logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

'Sợi dây' cao su kết nối Việt - Cam lá cờ đầu của VRG trong phát triển cao su ở Campuchia 09/09/2024

 

Hoàn vốn sớm nhất, năng suất cao nhất, công nhân ổn định nhất, khó có thể phủ nhận vị trí lá cờ đầu trong phát triển cao su ở Campuchia của Bà Rịa Kampong Thom.

 

Trụ sở sạch, đẹp như khu nghỉ dưỡng trong vườn cao su của Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa Kampong Thom. Ảnh: Tùng Đinh.

Trụ sở sạch, đẹp như khu nghỉ dưỡng trong vườn cao su của Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa Kampong Thom. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Quê hương thứ 2

 

Có giấy phép cuối năm 2006, năm 2007 có đoàn tiền trạm sang chọn địa điểm tại xã Kroyéa, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom nhưng đến 2009 bộ khung đầu tiên gồm 8 cán bộ Việt Nam mới được cử sang để đặt nền móng xây dựng công ty Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa Kampong Thom.

 

15 năm sau, trụ sở công ty là một cơ ngơi như khu nghỉ dưỡng với khuôn viên, cây cảnh và hệ thống phòng nghỉ, sân thể thao đầy đủ, chất lượng. Nhâm nhi ly cà phê buổi sáng ở "lục giác đài" của công ty, Tổng Giám đốc Hoàng Hữu Tuấn chia sẻ: "Từ khi khảo sát, các cán bộ Việt Nam đã nhận ra đây là vùng đất pha cát, thổ nhưỡng thấp rất phù hợp cho cây cao su".

 

Thế nhưng, mặt trái của thổ nhưỡng thấp là ngập úng, ông Tuấn nói, những cây cao su đầu tiên của công ty khi được cắm xuống đất còn nổi ngược lên, vì ngập. Chưa kể khó khăn trong tuyển dụng, đào tạo lao động cũng phủ bóng lên Bà Rịa Kampong Thom như tất cả các đơn vị khác của VRG tại Campuchia.

 

Vậy mà họ đã vượt qua hết, phát triển ổn định đến mức bây giờ công nhân bản địa không muốn đi đâu khác. Công nhân người Campuchia lựa chọn ở lại, sinh sống, phát triển, đưa Bà Rịa Kampong Thom thành quê hương thứ 2 của mình.

 

Tổng Giám đốc Hoàng Hữu Tuấn chia sẻ về quá trình phát triển của công ty sau 15 năm đặt chân ở Campuchia. Ảnh: Tùng Đinh.

Tổng Giám đốc Hoàng Hữu Tuấn chia sẻ về quá trình phát triển của công ty sau 15 năm đặt chân ở Campuchia. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Đây là kết quả tất yếu của sự quan tâm đến người lao động của lãnh đạo công ty. Nhiều năm liền, các cán bộ quản lý luôn chăm sóc, gần gũi, lắng nghe và chia sẻ những tâm tư, mong muốn của anh chị em công nhân.

 

Ngoài vật chất, đời sống tinh thần của bà con người Campuchia cũng được quan tâm. Ngoài ngôi chùa chung xây dựng cùng Phước Hòa Kampong Thom và Tân Biên Kampong Thom, Bà Rịa Kampong Thom cũng vận động tự xây dựng một ngôi chùa riêng. Hiện tại, công ty đang có kinh phí 150 triệu riel để cải tạo, mở rộng ngôi chùa này.

 

“Thói quen của người Campuchia là sẽ nghỉ 1 ngày ngay sau khi nhận lương. Ban đầu công ty cũng tìm phương án để thay đổi vấn đề này, tuy nhiên sau khi nhận thấy đó là tập quán của anh chị em công nhân nên có giải pháp hiệu quả hơn”, ông Tuấn nói về cách giữ chân công nhân.

 

Theo đó, thay vì không cho công nhân nghỉ, công ty chấp nhận và còn tổ chức hội chợ, phục vụ mua bán cho họ trong ngày nghỉ sau nhận lương. Để đảm bảo năng suất lao động, ngày nghỉ này sẽ được bố trí bù vào thời gian tiếp theo.

 

Cộng đồng người Campuchia sinh sống, phát triển và gắn bó với công ty. Ảnh: Tùng Đinh.

Cộng đồng người Campuchia sinh sống, phát triển và gắn bó với công ty. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Ngoài tiền lương và thu nhập theo công lao động, công ty cũng hỗ trợ mỗi công nhân 15kg gạo/tháng cùng với một số nhu yếu phẩm. Về nơi ở, 500 căn hộ với 1.000 phòng của công ty xây dựng hiện đã kín chỗ, chia thành 4 cụm dân cư quanh các khu vực khai thác để tiện cho công nhân sinh hoạt, làm việc.

 

Đạt mức thu nhập bình quân 300 USD/người/tháng từ năm 2019, đến nay đời sống của công nhân Cao su Bà Rịa Kampong Thom ngày càng ổn định, nâng cao. “Trong số các công nhân của công ty có đến 25 gia đình đã sắm được xe ô tô, xe máy thì gần như nhà nào cũng có”, Tổng Giám đốc thông tin thêm.

 

Con em của công nhân được bố trí học tại các trường của công ty xây dựng, có xe đưa đón hàng ngày và 7 giáo viên do Chính phủ Campuchia phân công về dạy cũng được công ty trợ cấp thêm hàng tháng ngoài khoản lương của nhà nước.

 

Từ khi hoạt động đầu tư tại Vương Quốc Campuchia, Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa Kampong Thom luôn luôn quan tâm đến đời sống của người công nhân, làm tốt chính sách an sinh xã hội, đời sống của công nhân từng bước được nâng cao, tạo hiệu ứng góp phần mang lại sắc thái, diện mạo mới cho địa bàn dân cư quanh vùng nơi công ty trú đóng, được công nhân, người dân và chính quyền địa phương nước sở tại đánh giá cao.

 

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

 

Tổng diện tích của Cao su Bà Rịa Kampong Thom tại Campuchia là hơn 5.900ha, trong đó diện tích vườn cây là 5.393,65ha, đã hoàn thành trồng mới từ năm 2013 và bắt đầu đi vào khai thác từ năm 2016. Từ đó, năng suất, sản lượng luôn ổn định và tăng trưởng. Từ 2018 đến nay, 6 năm liên tiếp công ty có năng suất nằm trong Câu lạc bộ 2 tấn/ha.

 

Đây cũng là đơn vị đầu tiên trong số 16 công ty của VRG tại Campuchia có tiền hoàn về Việt Nam. Không chỉ sớm, mà đến nay Cao su Bà Rịa Kampong Thom đã hoàn được hơn 60% số vốn đầu tư, tương đương trên 710 tỷ đồng và dự kiến chỉ trong hơn 1 năm nữa sẽ hoàn 100% vốn đầu tư ban đầu cho tập đoàn.

 

Những khó khăn trong giai đoạn đầu đều có hướng giải quyết, khắc phục. Nhờ thực hiện tốt nhiều biện pháp chăm sóc có hiệu quả, vườn cây kiến thiết cơ bản của công ty đảm bảo cây sinh trưởng tốt, phát triển đồng đều, tạo tiền đề cho công việc khai thác về sau.

 

Để khắc phục tình trạng ngập úng, hơn 600km kênh mương đã được đào, đắp xung quanh các lô cao su, giúp thoát nước cho hơn 5.000ha. Đây cũng là hệ thống góp phần đảm bảo phòng cháy, chữa cháy và cấp nước vào mùa khô hạn cho rừng cao su.

 

Những người Campuchia khi đến Cao su Bà Rịa Kampong Thom nhận xét, cao su ở đây hiệu quả là vì quản lý tốt, kỹ thuật tốt và chất lượng tốt. Từ đầu vào, 13 giống cao su chuẩn của Viện Nghiên cứu cao su thuộc VRG được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, sử dụng phân bón hiệu quả.

 

Ngôi chùa công ty xây dựng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cán bộ, công nhân viên người Campuchia. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngôi chùa công ty xây dựng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cán bộ, công nhân viên người Campuchia. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Bên cạnh đó, nhờ khi hậu mát mẻ, đất pha cát phù hợp với cây cao su nên sản lượng và chất lượng mủ ở đây luôn nằm trong tốp đầu. Cụ thể, mật độ cao su khi trồng là 550 cây/ha và đến khi cho thu hoạch đạt tỷ lệ lên đến 512 cây/ha.

 

Ngoài chất lượng cây, việc quản lý công nhân cũng được triển khai hợp lý, giúp tăng năng suất lao động. Hiện nay, có 4/10 đội trưởng các đội khai thác là người Campuchia, những cán bộ này là cầu nối giúp đưa các kỹ thuật, chính sách của công ty đến người lao động hiệu quả hơn.

 

Bên cạnh đó, hình thức khoán cũng được công ty áp dụng để tạo động lực, tăng năng suất lao động cho công nhân. Trong những thời điểm cao su rụng lá, không lấy mủ được, thường kéo dài trong 2 tháng thì công ty sẽ tạo các việc làm khác cho công nhân như vệ sinh, dọn dẹp vườn cây. Điều này giúp duy trì công việc, thu nhập và giữ chân người lao động.

 

Vườn cao su chất lượng cao của Cao su Bà Rịa Kampong Thom. Ảnh: Tùng Đinh.

Vườn cao su chất lượng cao của Cao su Bà Rịa Kampong Thom. Ảnh: Tùng Đinh.

 

15 năm qua, Cao su Bà Rịa Kampong Thom luôn xác định tăng cường quan hệ với chính quyền các cấp và nhân dân địa phương là mối quan tâm hàng đầu nhằm bảo vệ an ninh và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ những thành quả trong lao động sản xuất.

 

Đơn vị đã chủ động xây dựng mối quan hệ với chính quyền địa phương các cấp, xây dựng lực lượng bảo vệ tại chỗ, phối hợp với các cơ quan như công an huyện, công an xã, quân đội tại nước sở tại nhằm phối hợp, có sự hỗ trợ kịp thời, nhờ đó tình hình trật tự an toàn trên địa bàn công ty luôn luôn ổn định.

 

https://nongnghiep.vn/la-co-dau-cua-vrg-trong-phat-trien-cao-su-o-campuchia-d398379.html

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ