logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

'Sợi dây' cao su kết nối Việt - Cam nơi những cây cao su đầu tiên của VRG mọc trên đất Campuchia 09/09/2024

 

Có giấy phép cuối năm 2006, 2007 triển khai, Công ty TNHH phát triển Cao su Tân Biên Kampong Thom là đơn vị trồng những cây cao su đầu tiên của VRG trên đất Campuchia.

 

Trụ sở và khu dân cư của Cao su Tân Biên Kampong Thom ở huyện Santuk. Ảnh: Tùng Đinh.

Trụ sở và khu dân cư của Cao su Tân Biên Kampong Thom ở huyện Santuk. Ảnh: Tùng Đinh.

 

3 công ty cao su Tân Biên Kampong Thom, Phước Hòa Kampong Thom và Bà Rịa Kampong Thom tạo thành một tam giác cân ở huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom, mỗi trụ sở cách nhau khoảng 10km.

 

Mặc dù được cấp phép và triển khai gần như cùng lúc nhưng nếu tính chi tiết thì Tân Biên Kampong Thom vẫn là công ty đầu tiên đem cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) sang trồng ở đất Campuchia.

 

Sau gần 20 năm có mặt ở Campuchia, Cao su Tân Biên Kampong Thom giờ đã phát triển ổn định, cả về vườn cây lẫn lao động. Năng suất của công ty luôn vào tốp đầu của 16 đơn vị của VRG ở Campuchia, có mặt trong Câu lạc bộ 2 tấn/ha.

 

Trong khi đó, thu nhập của công nhân trung bình đạt 380 USD/người/tháng, cao hơn mức trung bình ở Campuchia là 300 USD/người/tháng. Đời sống của không chỉ công nhân mà cộng đồng dân cư lân cận cũng được nâng cao, thay đổi bộ mặt cho cả một vùng đất.

 

Bằng tâm, bằng tình

 

Để có được những thành quả như ngày hôm nay, phải nói tập thể của Cao su Tân Biên Kampong Thom đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn của những ngày đầu, khi chính họ là những người đi đầu.

 

Khó khăn nhất, phải kể đến giai đoạn 2007 - 2014, khi đó cơ sở vật chất chưa có, cả một vùng đất rộng lớn, hoang vu chưa có dấu hiệu của bàn tay con người. Ông Lâm Thanh Phú, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: "Ngày ấy không có đường đi, để khảo sát thực địa mỗi ngày chúng tôi phải đi 40km bằng máy cày, xe bò, riêng thời gian đi đường cũng phải hơn nửa ngày".

 

Ông Lâm Thanh Phú, Tổng Giám đốc công ty (đứng) chia sẻ về công cuộc phát triển hơn 17 năm tại Campuchia. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lâm Thanh Phú, Tổng Giám đốc công ty (đứng) chia sẻ về công cuộc phát triển hơn 17 năm tại Campuchia. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Địa điểm đặt trụ sở công ty bây giờ lúc đó vẫn hoang vu, xa xôi hẻo lánh và không có điện. Các anh em chỉ biết động viên lẫn nhau để vượt qua khó khăn mà bám trụ, phát triển cây cao su.

 

Ngoài khó khăn về đời sống, cơ sở vật chất thì công ty cũng phải chật vật xoay xở trong lĩnh vực tài chính trong 7 năm đầu. Lý do là đang trong giai đoạn phát triển, đầu tư chứ chưa đi vào khai thác, kinh doanh. Chu kỳ tín dụng chỉ dễ thở hơn khi bắt đầu đi vào khai thác, giai đoạn từ 2014 - 2015 trở lại đây.

 

Nhưng khó khăn, trở ngại lớn nhất vẫn là khâu tuyển chọn, đào tạo và giữ chân lực lượng lao động người Campuchia, trong đó công nhân trực tiếp 100% là người bản địa.

 

Khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, khó khăn về tiếp cận kỹ thuật, khó khăn về khác biệt thói quen, tập quán đã tạo ra những rào cản nhất định nhưng cuối cùng vẫn được Cao su Tân Biên Kampong Thom tháo gỡ thành công.

 

"Khó thì phải từ từ. Chúng tôi tuyển dụng từ từ, tiếp xúc từ từ, hướng dẫn từ từ. Đến với anh chị em công nhân bằng tâm, bằng tình để mình hiểu họ và họ hiểu mình", ông Lâm Thanh Phú chia sẻ thêm.

 

Quang cảnh nhà máy chế biến mủ của công ty Cao su Tân Biên Kampong Thom. Ảnh: Tùng Đinh.

Quang cảnh nhà máy chế biến mủ của công ty Cao su Tân Biên Kampong Thom. Ảnh: Tùng Đinh.

 

17 năm gắn kết Việt – Cam

 

Theo Tổng Giám đốc Phú, công ty xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế song song với việc chăm lo đời sống, an sinh xã hội, hợp tác, hữu nghị, tuân thủ luật pháp nước sở tại theo đúng phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài”.

 

Đến thời điểm này, sau 17 năm, dự án phát triển Cao su tại Campuchia của công ty đã đóng góp thiết thực vào mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia.

 

Đơn cử như biến một vùng đất hoang vu, hẻo lánh thành nơi dân cư tập trung, nhà cửa, quán sá tấp nập. Từ lúc Cao su Tân Biên Kampong Thom đặt chân ở huyện Santuk này, có 2 phum (bản/làng) mới của người Campuchia đã mọc lên ở khu vực lân cận.

 

Những ngôi nhà dành cho công nhân thời điểm đầu được xây dựng bằng gỗ bây giờ đã kiên cố hóa, tổng số 526 căn hộ đã được lấp đầy 100%. Bên cạnh đó là hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, giếng nước hay chùa cũng được xây dựng, đầu tư để phục vụ đời sống của anh chị em công nhân.

 

Ngoài ra công ty luôn tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động thiện nguyện, đóng góp an sinh xã hội tại Campuchia như ủng hộ hội chữ thập đỏ, xây dựng trường học, làm đường hỗ trợ bà con thuận lợi trong đi lại làm ăn sinh sống, tổ chức thăm hỏi công nhân, cộng đồng dân cư nhân dịp lễ truyền thống của dân tộc Campuchia.

 

Công ty bố trí một phòng dành cho các bà mẹ cho con bú tại nhà máy. Ảnh: Tùng Đinh.

Công ty bố trí một phòng dành cho các bà mẹ cho con bú tại nhà máy. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Duy trì hoạt động của một chi bộ tại công ty, ông Lâm Thanh Phú cho biết, ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế, các đảng viên trong đơn vị cũng xác định vai trò kết nối, tăng cường mối quan hệ giữa 2 nước.

 

Sau 17 năm, những đóng góp của Cao su Tân Biên Kampong Thom tại đây đã được cộng đồng người lao động, người dân bản và chính quyền bản địa ghi nhận.

 

Trong khi chính quyền chia sẻ và phối hợp thì công nhân, người dân rất hợp tác, ủng hộ. Đây là kết quả của quá trình thực hiện công tác trao đổi, giao lưu không ngừng nghỉ suốt thời gian qua của lãnh đạo công ty. Cùng với đó là những nỗ lực trong công tác phổ biến, đào tạo cho người lao động.

 

Cựu du học sinh Học viện Nông nghiệp

 

Sinh năm 1980, Savan Din là cựu du học sinh người Campuchia tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi học xong đại học, anh tiếp tục ở lại Học viện để hoàn thành luận văn thạc sỹ của mình.

 

Vào công ty với vai trò phiên dịch từ năm 2007, sau nhiều năm cống hiến, chàng trai có khuôn mặt dễ mến này hiện đã là Phó Giám đốc của công ty, phụ trách mảng đối ngoại.

 

"Khi mình mới trở về Campuchia thì chưa xác định làm cao su đâu, sau khi được người thân giới thiệu, mình đến thử việc với vị trí phiên dịch viên và gắn bó luôn với Tân Biên Kampong Thom từ đó đến nay", Phó Giám đốc người Campuchia chia sẻ bằng chất giọng tiếng Việt cực sõi.

 

Khi được hỏi vì sao chọn nơi xa xôi thế này để gắn bó với cây cao su trong khi sở hữu tấm bằng có nhiều cơ hội ở thành phố lớn, Savan Din nói: "Những ngày đầu còn khó khăn thực sự cũng có lúc dao động, muốn nghỉ. Nhưng đã làm việc với nhau rồi thì có tình cảm, có gắn bó nên mình quyết định đi cùng với các anh".

 

Phó Giám đốc Savan Din, cựu du học sinh Campuchia theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Giám đốc Savan Din, cựu du học sinh Campuchia theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Cao su Tân Biên Kampong Thom

 

Công ty hiện có 1.696 lao động, trong đó 98 người Việt Nam và 1.598 người Campuchia. Diện tích vườn cây của Công ty TNHH phát triển Cao su Tân Biên Kampong Thom là 7.243,91ha và đã đi vào khai thác ổn định từ những năm 2014.

 

Trong năm 2023, sản lượng khai thác của công ty đạt hơn 15.300 tấn, vượt hơn 7% so với kế hoạch đề ra, tương đương với năng suất 2,11 tấn/ha và năng suất lao động 12,32 tấn/người/năm.

 

Điều này giúp công ty có thể nộp ngân sách được hơn 61 tỷ đồng trong năm 2023 trong khi vẫn đảm bảo thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt hơn 9,9 triệu đồng/người/tháng.

 

https://nongnghiep.vn/noi-nhung-cay-cao-su-dau-tien-cua-vrg-moc-tren-dat-campuchia-d398376.html

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ