không có tiền  và quần áo. Họ buộc phải ở lại làm và ký thêm giao kèo nữa. Mỗi tháng theo quy định được trả 12 đồng, nhưng những ngày bệnh và ngày nghỉ thì không được trả lương. Mỗi tháng người ta bớt vào tiền lương 5 hào để trừ vào số tiền 6 đồng mà người phu đã được lĩnh trước khi đi. Người ta đã hứa công ty sẽ trả phần thuế thân hàng năm trong thời gian giao kèo cho người phu, nhưng người ta đã không giữ lời hứa và thân nhân của những người phu ở các làng quê đã buộc phải trả phần thuế này”.

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau)

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)

Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su


Điểm danh xong, công nhân phải ra lô làm việc ngay. Khi cạo phải vừa nhanh vừa khéo tay. Nhanh để cho đủ mức khoán và khéo tay để không cạo phạm. Cạo xong cây này phải chạy vụt sang cây khác, nhanh như một cái máy.
Công nhân cao su thời Pháp thuộc.

Công nhân cao su thời Pháp thuộc.

Từ 5 giờ đến 9 giờ sáng, mỗi người phải cạo xong trên dưới 400 cây, mỗi cây cách nhau từ 5 đến 6 mét. Như vậy họ phải đi lại khoảng 2.500 mét. Thông thường thì cứ 7 công nhân làm là có một tên cai đi theo để kiểm soát. Làm không vừa ý chúng là bị đánh ngay tại chỗ. Nhiều người đã bị chúng đánh chết. Cạo xong số cây khoán vẫn chưa được nghỉ, còn phải xách thùng đi trút mủ ở bát, trút mủ phải vét cho thật khéo. Nếu để mủ rơi xuống đất thì bị đánh và phải bồi thường. Trút mủ xong, người công nhân phải gánh cả hai thùng nặng từ 40 đến 50 ký, đến nộp ở nhà chứa mủ.

Thông thường giao mủ xong thì đã 12 giờ trưa. Người công nhân tranh thủ mở mo cơm ra ăn với   cá khô và uống nước lã rồi trở về sở để tiếp tục làm việc khác. Có khi đã xong phần việc cạo mủ, họ vẫn phải ở lại lô để làm cỏ hoặc đắp đê ngăn nước cuốn đất màu. Từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều họ phải “làm khoán” một đoạn đê dài 3 mét, rộng 0,7 mét, cao 0,4 mét. Đắp xong, bọn cai, sếp dùng giày đinh giẫm đạp lên mà không bị sụt lở thì mới được chấp nhận. Qua những điều trên, rõ ràng là, để có thể bóc lột được tối đa sức lao động của người công nhân cao su, bọn chủ tư bản đồn điền đã dùng mọi biện pháp tăng cường độ lao động của họ.

Về những khó khăn, nguy hiểm mà người công nhân cao su gặp phải trong khi làm việc ở ngoài lô, trước tiên phải kể đến nạn muỗi, vắt, kiến, mòng, mối càng và rắn độc. Những thứ này có rất nhiều trong rừng cao su. về muỗi có loại “muỗi đòn xóc” gây ra bệnh sốt rét dẫn đến chết người. Tại Đồn điền Phú Riềng, trong năm 1929, xảy ra bệnh dịch sốt rét, số công nhân bị nhiễm bệnh chiếm tới 100%, trong số đó có tới 6% đã chết. Về kiến thì có loại kiến vàng to bằng cọng rơm bám đầy vào cây, bò chật đất, đốt đau nhức không kém gì ong đốt. Còn con mòng trong các khu rừng miền Đông Nam Bộ có màu đỏ tía, tròn to như hạt thầu dầu. Chúng cắn vào chỗ nào là chỗ ấy bị sâu quảng ngay.

Một tài liệu lưu trữ tại “Công ty quốc doanh cao su Đồng Nai” cho biết số công nhân cao su mắc bệnh sâu quảng từ năm 1930 đến năm 1935, chiếm 55% so với tổng số công nhân cao su miền Đông. Với điều kiện thuốc men rất hạn chế lúc bấy giờ, nhiều người bị sâu quảng không chữa khỏi, phải cưa chân, cưa tay. Cùng với muỗi, kiến vàng, mòng, mối rừng cũng là một giống vật nguy hiểm đối với người công nhân cao su. Giống mối này rất độc, cắn vào ai thì người đó thường lên cơn sốt. Chúng lại rất thích ăn thịt người. Trong cuốn Phú Riềng Đỏ, Trần Tử Bình có kể lại trường hợp một công nhân lên cơn sốt bị mối rừng ăn chỉ còn bộ xương trắng.

Sự cực nhọc trong lao động khi làm việc ngoài lô thường quá sức chịu đựng của người công nhân cao su, tuy vậy đỉnh cao của sự nặng nhọc, sự nguy hiểm làm chết người chính là công việc phá rừng để trồng cao su. Công nhân đi làm thường không có quần áo, họ chỉ đóng độc một chiếc khố bằng bao tải rách, lại phải làm việc quần quật dưới làn roi vun vút của cai, xu, sếp. Nhiều người bị chết vì bị rắn “chàm quạp” cắn. Rất nhiều người bị thương vì ong đốt, kiến, vắt, mòng cắn, gai cào, búa phang vào tay, cây đổ vào người…

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau)

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)

Ý nghĩa công trình thanh niên chào mừng 90 năm truyền thống ngành


Thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm truyền thống Ngành Cao su VN (28/10/1929 – 28/10/2019), ĐTN VRG thực hiện công trình thanh niên Xây dựng hệ thống khuôn viên tại Bia kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10 Nga (nơi tổ chức sinh hoạt Chi bộ Phú Riềng Đỏ kỷ niệm 12 năm Cách mạng Tháng 10 Nga và kết nạp Đảng cho đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng).
Các cháu thiếu nhi con em CNVC-LĐ Cao su Đồng Phú tại Bia kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10 Nga.

Các cháu thiếu nhi con em CNVC-LĐ Cao su Đồng Phú tại Bia kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10 Nga.

Nhân chứng lịch sử Nguyễn Mạnh Hồng

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, nguyên công tra Đồn điền Cao su Phú Riềng là một trong 6 Đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập trên địa bàn xã Thuận Lợi, nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vào ngày 28/10/1929 – nay đã trở thành Ngày truyền thống của Ngành Cao su VN. Bia kỷ niệm là nơi kết nạp ông vào Đảng ngày 7/11/1929.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở thành “nhân chứng sống” của sự kiện lịch sử về sự ra đời của Chi bộ Cao su đầu tiên này. Năm 1986, khi đã ngoài 80 tuổi, ông có dịp trở lại thăm đồn điền cao su Phú Riềng năm xưa, lúc này đã trở thành Công ty Cao su Đồng Phú. Ông kể lại chuyện đấu tranh của công nhân cao su đã làm nên huyền thoại Phú Riềng Đỏ.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng  10 Nga, không chỉ mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng chính trị, mà còn là thành quả của nền văn minh nhân loại, nhằm ghi nhận những đóng góp của các đồng chí có công lao to lớn cho Chi bộ Phú Riềng Đỏ anh hùng năm xưa, rất nhiều hoạt động có ý nghĩa đã diễn ra thời gian ấy. ĐTN Công ty Cao su Đồng Phú với những hoạt động ý nghĩa đã thực hiện Công trình thanh niên Bia kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10 Nga – đặt tại nơi chi bộ tổ chức kỷ niệm 12 năm ngày Cách mạng Tháng 10 Nga và kết nạp đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng vào Đảng.

10 sự kiện hướng tới kỷ niệm 90 năm của ĐTN VRG

Bên cạnh công trình thanh niên Xây dựng hệ thống khuôn viên tại Bia kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 10 Nga, trong chuỗi 27 hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm 90 năm truyền thống, Tuổi trẻ VRG vinh dự được tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Trong đó, có thể kể đến các hoạt động tiêu biểu như:

  1. Tổ chức Liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ XVI, Đại hội đại biểu Hội Doanh nhân trẻ Tập đoàn lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019 – 2022, trao Giải thưởng Sao vàng Cao su lần thứ XVI, Thanh niên tiêu biểu ngành Cao su Việt Nam lần thứ VII (tháng 5).
  2. Phát động và tổ chức Cuộc thi “Tuổi trẻ sáng tạo VRG” năm 2019 nhằm phát hiện, tuyên dương các cá nhân và tập thể có các đề tài, ý tưởng, sáng kiến, giải pháp sáng tạo góp phần xây dựng Ngành Cao su Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh (tháng 8 – 10).
  3. Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm truyền thống Ngành Cao su Việt Nam” qua mạng internet (tháng 9 – 10).
  4. Tổ chức giải bóng đá truyền thống của thanh niên tranh cúp VRG năm 2019 (tháng 9).
  5. Phát động và tổ chức tuần cao điểm Hiến máu tình nguyện năm 2019 với quy mô toàn Tập đoàn (tháng 9).
  6. Tổ chức Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2019 – 2024 (tháng 9).
  7. Tổ chức họp mặt các Doanh nhân, quản lý trẻ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 (Tháng 10).
  8. Tổ chức Hội trại truyền thống “Tiếp bước anh hùng”, Tuyên dương “Thanh niên sản xuất giỏi” có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị; Tri ân cựu cán bộ Đoàn – Hội Ngành Cao su Việt Nam; Trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm truyền thống Ngành Cao su Việt Nam” và Cuộc thi “Tuổi trẻ sáng tạo VRG” lần thứ nhất, năm
  9. Tham gia công tác tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Cao su Việt Nam.

MINH TUẤN – THIÊN HƯƠNG

Tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su


Nói về tình cảnh đời sống của công nhân đồn điền cao su, trước hết hãy nói đến điều kiện lao động của họ. Theo những điều 5,7,8 của Nghị định ngày 25/10/1927 thì nhân công giao kèo, nghĩa là phu đồn điền, mỗi ngày làm việc nhiều nhất là 10 tiếng đồng hồ, kể cả thời gian đi về.
Công nhân cao su làng 14, năm 1952.

Công nhân cao su làng 14, năm 1952.

Mỗi tuần được nghỉ một ngày hay hai tuần được nghỉ hai ngày liền. Ngoài ra Tết được nghỉ 4 ngày, ngày mùng 5 tháng 5 và ngày rằm tháng 7 cũng được nghỉ. Chủ phải đảm bảo cho công nhân tối thiểu 25 ngày công được trả lương hàng tháng. Phụ nữ sau khi đẻ được nghỉ một tháng có ăn lương. Lý thuyết thì như vậy nhưng thực tế lại hoàn toàn khác hẳn. Trong thực tế, qua tài liệu còn để lại cũng như qua lời kể của các công nhân già, mỗi ngày người công nhân phải làm tới 12 tiếng đồng hồ. Làm xong về đến nhà thì trời vừa tối. Có hôm 8-9 giờ đêm họ mới về được đến nhà. Cho nên công nhân cao su thường có câu nói chua chát:

“Con không biết mặt cha/ Chó không biết mặt chủ nhà” là vậy.

Về số giờ làm việc của công nhân đồn điền cao su, Đờ-la-ma (Delamarre) – Thanh tra các vấn đề chính trị, trong một bài đăng trên một tờ báo xuất bản ở bên Pháp – tờ Resurrection (Phục sinh), số tháng 12 năm 1928 và số tháng 2 năm 1929, đã cho biết như sau: “Tuy nhiên tất cả những lời khai của những người phu mà tôi thu thập được đều nhất trí cho rằng giờ lao động là như sau: 3 giờ sáng thức dậy, 4 giờ tập họp. Nhưng vì có hàng ngàn phu phải đến nên chắc chắn là giờ khởi hành không thể trước 4 giờ 30 phút, giữa ngày được nghỉ một tiếng rưỡi nhưng tất cả những người phu đều đoán chắc rằng chỉ đến tối mịt thì họ mới được trở về nhà”.

Qua những điều mà Đờ-la-ma viết, chúng ta có thể tính ra mỗi ngày người công nhân đồn điền cao su phải làm đến 13-14 tiếng đồng hồ.

Về chế độ nghỉ hàng tuần, Nghị định ngày 25/10/1927 quy định mỗi tuần công nhân được nghỉ một ngày hay 2 tuần được nghỉ hai ngày liền, nhưng trong thực tế, tám ngày làm việc công nhân mới được nghỉ một ngày mà phải nghỉ luân phiên vì phải đảm bảo cho cây cao su thường xuyên được cạo. Ngoài ra, chiều thứ bảy hàng tuần, tiếng là công nhân không phải ra lô nhưng lại phải làm cỏ vê (corvee) tức là làm vệ sinh và sửa đường quanh các lán trại trong đồn điền.

Nhưng sự cực nhọc trong lao động của người phu cao su không chỉ thể hiện trong số giờ lao động kéo dài, mà còn thể hiện trong cường độ lao động đặc biệt căng thẳng và những khó khăn nguy hiểm mà họ thường gặp phải trong khi làm việc ngoài lô.

Thường thường một ngày làm việc của công nhân cao su diễn ra như sau: Ba giờ rưỡi sáng, tiếng kẻng (thường gọi là “tiếng tầm”) nhất nổi lên. Nghe kẻng, người công nhân cạo mủ vội vàng bật dậy nấu cơm kịp ăn vội vã mấy miếng và mang theo để ăn trưa, chuẩn bị phương tiện làm việc: thùng đựng mủ, dao cạo, giỏ đựng mủ bèo, mủ dăm…và tầm điểm hai lúc 4 giờ 30, phải có mặt tại sân điểm.

Hôm nào đoán chừng bị muộn là họp phải vắt chân lên cổ mà chạy như bay ra sân điểm cho kịp giờ. Vô phúc cho người nào đến sau khi mọi người đã ngồi vào hàng thì chắc chắn là phải bị gậy “cù nèo” hoặc roi giáng xuống đầu, xuống vai.

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau)

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)

Khởi công tôn tạo Khu Di tích Phú Riềng Đỏ


Ngày 24/6, tại Khu Di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ, VRG đã tổ chức Lễ khởi công tôn tạo các hạng mục trọng điểm. Đây là một trong 27 chuỗi sự kiện hoạt động chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2019).
Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN và lãnh đạo Công ty CPCS Đồng Phú thực hiện nghi thức khởi công tôn tạo Khu di tích Phú Riềng Đỏ. Ảnh: Minh Tuấn.

Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN và lãnh đạo Công ty CPCS Đồng Phú thực hiện nghi thức khởi công tôn tạo Khu di tích Phú Riềng Đỏ. Ảnh: Minh Tuấn.

Tại buổi lễ, lãnh đạo VRG, CĐ CSVN, Công ty CPCS Đồng Phú đã dâng hương và thực hiện nghi thức khởi công các công việc tôn tạo Khu di tích Phú Riềng Đỏ. Được biết, các hạng mục tôn tạo, gồm: Khuôn viên khu di tích, đổ bê tông khu vực làm lễ, nhà bia, nhà chờ…

Công trình tôn tạo khu di tích có tổng dự toán 5,1 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước Lễ kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Cao su VN (28/10/1929 – 28/10/2019).

Trước đó, ngày 15/7, VRG và CĐ CSVN đã gửi thư ngỏ đến NLĐ Tập đoàn, cùng các đơn vị thành viên về việc vận động kinh phí chỉnh trang, tôn tạo Khu di tích lịch sử tượng đài Phú Riềng Đỏ.

Thư ngỏ viết: “Ngày 28/10/1929 đánh dấu một sự kiện trọng đại đối với ngành cao su Việt Nam, đó là ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển thay đổi về chất trong phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ giai cấp CN ngành cao su, góp phần vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc, cuốn trôi sự áp bức, nô dịch của kẻ thù xâm lược. Ghi nhận những đóng góp của CN ngành cao su trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, Nhà nước đã công nhận ngày 28/10/1929 là ngày truyền thống của ngành cao su VN.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/1985), Công ty CPCS Đồng Phú đã xây dựng Đài tưởng niệm Phú Riềng Đỏ tại Làng 3, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ngày 12/2/1999, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã công nhận Khu di tích lịch sử tượng đài Phú Riềng Đỏ là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Quang cảnh Khu Di tích Phú Riềng Đỏ

Quang cảnh Khu Di tích Phú Riềng Đỏ

Từ khi được xây dựng đến nay, Khu di tích lịch sử tượng đài Phú Riềng Đỏ là biểu tượng cho truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ ngành cao su cũng như của nhân dân tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, do công trình được xây dựng đã khá lâu nên nhiều hạng mục xuống cấp, các công trình phụ trợ cũng chưa có để phục vụ việc trưng bày, giới thiệu lịch sử di tích, lịch sử truyền thống ngành cũng như là nơi họp mặt kỷ niệm, dâng hương, du lịch văn hóa truyền thống.

Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành cao su VN (28/10/1929 – 28/10/2019),

Ban lãnh đạo VRG thống nhất  chủ trương chỉnh trang,  tôn  tạo lại Khu di tích lịch sử tượng đài Phú Riềng Đỏ. Nguồn kinh phí trong việc chỉnh trang, tôn tạo lại khu di tích được xã hội hóa bằng kinh phí đóng góp của các đơn    vị trong và ngoài ngành, của các nhà hảo tâm. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Cao su Việt Nam, Ban lãnh đạo Tập đoàn và CĐ CSVN kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên, đoàn viên, CNLĐ trong toàn Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên tham gia đóng góp cũng như vận động kinh phí cho việc tôn tạo lại Khu di tích lịch sử tượng đài Phú Riềng Đỏ. Mọi đóng góp, tài trợ việc tôn tạo Khu di tích xin vui lòng gửi về CĐ CSVN – 229 Hoàng Văn Thụ, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Số tài khoản: 113000005972 tại Ngân hàng Công thương Việt Nam – Chi nhánh 3, TP. Hồ Chí Minh”.

MINH TUẤN – C.Đ

Công trình tôn tạo Khu di tích Phú Riềng Đỏ sẽ hoàn thành trước 28/10


Ngày 11/6, Ban tổ chức lễ Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành cao su VN đã có buổi làm việc về việc thực hiện dự án tôn tạo khu di tích Phú Riềng Đỏ.
Quang cảnh Khu Di tích Phú Riềng Đỏ

Quang cảnh Khu Di tích Phú Riềng Đỏ

Kết luận buổi làm việc, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG đã thống nhất cao chủ trương tôn tạo khu di tích Phú Riềng đỏ, trong đó đề nghị chủ đầu tư – Công ty CPCS Đồng Phú hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, huy động nguồn lực của toàn Tập đoàn trên tinh thần xã hội hóa, thực hiện đúng tiến độ, tiết giảm chi phí, đảm bảo mỹ quan và công năng sử dụng.

Được biết công trình tôn tạo khu di tích Phú Riềng đỏ có tổng dự toán 5,1 tỷ đồng, sẽ hoàn thành trước lễ Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Cao su VN (28/10/1929 – 28/10/2019), trong đó Công đoàn Cao su VN đóng góp 1 tỷ đồng, số tiền còn lại từ nguồn vận động xã hội hóa và công đoàn viên trên tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”.

HỒNG LÝ

Thủ đoạn của chủ đồn điền


Một số cai muốn ngoi lên xu-vây-dăng để được hưởng quyền lợi cao hơn, nên đối với công nhân, chúng thẳng tay đàn áp, còn đối với bọn chủ, chúng sẵn sàng quỳ gối và làm bất cứ việc gì dù là đê tiện nhất. Số cai còn lại thường đứng về phía công nhân trong các cuộc đấu tranh cho quyền lợi dân sinh hàng ngày.
Chủ Tây sử dụng lao động nữ phá rừng trồng cao su

Chủ Tây sử dụng lao động nữ phá rừng trồng cao su. Ảnh: Tư liệu

Để giam hãm người công nhân suốt đời trong sự lao động cực nhọc làm giàu cho bọn chúng, bọn chủ đồn điền dùng mọi thủ đoạn và biện pháp tàn nhẫn để giữ chân người công nhân lại, kể cả những người đã hết hạn giao kèo. Người phu công tra bắt đầu đặt chân vào đồn điền là đã bị đánh đòn phủ đầu để răn đe.

Ý đồ của chúng là làm cho họ khiếp sợ do đó ngoan ngoãn và răm rắp làm theo mệnh lệnh của chúng.

Đối với công nhân có ý định trốn, chúng càng đánh mạnh, đánh đau. Nhiều người đã chết sau những trận đòn dữ dội. Để giữ công nhân, thủ đoạn của chúng   là dùng cờ bạc, rượu chè, thuốc phiện nhằm móc hết tiền trong túi công nhân, làm cho họ tay trắng suốt đời, không còn tiền để về quê hương xứ sở và buộc phải ở lại mãi mãi làm nô lệ cho chúng. Để thực hiện thủ đoạn này, chúng thường tổ chức ra những sòng bạc, những tiệc rượu, những cuộc cờ, những “lữ quán bàn đèn” và chúng sẵn sàng cho công nhân vay trước tiền lương để chi vào những khoản ăn chơi đó.

Bọn chúng còn dùng người Thượng – người thuộc các dân tộc ít người, để kèm kẹp công nhân lại. Người Thượng là dân bản địa. Phum, sóc của họ thường nằm rải rác bên cạnh các đồn điền. Đời sống của họ rất nghèo khổ, cơ cực, họ lại rất chất phác. Lợi dụng điều đó, bọn chủ đồn điền đã thưởng muối, thưởng tiền rất hậu cho những người Thượng nào bắt được công nhân cao su chạy trốn. Tài liệu lưu trữ tại Công ty quốc doanh cao su Đồng Nai cho biết “Cứ mỗi đầu người công nhân nào chạy trốn, mang về trình chủ là được thưởng 10 cân muối”. Bằng thủ đoạn này, bọn chúng đã bắt lại đươc nhiều công nhân chạy trốn mang về hành quyết.

Ngoài các thủ đoạn trên, bọn chủ đồn điền còn tìm mọi cách gây chia rẽ giữa những người có đạo và những người không theo đạo trong công nhân, hoặc gây mối hiềm khích giữa dân phu cũ và dân phu mới. Về mặt biên chế tổ chức, chúng thường đưa dân phu công tra mới ở xen vào nhóm  dân  phu cũ, thực hiện ý đồ nham hiểm “lính mai cai lính tốt”. Tài liệu còn để lại cho biết, tại một vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ, có lần chúng chở hai tăng nước xuống làng phát cho công nhân dùng. Một số công nhân mới mộ còn đang chờ việc, chưa đi làm, đã tranh thủ ra lấy nước trước. Vì số nước chúng chở đến quá ít nên nước bị lấy hết. Đến khi những công nhân cũ đi làm về thấy không còn nước, hỏi xu-vây-dăng thì được trả lời: “Dân phu mới lấy sạch rồi”. Những công nhân cũ bực tức, liền đánh lộn với những công nhân mới, làm chết hơn 20 người. Những thủ đoạn kềm kẹp nói trên đã đẩy người công nhân cao su vào cái thế phải chịu đựng sự bóc lột nặng nề và sự đối xử tàn tệ của bọn chủ đồn điền nếu như họ không muốn nhận lấy cái chết vì chạy trốn.

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau: Tình cảnh đời sống của công

nhân đồn điền cao su )

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)

Thủ đoạn của bọn mộ phu


Đối với người dân phu được tuyển mộ, các chủ đồn điền cao su thực hiện một sự quản lý chặt chẽ ngay sau khi họ ký tên vào giấy giao kèo (contrat). Sau khi làm xong các thủ tục, họ được tập trung lại và đưa đi dưới sự điều khiển của tên cai mộ. 
Phu cao su làm việc dưới sự giám sát của người Pháp.

Phu cao su làm việc dưới sự giám sát của người Pháp.

Các thủ đoạn kềm kẹp công nhân ở các đồn điền cao su.

Phương tiện đi lúc bấy giờ chủ yếu là bằng tàu hỏa. Những chuyến tàu chở phu mộ đều do các công ty cao su thuê bao của ngành đường sắt.. Vé tàu là do bọn chủ các đồn điền, chủ các công ty lo liệu.

Dân phu chỉ mất tiền ăn và nước uống. Thông thường mỗi chuyến tàu chở hàng ngàn người. Trong mỗi toa, người ngồi chật như nêm cối. Tàu vào đến Đà Nẵng, các dân phu thường phải chuyển sang ô tô đi vào Nha Trang, rồi từ Nha Trang lại đi tàu hỏa đến các ga gần đồn điền. Ngoài việc đi bằng phương tiện tàu hỏa và ô tô, một số dân phu ở các tỉnh miền Bắc còn đi bằng tàu thủy từ Hải Phòng vào Sài Gòn.

Khi xuống ga hoặc lên bến cảng, cai mộ điểm danh rồi dẫn dân phu vào các đồn điền cao su mà chúng đã sắp đặt từ trước. Đến đồn điền, cai mộ giao dân phu cho chủ. Chủ đồn điền phái bọn sếp ra nhận người rồi phân bố họ về các làng. Chúng bố trí làng theo địa phương quê quán của người dân phu. Ví  dụ người của tỉnh Nam Định được xếp ở một làng riêng. Đối với số người thuộc những địa phương có ít người, chúng ghép chung họ lại thành một làng gọi là làng “Tứ xứ”. Để duy trì số nhân công cần thiết đồng thời để bóc lột tối đa sức lao động của người dân phu, giới chủ đồn điền đã lập ra một hệ thống kềm kẹp hết sức chặt chẽ và khắc nghiệt. Đứng đầu một đồn điền là chủ đồn điền (có thể bao gồm chủ nhất, chủ nhì). Chủ đồn điền có bộ phận giúp việc chuyên môn. Dưới chủ đồn điền là các chánh giám thị (xu-vây-dăng sếp). Các chánh giám thị điều khiển các giám thị viên. Các giám thị viên chỉ huy các cai. Các cai theo dõi giám sát các kíp sản xuất.

Mỗi kíp sản xuất có khoảng 10 công nhân, do một cai trông coi. Mỗi tên xu-vây-dăng coi 3 kíp sản xuất. Ba kíp sản xuất được biên chế thành một đội sản xuất. Mỗi tên xu-vây-dăng sếp chỉ huy ba tên xu-vây- dăng. Trong một đồn điền có nhiều xu-vây-dăng sếp. Những tên này chịu mọi sự điều khiển của chủ nhất.

Trong hệ thống kềm kẹp này, bọn xu-vây-dăng đều là những tên đao phủ, những con quỷ sứ hung ác ghê gớm của “địa ngục trần gian”. Bọn xu-vây-dăng hầu hết đều được tuyển lựa từ quân đội Pháp và từ đám ác ôn người Việt Nam. Cai thì hầu hết là người Việt Nam. Tùy thuộc vào bộ máy kềm kẹp nhưng cai là cấp thấp nhất, có mức sống không hơn gì công nhân. Lương hàng tháng của cai không hơn lương của công nhân bao nhiêu. Về quyền lợi thì ngoài gian nhà lán ra, cai không được hưởng quyền lợi nào hơn công nhân. Trong khi đó bọn xu-vây-dăng lại được hưởng rất nhiều quyền lợi. Mỗi tên xu được cấp từ  2 đến 3 gian nhà ngói thoáng mát và một ga-ra ô tô. Trong nhà được trang bị từ 3 đến 4 giường lò xo trải đệm, một bộ xa-lông cùng rất nhiều các thứ khác… Mỗi nhà đều có kẻ hầu người hạ. Do cách đối xử quá chênh lệch giữa xu và cai, nên trong hàng ngũ cai có sự phân hóa rõ rệt.

CSVN

(Xem tiếp kỳ sau) (trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)

Lợi nhuận khổng lồ từ các đồn điền cao su


Sự tiến triển nhanh chóng của ngành khai thác cao su ở Việt Nam của tư bản thực dân Pháp gắn liền với sự mở rộng hoạt động của các công ty cao su lớn và cũng gắn liền với việc các đồn điền cao su dần dần lan rộng khắp vùng đất đỏ miền Đông Nam Kỳ.
Lô cao su trồng tại đồn điền Trảng Bom.

Lô cao su trồng tại đồn điền Trảng Bom.

Các công ty cao su lớn đua nhau lập ra hàng loạt đồn điền trong đó có những đồn điền khá qui mô. Có thể đơn cử một vài trường hợp, chẳng hạn Công ty S.I.P.H, chỉ một thời gian ngắn sau chiến tranh đã lập ra hàng loạt đồn điền như Dầu Giây, An Lộc, Bình Lộc, Ông Quế, Bến Củi, Bình Ba. Diện tích cao su của Công ty S.I.P.H đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có tới 6.000 hécta.

Số phu công tra công ty này chiêu mộ được từ năm 1914 đến tháng Tám 1945 là 816.000 người đeo số. Công ty cao su Đất Đỏ cũng liên tiếp lập ra những đồn điền lớn như Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch, Bình Sơn, Phú Hưng… không những thế trong quá trình phát triển, công ty còn mở rộng diện tích khai thác cao su sang tận vùng biên giới Campuchia, lập thêm nhiểu đồn điền mới như Chúp, Bình Chăn, Mạc Bích, Carết, Snoul, nằm ở phía Đông tỉnh Công-pỏng- chàm. Riêng đồn điền Chúp có tới 24.000 hécta cây trồng. Từ năm 1914 đến tháng 10 năm 1955, công ty này đã chiêu mộ tới 421.000 dân phu có số.

Công ty Mít-sơ-lanh trong thời gian từ 1917 đến 1935, đã xây dựng được hai đồn điền cao su lớn là Dầu Tiếng và Phú Riềng, sau phát triển thêm đồn điền Thuận Lợi. Từ năm 1926 đến tháng 4/1954, công ty chiêu mộ được 260.000 phu công tra.

Công ty cao su Đồng Nai bắt đầu khai thác cao su từ năm 1926 và dần dần hình thành ba đồn điền lớn ở Trảng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng. Số dân phu công tra mà công ty chiêu mộ được qua các năm lên tới hàng vạn người.

Công ty cao su Tây Ninh cũng lần lượt lập ra các đồn điền Vên Vên, Trà Vỏ, Hiệp Thành, Cầu Khởi.

Công ty cao su CEXO chỉ tính riêng từ năm 1925 đến năm 1954 đã mộ được tới 218.000 người và trong quá trình phát triển đã hình thành hai đồn điền cao su lớn là Lộc Ninh và Đa Kia.

Ngoài việc các công ty đã ra đời trước chiến tranh đi vào khai thác ồ ạt, còn xuất hiện một số công ty mới như Công ty cao su Láp-bê (Plantations de Phước Hòa), đặt trụ sở tại Phước Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Công ty này sau một thời gian khai phá rừng lập đồn điền, từ năm 1928 bắt đầu đi vào khai thác cao su. Công ty này tuy nhỏ nhưng có đặc điểm nổi bật là mủ cao su sau khi lấy được, không đem bán ra thị trường dưới dạng nguyên sinh hay sơ chế, mà được giữ lại để chế thành các loại săm lốp ô tô và xe đạp.

Sự phát triển ồ ạt của việc khai thác cao su ở Đông Dương chủ yếu là Việt Nam, giai đoạn sau chiến tranh của tư bản Pháp đã dẫn tới kết quả là mức xuất cảng cao su ở Đông Dương đã không ngừng tăng lên, phần lớn là xuất cảng sang Pháp và Xanh-ga-po. Mức xuất cảng cao su tăng lên đã làm cho cho tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đông Dương, giá trị của mặt hàng cao su ngày càng chiếm tỷ trọng lớn: năm 1936 chiếm 14,3%, năm 1937 – 18%, năm 1938 – 21,4%, năm 1939 -27,4%….

Kinh doanh đồn điền cao su, bọn tư bản thực dân thu được những món lãi khổng lồ, nhất là vào những năm trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai khi mà giá cao su trên thị trường thế giới tăng lên một cách đột ngột. Số tiền lãi các công ty thu được không những lớn mà điều đáng lưu ý là số tiền đó gấp hàng chục lần tiền họ thuê nhân công. Điều đó cho thấy mức độ bóc lột của giới tư bản đồn điền cao su đối với công nhân – những người trực tiếp làm ra sản phẩm là tàn khốc đến mức nào.

Xem tiếp kỳ sau: Đội ngũ công nhân cao su ra đời

CSVN

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)

Lợi nhuận khổng lồ từ các đồn điền cao su


Sự tiến triển nhanh chóng của ngành khai thác cao su ở Việt Nam của tư bản thực dân Pháp gắn liền với sự mở rộng hoạt động của các công ty cao su lớn và cũng gắn liền với việc các đồn điền cao su dần dần lan rộng khắp vùng đất đỏ miền Đông Nam Kỳ.
Lô cao su trồng tại đồn điền Trảng Bom.

Lô cao su trồng tại đồn điền Trảng Bom.

Các công ty cao su lớn đua nhau lập ra hàng loạt đồn điền trong đó có những đồn điền khá qui mô. Có thể đơn cử một vài trường hợp, chẳng hạn Công ty S.I.P.H, chỉ một thời gian ngắn sau chiến tranh đã lập ra hàng loạt đồn điền như Dầu Giây, An Lộc, Bình Lộc, Ông Quế, Bến Củi, Bình Ba. Diện tích cao su của Công ty S.I.P.H đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có tới 6.000 hécta.

Số phu công tra công ty này chiêu mộ được từ năm 1914 đến tháng Tám 1945 là 816.000 người đeo số. Công ty cao su Đất Đỏ cũng liên tiếp lập ra những đồn điền lớn như Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch, Bình Sơn, Phú Hưng… không những thế trong quá trình phát triển, công ty còn mở rộng diện tích khai thác cao su sang tận vùng biên giới Campuchia, lập thêm nhiểu đồn điền mới như Chúp, Bình Chăn, Mạc Bích, Carết, Snoul, nằm ở phía Đông tỉnh Công-pỏng- chàm. Riêng đồn điền Chúp có tới 24.000 hécta cây trồng. Từ năm 1914 đến tháng 10 năm 1955, công ty này đã chiêu mộ tới 421.000 dân phu có số.

Công ty Mít-sơ-lanh trong thời gian từ 1917 đến 1935, đã xây dựng được hai đồn điền cao su lớn là Dầu Tiếng và Phú Riềng, sau phát triển thêm đồn điền Thuận Lợi. Từ năm 1926 đến tháng 4/1954, công ty chiêu mộ được 260.000 phu công tra.

Công ty cao su Đồng Nai bắt đầu khai thác cao su từ năm 1926 và dần dần hình thành ba đồn điền lớn ở Trảng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng. Số dân phu công tra mà công ty chiêu mộ được qua các năm lên tới hàng vạn người.

Công ty cao su Tây Ninh cũng lần lượt lập ra các đồn điền Vên Vên, Trà Vỏ, Hiệp Thành, Cầu Khởi.

Công ty cao su CEXO chỉ tính riêng từ năm 1925 đến năm 1954 đã mộ được tới 218.000 người và trong quá trình phát triển đã hình thành hai đồn điền cao su lớn là Lộc Ninh và Đa Kia.

Ngoài việc các công ty đã ra đời trước chiến tranh đi vào khai thác ồ ạt, còn xuất hiện một số công ty mới như Công ty cao su Láp-bê (Plantations de Phước Hòa), đặt trụ sở tại Phước Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Công ty này sau một thời gian khai phá rừng lập đồn điền, từ năm 1928 bắt đầu đi vào khai thác cao su. Công ty này tuy nhỏ nhưng có đặc điểm nổi bật là mủ cao su sau khi lấy được, không đem bán ra thị trường dưới dạng nguyên sinh hay sơ chế, mà được giữ lại để chế thành các loại săm lốp ô tô và xe đạp.

Sự phát triển ồ ạt của việc khai thác cao su ở Đông Dương chủ yếu là Việt Nam, giai đoạn sau chiến tranh của tư bản Pháp đã dẫn tới kết quả là mức xuất cảng cao su ở Đông Dương đã không ngừng tăng lên, phần lớn là xuất cảng sang Pháp và Xanh-ga-po. Mức xuất cảng cao su tăng lên đã làm cho cho tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đông Dương, giá trị của mặt hàng cao su ngày càng chiếm tỷ trọng lớn: năm 1936 chiếm 14,3%, năm 1937 – 18%, năm 1938 – 21,4%, năm 1939 -27,4%….

Kinh doanh đồn điền cao su, bọn tư bản thực dân thu được những món lãi khổng lồ, nhất là vào những năm trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai khi mà giá cao su trên thị trường thế giới tăng lên một cách đột ngột. Số tiền lãi các công ty thu được không những lớn mà điều đáng lưu ý là số tiền đó gấp hàng chục lần tiền họ thuê nhân công. Điều đó cho thấy mức độ bóc lột của giới tư bản đồn điền cao su đối với công nhân – những người trực tiếp làm ra sản phẩm là tàn khốc đến mức nào.

Xem tiếp kỳ sau: Đội ngũ công nhân cao su ra đời

CSVN

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)

Các đồn điền cao su mở rộng diện tích


Công ty Đồn điền Xuân Lộc (Hàng Gòn), thành lập năm 1911, trụ sở tại Sài Gòn. Chủ công ty là một người Pháp tên là Đờ Ba-bê (De Babet). Đối tượng của công ty là trồng cây cao su và các loại cây công nghiệp khác. Số vốn ban đầu là 360.000 phơ-răng, gồm 7.200 cổ phần, mỗi cổ phần 50 phơ-răng. Năm 1914, tăng thêm 800 phơ-răng, nâng số vốn lên thành 440.000 phơ-răng.
Đồn điền Cao su An Lộc năm 1928

Đồn điền Cao su An Lộc năm 1928

Công ty Cao su Tây Ninh (Société des Hévéas  de Tây Ninh), thành lập năm 1913, có trụ sở ở Sài Gòn. Đối tượng hoạt động của công ty này là kinh doanh đồn điền cao su ở Tây Ninh. Số vốn ban đầu là 3.800.000 phơ-răng, gồm 38 nghìn cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ-răng. Năm 1931, số vốn tăng lên thành 6 triệu phơ-răng. Tháng 9-1937, tăng lên 8.750.000 phơ-răng.

Công ty Cao su Đông Dương  (Société Indochinoise des Plantations d’ Hévéas, gọi tắt là S.I.P.H) được thành lập năm 1906.

Công ty các đồn điền cao su Mít-sơ-lanh (Société des Plantations et pneumatiques Michelin au Việt Nam), ra đời năm 1917, trụ sở chính đặt tại Dầu Tiếng. Đối tượng hoạt động của công ty này là kinh doanh đồn điền cao su vùng đất xám ở miền Đông Nam bộ nằm sát rìa vùng đồng bằng.

Những công ty vừa kể trên tuy số vốn ngày một tăng, nhưng hoạt động của chúng trong thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất mới chỉ giới hạn ở việc trồng thử chứ chưa đi vào khai thác qui mô lớn.

Vào thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cây cao su mới chỉ được trồng có tính chất thử nghiệm hoặc chỉ trồng có tính chất phụ ở một vài đồn điền bên cạnh cây lúa là chính và các loại cây công nghiệp khác. Tính đến năm 1918, tổng số diện tích đất đai bị những tên thực dân người Pháp chiếm làm đồn điền riêng ở Nam Kỳ là 184.700 hécta, nhưng mới có chừng 7.000 hécta được dùng vào việc trồng cao su.

Như vậy trong giai đoạn trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cây cao su đã được đưa vào trồng ở Việt Nam (chủ yếu là ở Nam Kỳ) nhưng diện tích trồng cao sư không lớn và mức thu hoạch cao su cũng chưa cao. Sau chiến tranh thì công cuộc khai thác ngành cao su ở Việt Nam của thực dân Pháp đã diễn ra một bước ngoặt lớn, từ chỗ đầu tư cầm chừng chuyển sang đầu tư ồ ạt. Lý do là vì sau chiến tranh, nền công nghiệp Pháp cần dùng tới trên 10 vạn tấn cao su mỗi năm, nhưng cao su là thứ hàng chiến lược mà Pháp vẫn chưa tự túc được và vẫn còn phải phụ thuộc vào đế quốc Anh.

Nắm bắt được nhu cầu to lớn về cao su của thị trường Pháp và “đánh hơi” thấy cao su là một món hàng béo bở có khả năng mang lợi nhuận cao nên bọn tư bản thực dân tranh nhau đầu tư vào ngành khai thác cao su. Do đó sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ngành khai thác cao su ở nước ta đã phát triển rất mạnh. Nếu như đến cuối năm 1921, Nam Kỳ mới có 29.000 hécta trồng cao su, chủ yếu ở ba tỉnh Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một (20.000 hécta) với số vốn đẩu tư ước lượng khoảng 40 triệu phơ-răng, thì với “cơn sốt cao su” sau chiến tranh, số vốn đầu tư vào việc trồng cao su đã tăng vọt hẳn lên, với khoảng 700 triệu phơrăng trong thời gian từ 1925 đến 1929, và diện tích trồng cao su cũng tăng từ 29.000 hécta cuối năm 1921 lên 84.000 hécta năm 1929. Năm 1930 lại tiếp tục tăng lên đến 127.707 hécta. Số mủ cao su thu được cũng tăng lên, từ 150 – 200 tấn năm 1914 lên 10.309 tấn năm 1929. Ngoài Nam Kỳ ra, năm 1931, Trung Kỳ cũng có 1.871 hécta trồng cao su.

Xem tiếp kỳ sau: Lợi nhuận khổng lồ từ các đồn điền cao su

CSVN

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)

Các đồn điền cao su ra đời


Năm 1890, tức là chỉ 2 năm sau khi ban hành Nghị định thành lập các đồn điền trên đất “vô chủ”, trong cả nước, bọn thực dân đã chiếm được 10.900 hécta, đến năm 1900, số ruộng đất mà chúng chiếm được lên tới 301.000 hécta và đến năm 1912 là 470.000 hécta, trong đó ở Nam Kỳ là 308.000 hécta, Trung Kỳ 26.000 hécta và Bắc Kỳ 136.000 hécta.
Thời kỳ đầu khai hoang trồng cao su của Pháp tại Việt Nam.

Thời kỳ đầu khai hoang trồng cao su của Pháp tại Việt Nam.

Một loạt những tên địa chủ người Pháp xuất hiện ở Nam Kỳ như Pôn Ê-mơ-ry (Paul Emery), La-ba (Labat), Pô-nông-đô (Pomndo) và Li-ca (Like), mỗi tên chiếm được từ 20.000 hécta đất cấy lúa.

Phương thức kinh doanh của chúng ở các đồn điền chủ yếu vẫn là phát canh thu tô theo lối bóc lột phong kiến. Đờ La-nét-xăng (De Lanessan) đã hết lời ca ngợi phương thức kinh doanh ấy. Y nói: “Chế độ canh tác có lợi về mặt kinh tế nhất và là một chế độ chắc chắn nhất cho việc trồng trọt các loại cây cơ bản cũng như các loại cây công nghiệp… là chế độ phát canh thu tô. Nó giảm được một phần vô cùng lớn những chi phí chung và những chi phí về việc giám sát của các nhà thực dân người Âu, những chi phí này ở thuộc địa lại lớn hơn rất nhiều so với ở nước Pháp”…

Trong bối cảnh chính sách khai thác nông nghiệp nói trên của thực dân Pháp, ngành khai thác cao su ra đời.

Ngành khai thác cao su ở Việt Nam ra đời trước tiên và chủ yếu là ở Nam Kỳ đi đôi với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương của thực dân Pháp bắt đầu từ năm 1897.

Ngay khi mới đặt chân lên đất Nam Kỳ, thực dân Pháp đã nhận thấy ngay những điều kiện khí hậu nhiệt đới và chất đất đỏ, xám của miền Đông Nam bộ rất thích hợp với cây cao su, nên đã có ý định xây dựng ngành khai thác cao su ở đây từ rất sớm. Năm 1877, một người Pháp tên là Pi-e (Pierre) mang hạt giống cây cao su từ Xanh-ga-po (Singapore) về, lập vườn ươm thử ở vườn Bách thảo Sài Gòn, nhưng không cây nào sống được. Đến năm 1879, toàn quyền Pôn Đu- me (Paul Doumer) cho lập hai trung tâm nghiên cứu thí nghiệm cây cao su: một, ở vườn thí nghiệm Ông Yêm Thủ Dầu Một do một dược sĩ người Pháp tên  là Ra-un (Raul) phụ trách và một, ở Suối Dầu (Nha Trang) do Bác sĩ Yéc-xanh (Yersin) trông nom. Năm 1897, Ra-un lại đem hạt giống cao su và cây cao su con từ đảo Gia-va (Java) về trồng, và cùng thời gian đó, Yéc- xanh cũng nhân được cây giống. Cả hai trại thí nghiệm này đều thành công.

Sau khi trồng thử nghiệm thành công, bọn tư bản Pháp đã hùn vốn thành lập một số công ty để chuẩn bị khai thác đồn điền cao su. Các công ty ấy gồm có: Công ty cao su Đồng Nai tức Công ty kỹ nghệ và rừng Biên Hòa trước kia, được thành lập vào năm 1908, trụ sở đóng tại Pa-ri. Đối tượng của công ty này là khai thác đồn điền cây cao su, cây có dầu và nứa ở Đông Dương. Số vốn ban đầu là 500.000 phơ-răng, gồm 5 nghìn cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ-răng. Năm 1911, số vốn tăng lên thành 2 triệu phơ-răng, năm 1919: 6 triệu phơ-răng. Trong các năm 1914-1918, công ty tập trung khai phá rừng vùng Trảng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng và vùng sau này gọi là Chiến khu Đ.

Công ty đồn điền Đất Đỏ (Plantations des terres rouges) thành lập năm 1910, trụ sở đóng tại Sài Gòn. Chủ công ty là một viên toàn quyền Pháp làm việc ở Hà Nội. Đối tượng của nó là khai thác các đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa. Số vốn ban đầu là 2.300.000 phơ-răng, gồm 23.000 cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ-răng. Năm 1923, số vốn tăng lên tới 36 triệu phơ-răng, năm 1925: 46 triệu, năm 1935: 110 triệu, công ty này có phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu cây cao su đặt tại bàu Ông Yêm, huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Dầu Một cũ.

Công ty cao su Viễn Đông (Société de Caoutchoueã d’Extrêne-Orient), tên thường gọi là Công ty CEXO thành lập năm 1910, trụ sở đặt tại Pa-ri. Chủ là Đờ Lalăng người Pháp. Đối tượng của nó là khẩn hoang và canh tác đất đai ở Viễn Đông, đặc biệt là ở Đông Dương và chủ yếu trồng cây cao su: Số vốn ban đầu là 1.500.000 phơ-răng, gồm 15 nghìn cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ-răng. Sau đó vốn ngày một tăng lên: 1912: 4 triệu 5 trăm ngàn phơ-răng, 1917: 6 triệu phơ- răng, 1920: 8 triệu, 1934: 28 triệu….

Xem tiếp kỳ sau: Các công ty cao su mở rộng diện tích

CSVN

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)

Sự ra đời của ngành khai thác cao su ở Việt Nam


Năm 2019 là năm diễn ra sự kiện trọng đại kỷ niệm      90 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2019). Việc thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng vào đêm 28/10/1929 tại đồn điền cao su Phú Riềng là dấu mốc quan trọng trong công cuộc đấu tranh hào hùng của công nhân cao su nói riêng và toàn dân tộc nói chung. Và ngành cao su vinh dự được chọn ngày này là ngày truyền thống của ngành. Nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của ngành qua 90 năm, kể từ số này, Tạp chí Cao su VN mở chuyên mục “Kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2019)”, nhằm cung cấp cho bạn đọc những tư liệu lịch sử hào hùng trong phong trào đấu tranh của công nhân cao su qua các thế hệ.
Đồn điền cao su Cây Gáo những năm 1920 – 1930.

Đồn điền cao su Cây Gáo những năm 1920 – 1930.

Chính sách khai thác thuộc địa Việt Nam của thực dân Pháp và sự ra đời của Ngành khai thác nông nghiệp với hình thức lập đồn điền.

Từ năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc đánh chiếm Việt Nam và quá trình đánh chiếm ấy  đã kết thúc vào năm 1884 với Hiệp ước Pa-tơ-nôt (Patenôtre). Đối với thực dân Pháp, mục đích đánh chiếm Việt Nam là để biến Việt Nam thành thuộc địa, để rồi khai thác phục vụ cho lợi ích của nước Pháp. Nhưng khai thác thuộc địa này như thế nào? Đó là điều đã từng được tranh cãi nhiều lần trong giới cầm quyền thực dân. Tới những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, qua các cuộc thăm dò, bàn thảo của nhiều chính khách, vấn đề đã được quyết định.

Một chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương trong đó có Việt Nam đã được hình thành mà tinh thần cơ bản là: Thuộc địa Đông Dương phải được đặc biệt dành riêng cho thị trường Pháp. Nền sản xuất thuộc địa này chỉ được thu gọn trong việc cung cấp cho chính quốc nguyên liệu hay những vật phẩm gì mà nước Pháp không có. Kỹ nghệ, nếu cần được khuyến khích, thì cũng chỉ trong giới hạn nhằm bổ sung cho công nghiệp chính quốc chứ không được làm tổn hại đến nền công nghiệp chính quốc. Nói cách khác, kỹ nghệ thuộc địa phải được lập ra để sản xuất những gì mà kỹ nghệ nước Pháp không thể sản xuất được, để gửi hàng tới những nơi nào mà hàng hóa của chính quốc không thể gửi tới được.

Chiếm Việt Nam để làm thị trường tiêu thụ hàng hóa, để khai thác tài nguyên, đó là mục tiêu, là “quốc sách” kẻ cướp của tập đoàn thống trị nước Pháp hồi đó, một nước đang chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.

Trong toàn bộ chính sách khai thác thuộc địa Việt Nam để vơ vét bóc lột, thực dân Pháp chú trọng nhiều đến ngành nông nghiệp là ngành đầu tư ít vốn mà dễ dàng thu được lợi nhuận, và trong việc khai thác nông nghiệp, chúng chủ trương cướp đoạt ruộng đất để lập các đồn điền trồng lúa và trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, chè (trà)…

Với mục tiêu này, ngay từ năm 1888, tức là chỉ   4 năm sau ngày chúng hoàn thành công cuộc đánh chiếm bằng quân sự đối với toàn bộ đất nước ta, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định cho bọn địa chủ thực dân… được quyền lập các đồn điền ở những vùng mà chúng gọi là “đất vô chủ”. Cái gọi là “đất hoang”, “đất vô chủ” thực ra là những ruộng đất màu mỡ của nông dân mà chúng đuổi đi bằng nhiều cách để chiếm đoạt và việc cướp đoạt ruộng đất này đã diễn ra thật trắng trợn với tốc độ chóng mặt.

(xem tiếp kỳ sau)

CSVN

(trích Lịch sử phong trào công nhân cao su)

Nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ


Sau thời gian triển khai và tổ chức thực hiện, ngày 25/10/2016, nhân kỷ niệ 87 năm truyền thống ngành cao su VN (28/10/1929-28/10/2016), VRG tổ chức khánh thành Phòng truyền thốn Ngành Cao su VN tại tầng 12, tòa nh làm việc của VRG (177 Hai Bà Trưng Phường 6, Quận 3, TP.HCM).
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Đảng ủy Khối DNTW, VRG và CĐ Cao su VN cắt băng khánh thành phòng truyền thống. Ảnh: Tùng Châu

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Đảng ủy Khối DNTW, VRG v CĐ Cao su VN cắt băng khánh thành phòng truyền thống.
Ảnh: Tùng Châu

Phòng truyền thống ngành cao su VN là nơi trưng bày, giới thiệu tài liệu, hình ảnh, hiện vật về truyền thống, trang sử vẻ vang, hào hùng và những đóng góp của đội ngũ CN cao su VN nhằm giáo dục truyền thống và phục vụ công tác đối ngoại.

Theo TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận, việc thiết lập phòng truyền thống là hết sức cần thiết. Đây là nơi trưng bày lịch sử ngành cao su VN, là nơi lưu giữ, giới thiệu hình ảnh, hiện vật về truyền thống vẻ vang, hào hùng và những đóng góp của đội ngũ CN cao su VN. Đây còn là sự khởi đầu cho công tác sưu tầm, tập hợp tư liệu, hình ảnh, hiện vật chuẩn bị cho quá trình xây dựng Bảo tàng cao su VN sau này.

Để thực hiện phòng truyền thống, đơn vị thực hiện và Ban Thi đua Tuyên truyền Văn thể VRG đã có nhiều chuyến đi cơ sở để tìm kiếm, tuyển chọn các tư liệu, hiện vật quý giá. Ảnh: Vũ Phong .

Để thực hiện phòng truyền thống, đơn vị thực hiện và Ban Thi đua Tuyên truyền Văn thể VRG đã có nhiều chuyến đi cơ sở để tìm kiếm, tuyển chọn các tư liệu, hiện vật quý giá. Ảnh: Vũ Phong .

Trong khi đó, Chủ tịch HĐTV VRG Võ Sỹ Lực, Chủ tịch CĐ Cao su VN Phan Mạnh Hùng đều cho rằng, phòng truyền thống phải có sự bao quát về lịch sử và truyền thống hình thành, phát triển của ngành cao su qua các thời kỳ. Việc trưng bày các tư liệu, tài liệu, hiện vật phải đảm bảo cô đọng, súc tích, có điểm nhấn, nêu bật được những sự kiện và thành tựu ở mỗi phân kỳ lịch sử.

Theo Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh – Phó Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN tại TP.HCM, đơn vị tư vấn-thực hiện, phòng truyền thống có giá trị như một bảo tàng thu nhỏ và mang tính mở để bổ sung, thay thế hiện vật và ý tưởng trưng bày, các nội dung chủ đề đáp ứng được nhu cầu khi mở rộng, phát triển thành bảo tàng. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” để những ai quan tâm, muốn tìm hiểu về lịch sử và truyền thống ngành cao su VN.

Sa bàn hình tròn, cách điệu thân cây cao su được xem là “trái tim” của phòng truyền thống. Ảnh: Vũ Phong

Sa bàn hình tròn, cách điệu thân cây cao su được xem l “trái tim” của phòng truyền thống. Ảnh: Vũ Phong

P.N

2 sự kiện đáng chú ý của ngành cao su cách đây 40 năm


Ra đời khẩu hiệu của phong trào thi đua giành 3 điểm cao
Tái hiện lịch sử đấu tranh của công nhân cao su. Ảnh: Tùng Châu.

Tái hiện lịch sử đấu tranh của công nhân cao su. Ảnh: Tùng Châu.

Năm 1977, vốn đầu tư cho ngành cao su vẫn còn rất hạn chế. Bước vào việc thực hiện kế hoạch khai hoang trồng mới, toàn ngành gặp nhiều khó khăn về vốn, máy móc và nhiên liệu. Thế nhưng với tinh thần tự lực cánh sinh, với ý thức làm chủ tập thể, công nhân trong toàn ngành đã ra sức phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm.

Điều đó đã thể hiện sức chịu đựng bền bỉ, ý chí kiên cường, lòng quyết tâm cao độ và khả năng sáng tạo của công nhân. Trong năm, tất cả các đơn vị đều liên tục phát động những đợt thi đua giành 3 điểm cao là: “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều”. Các phong trào phát huy sáng kiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đã góp phần khắc phục khó khăn trong các khâu chế biến, cơ điện, xây dựng cơ bản,… được đông đảo công nhân tham gia hưởng ứng.

Tổng cục Cao su đổi thành Tổng Công ty Cao su

Năm 1977, Chính phủ quyết định chuyển Tổng cục Cao su thành Tổng công ty Cao su trực thuộc Bộ Nông nghiệp và được giao nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và quản lý tất cả các vườn cao su ở 5 tỉnh phía Nam và các nông trường ở phía Bắc.

Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 2 khóa IV đề ra 3 mục tiêu, trong đó ngành cao su thực hiện chủ yếu 2 mục tiêu, đó là: Phải làm ra thật nhiều mủ để có hàng hóa xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này cung cách hoạt động vẫn theo kiểu Tổng cục. Do đó đến tháng 3 năm 1980, Hội đồng Chính phủ quyết định chuyển thành Tổng cục Cao su trực thuộc Bộ Nông nghiệp, quản lý ngành cao su trong phạm vi cả nước.

T.P (giới thiệu

Khánh thành phòng truyền thống VRG


Sau thời gian triển khai và tổ chức thực hiện, ngày 25/10, nhân kỷ niệm 87 năm truyền thống ngành cao su VN (28/10/1929-28/10/2016), VRG tổ chức khánh thành Phòng truyền thống Ngành Cao su VN tại tầng 12, tòa nhà làm việc của VRG (177 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, TP.HCM).
Lãnh đạo VRG, Công đoàn CSVN cắt băng khánh thành

Lãnh đạo VRG, Công đoàn CSVN thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành

Sự cần thiết phải có phòng truyền thống ngành cao su VN

Phòng truyền thống ngành cao su VN là nơi trưng bày, giới thiệu tài liệu, hình ảnh, hiện vật về truyền thống, trang sử vẻ vang, hào hùng và những đóng góp của đội ngũ CN cao su VN nhằm giáo dục truyền thống và phục vụ công tác đối ngoại.

Theo TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận, việc thiết lập phòng truyền thống là hết sức cần thiết. Đây là nơi trưng bày lịch sử ngành cao su VN và là nơi lưu giữ, giới thiệu hình ảnh, hiện vật về truyền thống vẻ vang, hào hùng và những đóng góp của đội ngũ CN cao su VN. Đây còn là sự khởi đầu cho công tác sưu tầm, tập hợp tư liệu, hình ảnh, hiện vật chuẩn bị cho quá trình xây dựng Bảo tàng cao su VN sau này.

Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh - Phó Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN tại TP.HCM, đơn vị tư vấn-thực hiện, phát biểu tại lễ khánh thành.

Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh – Phó Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN tại TP.HCM, đơn vị tư vấn-thực hiện, phát biểu tại lễ khánh thành.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐTV VRG Võ Sỹ Lực, Chủ tịch CĐ Cao su VN Phan Mạnh Hùng đều nhất trí cho rằng, phòng truyền thống phải có sự bao quát về lịch sử và truyền thống hình thành, phát triển của ngành cao su qua các thời kỳ. Việc trưng bày các tư liệu, tài liệu, hiện vật phải đảm bảo cô đọng, súc tích, có điểm nhấn, nêu bật được những sự kiện và thành tựu ở mỗi phân kỳ lịch sử.

Như một bảo tàng thu nhỏ

“Trái tim” của Phòng truyền thống ngành cao su VN là sa bàn hình tròn, cách điệu thân cây cao su, có đường kính 3m, chiều cao: 0,7m. Đây là phương tiện trực quan nhằm giới thiệu tổng quát những điểm nổi bật về lịch sử cao su VN nói chung và VRG nói riêng, đặt trong mối quan hệ không gian đất nước. Cùng với hình ảnh, hiện vật và các thông tin khác, sa bàn giúp khách tham quan nhận diện những đóng góp của ngành cao su trải dài trên không gian đất nước.

Đại biểu khách mời tham quan sa bàn  giới thiệu tổng quát những điểm nổi bật về lịch sử cao su VN nói chung và VRG

Đại biểu khách mời tham quan sa bàn giới thiệu tổng quát những điểm nổi bật về lịch sử cao su VN nói chung và VRG

Phòng trưng bày theo dòng lịch sử có 5 chủ đề: Giới thiệu cây cao su VN thời kỳ khởi đầu 1897 đến 1928; Giới thiệu phong trào CN cao su với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, thời kỳ 1929 đến ngày 30/4/1975; Giới thiệu những năm tháng phục hồi và mở rộng sản xuất đầy khó khăn gian khổ 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, từ 1975 đến 1985; Ngành cao su thực hiện công cuộc đổi mới, cùng đất nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ năm 1986 đến năm 2005; Quá trình thành lập, hội nhập và phát triển của VRG từ năm 2006 đến nay.

Lãnh đạo VRG tham quan phòng truyền thống tại lễ khánh thành.

Lãnh đạo VRG tham quan phòng truyền thống tại lễ khánh thành.

Phòng truyền thống còn trưng bày Bảng vàng truyền thống ngành cao su VN với những thành tích, thành tựu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với đó là chân dung các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành cao su VN.

Phòng trưng bày theo dòng lịch sử có 5 chủ đề:

Phòng trưng bày theo dòng lịch sử có 5 chủ đề

Tại phòng truyền thống còn trưng bày, giới thiệu một số hiện vật, hình ảnh, tư liệu, tài liệu liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của ngành cao su VN; quá trình đấu tranh cách mạng của giai cấp CN Cao su VN…

Theo Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh – Phó Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN tại TP.HCM, đơn vị tư vấn-thực hiện, do diện tích trưng bày có hạn nên ưu tiên trưng bày hiện vật, hình ảnh tiêu biểu, có giá trị đại diện cho mỗi thời kỳ lịch sử

Phòng trưng bày phải bảo đảm tính khoa học, đúng nguyên tắc Bảo tàng học, có giá trị như một bảo tàng thu nhỏ và mang tính mở để bổ sung, thay thế hiện vật và ý tưởng trưng bày, các nội dung chủ đề đáp ứng được nhu cầu khi mở rộng, phát triển thành bảo tàng.

Đại biểu tìm hiểu hình ảnh tư liệu tại phòng truyền thống.

Đại biểu tìm hiểu hình ảnh tư liệu tại phòng truyền thống.

N.P. Ảnh: Tùng Châu

30-4 – Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam


Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.thang 4

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12/1976 đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Hay đánh giá của cố đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa xuân 1975 đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.

Hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn thiết tha với hòa bình, khát vọng tự do và hạnh phúc, không bao giờ mong muốn chiến tranh. Nhưng, vì sinh mệnh và sự tồn vong của dân tộc, cũng vì nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng đối với quốc tế mà nhân dân ta, cả hai miền Nam – Bắc, tiền tuyến và hậu phương buộc phải cầm súng quyết chiến đấu và quyết chiến thắng.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài hơn 117 năm của các thế lực thực dân đế quốc xâm lược trên đất nước ta, Tổ quốc ta được độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Dân tộc ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm.

Hơn 40 năm đã trôi qua, kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, thời gian càng lùi xa, thì Chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam càng nổi bật tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó. Các thế hệ người Việt Nam càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị và bài học của chiến công chói lọi này.

Để hôm nay mọi người Việt Nam được sống trong hòa bình, tự do mưu cầu hạnh phúc, phát triển, bạn bè quốc tế đến làm ăn, sinh sống, thăm thú trong thanh bình, dân tộc ta đã phải trả bằng máu và nước mắt, nên chúng ta rất thấm thía giá trị này. Ai đó, vì bất cứ lý do gì, gây mất ổn định, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam là có tội với đất nước, với anh linh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc! Đồng thời, chúng ta cũng cực lực phê phán những sự xuyên tạc lịch sử về Chiến thắng này với những thiên kiến lệch lạc, những ác ý thâm độc của các thế lực thù địch và cả những ngộ nhận, mơ hồ trong sự nhìn nhận, đánh giá sự thật lịch sử.

Ngày nay, đất nước ta đã đi qua chặng đường 30 năm đổi mới. Các thế hệ sinh thành trong đất nước hòa bình và đổi mới đã tận hưởng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc mà các thế hệ cha anh đã phải hy sinh bằng máu của mình. Thế và lực của Việt Nam đang ở vào thời kỳ sung sức đầy triển vọng. Đổi mới nhằm đạt tới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như tâm nguyện của Bác Hồ.

Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, hơn lúc nào hết dân chủ – đoàn kết – đồng thuận là động lực cho sự phát triển của đất nước, cho dân tộc Việt Nam vươn tới trình độ một dân tộc thông thái, xã hội Việt Nam là một xã hội văn hóa cao. Cán bộ, Đảng viên tích cực học tập, rèn luyện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, để Đảng luôn xứng đáng với vai trò là người lãnh đạo.

Chiến thắng 30/4/1975 sẽ mãi mãi tiếp thêm năng lượng, tinh thần, phát huy các giá trị sáng tạo, cổ vũ nhân dân và dân tộc Việt Nam đi tới, hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa trong công cuộc đổi mới, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệTổquốc XHCN.

Đức Trung

Tết Mậu Thân 1968 – Chiến công của quân dân vùng cao su Dầu Tiếng


Từ năm 1917, nằm trong chiến lược tận thu tài nguyên các nước thuộc địa, tư bản Pháp đã đến vùng Dầu Tiếng mở Đồn điền Cao su Michelin với chính sách bóc lột hà khắc … Có áp bức có đấu tranh, công nhân Cao su Dầu Tiếng từ tự phát vùng lên, rồi sau đó dưới sự lãnh đạo của Đảng đã từng bước chống lại ách áp bức của bọn chủ Pháp. Chẳng những vậy còn đóng góp nhiều công sức vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, được Trung ương Cục miền Nam tặng lá cờ mang tên: “Lá cờ đầu phong trào đấu tranh cách mạng các đồn điền miền Nam”, rồi sau này đã được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Trong quá trình gian khổ của cuộc đấu tranh, chiến công kết hợp với bộ đội đánh địch dịp Tết Mậu Thân 1968 là một dấu son ngời thắm.
Lực lượng vũ trang đồn điền Dầu Tiếng trong tiến công giải phóng Dầu Tiếng

Lực lượng vũ trang đồn điền Dầu Tiếng trong tiến công giải phóng Dầu Tiếng

Tăng cường lực lượng đánh địch, lập chiến công trong Tết Mậu Thân

Cuối năm 1967, Trung ương Cục miền Nam ra “Nghị quyết Quang Trung” về tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Huyện ủy và Huyện đội Dầu Tiếng khi ấy trực thuộc Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu 1. Huyện ủy Dầu Tiếng với Thường vụ gồm các đồng chí Tư Thứ (Bí thư), Hai Tiến, Tư Cao, Út Oanh, Hai Đức, Tám Núi; Ban chỉ huy Huyện đội gồm các đồng chí Ba Minh, Tư Hùng, do đồng chí Nguyễn Việt Trân tức Bảy Trân, Bí thư Đảng ủy quân sự đảm nhiệm. Đầu tháng 12 năm 1967, đồng chí Nguyễn Việt Trân, Bí thư Đảng ủy quân sự triển khai Nghị quyết Quang Trung tại Dầu Tiếng. Phân khu giao cho Dầu Tiếng phụ trách vùng thị trấn, đảm trách tấn công các cơ quan đầu não của ngụy. Tại cuộc họp với các đồng chí Thường vụ và Huyện ủy Dầu Tiếng do đồng chí Bảy Trân chủ trì, việc tiến công và nổi dậy đã được bàn cụ thể.

Cuộc họp quyết tâm phát triển 1.000 nòng cốt (600 ở thị trấn, 400 ở các làng công nhân cao su) làm lực lượng đấu tranh thường trực; xây dựng 70 tổ với trên 200 người làm công tác binh vận; lên danh sách những tên tề ngụy, thám báo ác ôn nhiều nợ máu để trấn áp… Cuộc họp cũng quyết tâm xây dựng thêm một đại đội bộ binh cùng hàng trăm dân công tăng cường trợ chiế n. Tinh thần cuộc họp trên đã được nhanh chóng triển khai trên khắp vùng cao su Dầu Tiếng, từ thị trấn đến các xã, các làng. Nghe nói kỳ này đánh lớn, quyết giành chính quyền về tay nhân dân, công nhân ở các làng cao su Dầu Tiếng vô cùng háo hức, hàng trăm người ghi tên tòng quân.

Đại đội mới vì thế nhanh chóng hình thành, được huấn luyện kỹ càng, trang bị đầy đủ. Đại đội mới mang tên C2 do đồng chí Sáu Lâm làm Đại đội trưởng, đồng chí Hai Thanh làm Chính trị viên. Cùng với Đại đội C1 do đồng Chí Xê làm Đại đội trưởng, đồng chí Mười làm Chính trị viên, quân của ta lên tinh thần, khí thế thấy rõ. Giáp Tết Mậu Thân năm ấy, công nhân các làng cao su Dầu Tiếng hết lòng dồn sức chuẩn bị cho cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Ai vào lực lượng vũ trang thì nỗ lực tập luyện, ai chưa vào thì chia nhau cạo gánh, cạo choàng ở vườn cây cao su. Bà con chắt chiu dành dụm lương thực, thực phẩm, thức ăn khô, cả bông băng y tế, thuốc men cho cuộc chiến quan trọng sắp tới.

Chiều tối Mùng 1 Tết Mậu Thân 1968 (theo lịch của ta), tại căn cứ Bàu Cây Cám ở phía nam làng 4, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện và công nhân cao su Dầu Tiếng đã tập họp nghe đồng chí Nguyễn Việt Trân, Bí thư Đảng ủy quân sự đọc nhật lệnh của Trung ương Cục miền Nam. Sau khi triển khai tinh thần nhật lệnh, đồng chí hô vang: “Thời cơ cách mạng đã đến rồi! Toàn thể đồng chí, đồng bào hãy một lòng sát cánh, tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân!”.

Vào 0 giờ Mùng 2 Tết – đêm 31 tháng 1 rạng ngày 1/2/1968 (tức 0 giờ Mùng 1 Tết, nhằm đêm 30 tháng 1 rạng ngày 31/1/1968 theo lịch của ngụy quyền), loạt pháo đầu tiên của Tiểu đoàn 5 pháo Biên Hòa chụp xuống căn cứ Lữ 3, Sư 25 Mỹ. Đó chính là hiệu lệnh tấn công. Bộ đội Dầu Tiếng phối hợp các lực lượng quần chúng tấn công các vị trí thuộc khu vực chi khu, dinh quận, chi cảnh sát ngụy. Lực lượng gan góc nhất của ta là gần 100 biệt động, du kích là công nhân cao su Dầu Tiếng có vũ trang, đã phối hợp với lực lượng mật tại chỗ, tấn công khống chế các cơ sở ngụy quyền quận. Ta làm chủ trận địa suốt 5 giờ đồng hồ, cho đến 5 giờ sáng ngày Mùng 2 Tết có lệnh tạm lui khỏi thị trấn.

Các mẹ VN Anh hùng và liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh ở Cao su Dầu Tiếng, trưng bày tại Phòng truyền thống Cao su Dầu Tiếng.

Các mẹ VN Anh hùng và liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh ở Cao su Dầu Tiếng, trưng bày tại Phòng truyền thống Cao su Dầu Tiếng.

Sau đó, ta lại tiến vào thị trấn ba đêm liền làm nhiều đồn ngụy quân tháo chạy, tề ngụy lẩn trốn. Đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân của ta đã làm cho địch choáng váng, tinh thần chiến đấu bị suy sụp rất nhiều. Nhưng sau đó chúng kịp hoàn hồn, huy động đến trên 30.000 quân Ngụy, quân Mỹ và chư hầu quyết đẩy lùi chiến sự ra khỏi vùng thị trấn. Trước lực lượng quá đông đảo với vũ khí trang bị tận răng của địch, ta tạm rút lui. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tuy chưa mang lại chiến thắng cuối cùng nhưng cũng là một cuộc thao dượt đầy giá trị cho đại thắng1975 sau này.

 Tiêu diệt tề ngụy ác ôn

Một trong những cái “đã” nhất, “hả hê” nhất của quân dân Dầu Tiếng là trong cuộc chiến Tết Mậu Thân, ta đã tiêu diệt khá nhiều tên tề ác, từng gây nhiều nợ máu với nhân dân. Ở vùng này có Trần Dung Tiên, một tên CIA ác ôn nắm chức Bí thư Đảng Cần lao nhân vị tại Dầu Tiếng. Tên này từng nói “Cộng sản như cỏ lan vậy, nên muốn diệt thì phải nhổ tận gốc”.

Nhận thức dữ dằn như vậy nên tên này thường cho tay chân đi lùng sục tìm diệt cán bộ cách mạng. Mùng 2 Tết Mậu Thân, đồng chí Trương Văn Cao tức Tư Cao, Thường vụ Huyện ủy Dầu Tiếng (sau này là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Việt Nam) cùng với một số anh em an ninh huyện đã bắt được tên Trần Dung Tiên tại nhà y, sau đó đưa ra tuyên án tử hình và thi hành án tại sân banh thị trấn. Lực lượng an ninh huyện do đồng chí Tư Cao phụ trách xây dựng được một mạng lưới từ thị trấn đến các làng.

Việc trừng trị ác ôn, tề ngụy, mật vụ được tiến hành theo ba bước. Bước một ném thư vào nhà đối tượng buộc thôi việc, từ bỏ chức vụ đang đảm trách; bước hai ném thư kèm đạn cảnh cáo nếu không chấp hành thôi việc; bước ba là thi hành án nếu đối tượng không làm theo các cảnh báo. Ở thị trấn Dầu Tiếng có tên Nguyễn Văn Ân là Trưởng ấp 2 chuyên làm khó, hành hạ những gia đình có người thân tham gia cách mạng. Anh em an ninh của ta kiên trì thực hiện bước một bước hai đến ba bốn lần nhưng tên này vẫn chẳng hề lay chuyển. Y còn ngạo nghễ nói: “Tao ăn lương quốc gia chứ có ăn lương của Việt cộng đâu mà nó bắt tao thôi việc?!”. Do y quá ngoan cố nên lực lượng an ninh đã buộc phải thi hành án tử hình tại nhà.

Tạ Tuyên

Lịch sử 85 năm nhìn lại


28/10, ngày này cách đây 85 năm (28/10/1929) tại đồn điền cao su Phú Riềng đã diễn ra sự kiện lịch sử – sự kiện thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Đây là mốc lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng VN có sự lãnh đạo của Đảng – Đảng của giai cấp công nhân (CN) và Chủ tịch Hồ Chí Minh (tiền thân của Đảng lúc bấy giờ là Tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội).
CN  Thế hệ CN cao su trước đây đã  đổ bao công sức gầy dựng ngành

Thế hệ CN cao su trước đây đã đổ bao công sức gầy dựng ngành

Từ những người làm phu cho các đồn điền cao su của bọn tư bản Pháp – chủ nghĩa thực dân, chịu biết bao sự bóc lột với các cuộc đình công, đấu tranh tự phát đòi dân sinh, dân chủ; các cuộc đấu tranh của những người làm phu cao su có định hướng, có mục tiêu lý tưởng rõ ràng. Đó là cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ gắn liền với đấu tranh giải phóng dân tộc và sự kiện lịch sử ngày 28/10/1929 tại đồn điền cao su Phú Riềng ngày nay đã trở thành ngày truyền thống của CN cao su VN.

Dù gian khổ, dù thăng trầm nhưng các thế hệ công nhân cao su Việt Nam luôn giữ được truyền thống tốt đẹp.

Trước hết đó là truyền thống về lòng yêu nước. Trong những năm chiến tranh ác liệt, thời kỳ chống Pháp cũng như thời kỳ chống Mỹ, lực lượng công nhân ở các đồn điền cao su hầu hết đều tham gia hoạt động cách mạng, là cơ sở đáng tin cậy của cách mạng. Họ chiến đấu dũng cảm và có không ít người đã mãi mãi nằm lại chiến trường miền Đông Nam Bộ này, vùng đất mà giờ đây có bạt ngàn rừng cao su và nó góp phần làm giàu cho đất nước; đó là những anh hùng liệt sỹ xuất thân từ những người làm cao su. Vì vậy lịch sử ngành cao su Việt Nam, luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngành Cao su VN được thành lập và được xác định là ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Đội ngũ cán bộ, CN từ trong kháng chiến trở về, trong đó có nhiều người trước đây là CN làm thuê cho các đồn điền cao su của chủ tư sản và đội ngũ cán bộ kỹ sư, CN kỹ thuật từ miền Bắc, miền Trung tăng cường vào để hình thành lực lượng CN cao su của chế độ mới, chế độ mà giờ đây họ là người làm chủ chứ không phải là người làm thuê.

Thực hiện chủ trương khôi phục lại các đồn điền cao su của chủ tư sản và mở rộng diện tích trồng mới từ miền Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên với quyết tâm xây dựng một ngành kinh tế mạnh, lực lượng CN cao su phải vào cuộc đấu tranh mới, cuộc đấu tranh không kém phần ác liệt. Đó là rà phá bom mìn còn lại sau chiến tranh, chiến đấu với bọn Fulrô trên địa bàn Tây Nguyên và các phần tử phản động khác còn ẩn náu trong rừng, kế cả đấu tranh với bao gian khổ thiếu thốn của thời kỳ đầu sau giải phóng… Và cũng có không ít người đã ra đi vì bom mìn, vì những cơn sốt rét ác tính nơi rừng thiêng nước độc. Một lần nữa người CN cao su mãi mãi nằm lại trên vùng đất “rừng thiêng nước độc” mà giờ đây đã bao phủ bạt ngàn cao su. Họ không được vinh danh là những anh hùng liệt sỹ trong trận chiến chống giặc ngoại xâm, nhưng họ sẽ được nhớ mãi và ghi danh là những người CN dũng cảm vì sự nghiệp cao su trong lịch sử của ngành Cao su VN.

CN ngày nay  phải biết  yêu nghề,  quyết tâm  xây dựng ngành phát triển.  Ảnh: Vũ Phong

CN ngày nay phải biết yêu nghề, quyết tâm xây dựng ngành phát triển. Ảnh: Vũ Phong

Truyền thống tốt đẹp thứ hai là truyền thống yêu ngành, tâm huyết xây dựng ngành. Đây là ý nguyện của bao thế hệ cao su từ người lãnh đạo đến người lao động. Từ những ngày đầu khó khăn gian khổ, người CN phải trải qua bao thử thách kể cả tính mạng của mình để khai hoang mở đất, xây dựng nền móng vững chắc cho ngành cao su, một ngành không những mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước mà còn góp phần làm cuộc cách mạng xã hội cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, góp phần giải quyết vấn đề an ninh quốc phòng… Để có được cây cao su đứng phải đánh đổi biết bao mồ hôi kể cả tính mạng của các thế hệ CN trước đó.

Quá trình phát triển là quá trình phấn đấu vượt qua những khó khăn thách thức, có thời điểm tưởng chừng như bế tắc đó là giai đoạn từ cuối những năm 80 đến đầu những năm 90 khi mà nguồn vốn đầu tư không còn, giá bán mủ cao su thấp hơn giá thành, lương CN trả chậm, đời sống CN gặp nhiều khó khăn, cùng lúc lại có một số quan điểm của các Bộ, Ngành trình Chính phủ đề nghị tư nhân hóa cao su (nghĩa là ngành cao su không tồn tại). Biết bao điều băn khoăn trăn trở, biết bao sự tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành nhưng với tâm huyết những người lãnh đạo ngành cao su lúc bấy giờ bình tĩnh, đoàn kết và quyết đoán tìm các giải pháp và bước đi thích hợp, từng bước tháo gỡ khó khăn dần ổn định sản xuất, ổn định đời sống cho người lao động, chứng minh ngành cao su tồn tại là có hiệu quả cho đất nước. Và thực sự hôm nay ngành cao su đang tồn tại, phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.

Thành quả của ngành Cao su ngày nay (Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN) cũng là thành quả của những cống hiến của các thế hệ công nhân trước đây. Nhà thơ Tố Hữu có câu:
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay
Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”

Là người được về công tác trong ngành cao su gần 25 năm, tôi rất tự hào với truyền thống tốt đẹp của ngành Cao su VN và rất tự hào với thế hệ CN cao su ngày nay. Tự hào với thế hệ CN cao su hôm nay bởi vì: Họ vẫn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, kế thừa những mặt mà các thế hệ trước đây làm tốt và tránh được những mặt mà các thế hệ trước đây làm chưa tốt; Ngoài ra công tác quản lý khoa học, hiệu quả, trình độ người lao động được nâng cao; Xây dựng ngành trở thành một Tập đoàn kinh tế ngang tầm với những đơn vị kinh tế mạnh của đất nước.

Trước mắt hiện nay tình hình có khó khăn, đây là tính quy luật của thương trường, ngành kinh tế bao giờ chúng ta cũng phải lường trước để có giải pháp thích hợp, tôi tin rằng ban lãnh đạo hôm nay sẽ phát huy được truyền thống của thế hệ trước: bình tĩnh, đoàn kết và quyết đoán trước tình hình này.

Năm nay Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN tổ chức kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành Cao su VN, đây là việc làm đáng trân trọng nhằm ý thức cho thế hệ CN hôm nay ôn lại lịch sử tốt đẹp của ngành, của giai cấp CN cao su. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm chỉ là một vế về hình thức. Về nội dung nên chăng cần giáo dục sâu hơn để người CN hôm nay học tập gương của người CN các thế hệ trước luôn yêu ngành, quyết tâm xây dựng ngành dù khó khăn hay thuận lợi, không vì lợi ích cá nhân trước mắt khi tình hình biến động khó khăn, CN rời bỏ vườn cây, xin nghỉ việc, làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của đơn vị, của ngành.

Lê Mười (Nguyên Phó TGĐ TCT CS VN)

Nơi lưu giữ nhiều hiện vật về cao su


Theo thống kê, hiện nay bảo tàng tỉnh Bình Phước đã sưu tầm được hơn 200 hiện vật, 38 hình ảnh gốc thời kỳ Pháp thuộc, hơn 100 hình ảnh dạng file và một số tài liệu có liên quan.
Thả công tra thời Pháp thuộc

Thả công tra thời Pháp thuộc

Về hiện vật, trong số hơn 200 hiện vật có thể chia thành các nhóm như: Hiện vật liên quan đến hoạt động khai thác, bao gồm dao cạo, thùng đựng mủ, thang, tô đựng mủ, máng hứng mủ, thước đo mủ… với hơn 50 hiện vật. Trong đó có những hiện vật có giá trị độc đáo, hiếm có như: Thang cạo mủ, dao cạo mủ được xác định là từ thời kỳ Pháp thuộc.

Nhóm hiện vật thứ hai là những vật liên quan đến hoạt động chế biến cao su sau khai thác. Đó là những hiện vật liên quan đến sản xuất của nhà máy như: Ray lọc mủ, sào phơi mủ; các hiện vật liên quan đến nhà máy như gạch xây tường, ngói lợp… Trong đó có những hiện vật có niên đại gần 100 năm và độc đáo như: Thanh ray của lò xông nhiệt, mác lò xông, ngói lợp và gạch xây có xuất xứ
từ Pháp.

Trong năm 2014, bảo tàng tỉnh tiếp tục sưu tầm thêm được 10 hiện vật liên quan trực tiếp đến nhà máy và cũng có niên đại gần 100 năm, trong đó tiêu biểu là các thùngđánh đông mủ, thùng đựng hóa chất thí nghiệm. Nhóm hiện vật liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, đời sống lao động và sinh hoạt của người dân cũng có những hiện vật có giá trị như: Gạch và ngói xây dựng nhà ở, các vật dụng dùng để mang thực phẩm trong quá trình đi lao động, những hiện vật liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng thời Pháp thuộc.

Dụng cụ cạo mủ thời Pháp thuộc được lưu giữ.

Dụng cụ cạo mủ thời Pháp thuộc được lưu giữ.

Số tài liệu và hình ảnh hiện có do bảo tàng sưu tầm được cũng khá lớn và có giá trị tiêu biểu. Về tài liệu có bộ tài liệu liên quan đến thanh tra lao động năm 1929 cung cấp các thông tin về tình hình lao động tại đồn điền ở Lộc Ninh trong hai năm 1929 và 1930. Đặc biệt, tài liệu và hiện vật có giá trị phải kể đến là tấm thẻ công tra được cấp năm 1927, được xem là thẻ căn cước do các chủ đồn điền
cao su thực dân Pháp cấp cho phu cao su để kiểm soát họ ở các đồn điền trong thời gian khai thác thuộc địa ở VN.

Bên cạnh những hiện vật và tài liệu liên quan đến cao su thời Pháp thuộc, bảo tàng Bình Phước cũng chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu và sưu tầm những hiện vật có giá trị liên quan đến thời kỳ sau giải phóng, đặc biệt là thời kỳ khai hoang xây dựng kinh tế mới; những hiện vật và tài liệu liên quan đến thời kỳ đổi mới và phát triển hiện nay.

Như vậy, số lượng hiện vật, tài liệu và hình ảnh liên quan đến ngành cao su qua các thời kỳ lịch sử là tương đối hoàn chỉnh qua các giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, do những khó khăn về thời gian và điều kiện chiến tranh, thiên tai, số hiện vật, tài liệu và hình ảnh liên quan đến cao su thời kỳ Pháp thuộc vẫn còn hạn chế so với hiện vật thời kỳ sau giải phóng đến nay.

Phạm Hữu Hiến – Bùi Kim Thư

Tháng 9 và những sự kiện lịch sử


Trong lịch sử ngành cao su VN, tháng 9 là thời điểm diễn ra khá nhiều sự kiện quan trọng, để lại những dấu ấn khó phai trong lịch sử của ngành. Sau đây, Tạp chí Cao su lược trích và giới thiệu những sự kiện đáng chú ý nhất.

Các chuyên gia Liên Xô thăm CTCS Dầu Tiếng. Ảnh tư liệu

Các chuyên gia Liên Xô thăm CTCS Dầu Tiếng. Ảnh tư liệu

Đại hội đại biểu Công đoàn Cao su Nam Bộ

Tại hội nghị tháng 9/1949, Xứ ủy Nam Bộ đã nhấn mạnh đến công tác xây dựng, tổ chức Công đoàn Cao su Nam Bộ, xây dựng một tổ chức công vận thống nhất lãnh đạo phong trào công nhân (CN) cao su toàn miền để đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong các đồn điền. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy, Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ quyết định triệu tập đại hội Công đoàn Cao su Nam Bộ.

Ngày 18/9/1949, Đại hội đại biểu Công đoàn Cao su Nam Bộ khai mạc tại xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một. Đại biểu các Liên đoàn Cao su Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Bà Rịa và Cao Miên về dự đông đủ. Đại hội An Điền ngày 18/9/1949 là đại hội đầu tiên của Công đoàn Cao su Nam Bộ.

Tham dự Đại hội còn có đại biểu Xứ ủy, ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, khu bộ Khu 7 và đại diện các liên trung đoàn có đại đội đặc nhiệm chuyên phá hoại cao su. Thư ký Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ chủ trì Đại hội.

Tại Đại hội, các đại biểu thay mặt cho liên đoàn các đồn điền đã báo cáo quá trình xây dựng, trưởng thành và thành tích cụ thể của phong trào CN cao su ở mỗi địa phương. Đại hội đã đề ra nhiều nhiệm vụ cơ bản cho phong trào đấu tranh của CN cao su các đồn điền, hướng dẫn CN các đồn điền “dấn tới trên con đường tranh đấu vì lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc”.

Sự ra đời của Liên đoàn Cao su Nam Bộ đã đáp ứng với yên cầu đẩy mạnh cuộc đấu tranh của đội ngũ CN cao su Nam Bộ trong tình hình mới. Nó đánh dấu một bước trưởng thành của đội ngũ CN cao su VN. Từ đây, hệ thống tổ chức CN cao su được chỉ đạo thống nhất và phối hợp chặt chẽ.

Thành lập Liên đoàn Cao su tỉnh Biên Hòa

Tháng 9/1946, Liên đoàn Cao su tỉnh Biên Hòa được thành lập với 4.000 hội viên. Liên đoàn xuất bản tờ báo Sinh Lực, phát hành xuống tận phân sở, làng CN nhằm tuyên truyền lòng yêu nước, ý thức giai cấp, hướng dẫn CN phối hợp đấu tranh trên địa bàn toàn tỉnh. Liên đoàn còn tổ chức một trung đội dân quân cao su, vũ trang bằng dao găm, lựu đạn, súng trường, làm nhiệm vụ phá hoại cao su của Pháp là chính.

Cuộc đấu tranh của CN đồn điền Cam Tiêm

Ngày 20/9/1928, 500 CN đồn điền cao su Cam Tiêm tiến hành bãi công đòi tăng lương và cải thiện đời sống. Đây là cuộc bãi công lớn lần thứ hai tại đồn điền này kể từ năm 1926. Chính quyền thực dân vội vàng cho binh lính đến đàn áp, làm nhiều người chết và bị thương, nhiều người khác phải tản vào rừng.

Cuộc đấu tranh của CN đồn điền cao su Cam Tiêm làm xôn xao dư luận ở Pháp. Tổng liên đoàn Lao động Pháp đã lên tiếng phản đối sự đàn áp của bọn thực dân đối với CN ở đồn điền này và bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh của giai cấp CN VN nói chung, CN đồn điền cao su Cam Tiêm nói riêng.

Hai cuộc đấu tranh của CN cao su miền Đông Nam Bộ

Hai cuộc đấu tranh đầu tiên của CN cao su miền Đông Nam Bộ diễn ra tại An Lộc do Huyện ủy Xuân Lộc lãnh đạo vào tháng 8 và 9 năm 1954. Cuộc đấu tranh thứ nhất, yêu sách của CN gồm hai điểm: ngày làm 8 giờ, tăng lương từ 13 đồng lên 16 đồng/ngày. Cuộc đấu tranh thứ hai có sự lãnh đạo của Liên tỉnh ủy miền Đông, công nhân đình công 4 ngày. Ngoài việc đòi tăng lương từ 16 đồng lên 24 đồng/ngày, CN còn đòi nghỉ ngày chủ nhật có lương, đòi được tự do lập nghiệp đoàn. Cả hai cuộc đấu tranh đều thắng lợi.

Thực hiện hợp tác với Liên Xô (cũ) về phát triển cao su

Năm 1978, Bộ Nông Nghiệp quyết định triển khai thực hiện chương trình hợp tác trồng mới 50.000 ha cao su với Liên Xô theo Hiệp định được Chính phủ hai nước ký kết. Hướng triển khai là vùng đất ở Phú Riềng, Thuận Lợi. Ngày 6/9/1978, Công ty Cao su Phú Riềng được thành lập theo quyết định số 318/NN-TC-QĐ của Bộ Nông Nghiệp và trở thành đơn vị đầu tiên hợp tác với Liên Xô về phát triển cao su.

T.C (tổng hợp)

Những tác phẩm vào vòng chung khảo


Sự tiến triển nhanh chóng của ngành khai thác cao su ở Việt Nam của tư bản thực dân Pháp gắn liền với sự mở rộng hoạt động của các công ty cao su lớn và cũng gắn liền với việc các đồn điền cao su dần dần lan rộng khắp vùng đất đỏ miền Đông Nam Kỳ.
Lô cao su trồng tại đồn điền Trảng Bom.

Lô cao su trồng tại đồn điền Trảng Bom.

Các công ty cao su lớn đua nhau lập ra hàng loạt đồn điền trong đó có những đồn điền khá qui mô. Có thể đơn cử một vài trường hợp, chẳng hạn Công ty S.I.P.H, chỉ một thời gian ngắn sau chiến tranh đã lập ra hàng loạt đồn điền như Dầu Giây, An Lộc, Bình Lộc, Ông Quế, Bến Củi, Bình Ba. Diện tích cao su của Công ty S.I.P.H đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có tới 6.000 hécta.

Số phu công tra công ty này chiêu mộ được từ năm 1914 đến tháng Tám 1945 là 816.000 người đeo số. Công ty cao su Đất Đỏ cũng liên tiếp lập ra những đồn điền lớn như Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch, Bình Sơn, Phú Hưng… không những thế trong quá trình phát triển, công ty còn mở rộng diện tích khai thác cao su sang tận vùng biên giới Campuchia, lập thêm nhiểu đồn điền mới như Chúp, Bình Chăn, Mạc Bích, Carết, Snoul, nằm ở phía Đông tỉnh Công-pỏng- chàm. Riêng đồn điền Chúp có tới 24.000 hécta cây trồng. Từ năm 1914 đến tháng 10 năm 1955, công ty này đã chiêu mộ tới 421.000 dân phu có số.

Công ty Mít-sơ-lanh trong thời gian từ 1917 đến 1935, đã xây dựng được hai đồn điền cao su lớn là Dầu Tiếng và Phú Riềng, sau phát triển thêm đồn điền Thuận Lợi. Từ năm 1926 đến tháng 4/1954, công ty chiêu mộ được 260.000 phu công tra.

Công ty cao su Đồng Nai bắt đầu khai thác cao su từ năm 1926 và dần dần hình thành ba đồn điền lớn ở Trảng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng. Số dân phu công tra mà công ty chiêu mộ được qua các năm lên tới hàng vạn người.

Công ty cao su Tây Ninh cũng lần lượt lập ra các đồn điền Vên Vên, Trà Vỏ, Hiệp Thành, Cầu Khởi.

Công ty cao su CEXO chỉ tính riêng từ năm 1925 đến năm 1954 đã mộ được tới 218.000 người và trong quá trình phát triển đã hình thành hai đồn điền cao su lớn là Lộc Ninh và Đa Kia.

Ngoài việc các công ty đã ra đời trước chiến tranh đi vào khai thác ồ ạt, còn xuất hiện một số công ty mới như Công ty cao su Láp-bê (Plantations de Phước Hòa), đặt trụ sở tại Phước Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Công ty này sau một thời gian khai phá rừng lập đồn điền, từ năm 1928 bắt đầu đi vào khai thác cao su. Công ty này tuy nhỏ nhưng có đặc điểm nổi bật là mủ cao su sau khi lấy được, không đem bán ra thị trường dưới dạng nguyên sinh hay sơ chế, mà được giữ lại để chế thành các loại săm lốp ô tô và xe đạp.

Sự phát triển ồ ạt của việc khai thác cao su ở Đông Dương chủ yếu là Việt Nam, giai đoạn sau chiến tranh của tư bản Pháp đã dẫn tới kết quả là mức xuất cảng cao su ở Đông Dương đã không ngừng tăng lên, phần lớn là xuất cảng sang Pháp và Xanh-ga-po. Mức xuất cảng cao su tăng lên đã làm cho cho tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đông Dương, giá trị của mặt hàng cao su ngày càng chiếm tỷ trọng lớn: năm 1936 chiếm 14,3%, năm 1937 – 18%, năm 1938 – 21,4%, năm 1939 -27,4%….

Kinh doanh đồn điền cao su, bọn tư bản thực dân thu được những món lãi khổng lồ, nhất là vào những năm trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai khi mà giá cao su trên thị trường thế giới tăng lên một cách đột ngột. Số tiền lãi các công ty thu được không những lớn mà điều đáng lưu ý là số tiền đó gấp hàng chục lần tiền họ thuê nhân công. Điều đó cho thấy mức độ bóc lột của giới tư bản đồn điền cao su đối với công nhân – những người trực tiếp làm ra sản phẩm là tàn khốc đến mức nào.

Xem tiếp kỳ sau: Đội ngũ công nhân cao su ra đời

CSVN

Những tác phẩm vào vòng chung khảo


Những tác phẩm giải B


Những bài thơ hưởng ứng


Những tác phẩm giải A


Thể lệ Cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành Cao su VN - 2019


Kế hoạch v/v tổ chức thực hiên Cuộc Vận động sáng tác ca khúc về người công nhân cao su và truyền thống ngành Cao su Việt Nam


89 năm ngày truyền thống ngành cao su

Phát huy truyền thống, nỗ lực vượt khó


Logo 89 năm


File Logo 89 năm

Tổ chức lễ kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống ngành long trọng, tiết kiệm


Lễ kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống ngành cao su sẽ được tổ chức vào ngày 26/10 tại Công ty CPCS Đồng Phú.

 

Theo đó, khách mời và đại biểu sẽ dâng hương tại tượng đài Phú Riềng Đỏ và Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Tiếp theo, các chương trình trong ngày diễn ra Lễ kỷ niệm gồm có diễn văn ôn lại truyền thống ngành cao su Việt Nam của lãnh đạo VRG, phát biểu của thế hệ trẻ ngành cao su. Dịp này, VRG sẽ trao các giải thưởng Cao su Việt Nam, giải toàn đoàn Hội thao CNVC LĐ VRG khu vực V, trao giải cuộc thi viết “Chuyện nghề” và trao giải thưởng Sao Vàng Cao su, Thanh niên tiêu biểu ngành Cao su Việt Nam.

 

VRG cũng đã có văn bản gởi các đơn vị về việc treo băng rôn, biểu ngữ chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam, đồng thời khuyến khích các đơn vị nếu có điều kiện thì tổ chức liên hoan, ôn lại truyền thống ngành cao su cho NLĐ tại nơi làm việc.

 

HÀ KHUÊ

88 năm ngày truyền thống ngành cao su

Phát huy truyền thống, xây dựng ngành phát triển bền vững


Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2017), được VRG tổ chức trọng thể vào sáng ngày 26/10, tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận tin tưởng rằng CNVC LĐ VRG tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng của ngành cao su, cùng nhau đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm lao động sản xuất; xây dựng ngành cao su phát triển bền vững.

87 năm ngày truyền thống ngành cao su

Với truyền thống, nội lực, tin tưởng ngành sẽ vượt khó thành công


Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 87 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2016), được VRG tổ chức trọng thể vào sáng ngày 28/10, tại Công ty CPCS Đồng Phú, TGĐ Trần Ngọc Thuận cho rằng, tình hình hiện nay tuy còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng nhìn lại truyền thống, nội lực và kinh nghiệm của ngành, chúng ta hoàn toàn tin tưởng ngành CSVN sẽ vững tin vượt khó thành công.

86 năm ngày truyền thống ngành cao su

85 năm ngày truyền thống ngành cao su