Trao đổi kinh nghiệm quản trị hiện đại, kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp nhà nước và làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Cộng hòa Pháp 16/09/2024
Ngày 12/9, tại Paris, trong khuôn khổ chương trình đào tạo “Quản trị điều hành cấp cao trong kỷ nguyên bền vững” tại Cộng hòa Pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Nội vụ và Trường Quản trị Normandie đã tổ chức học tập 02 chuyên đề về quản trị doanh nghiệp hiện đại, kiểm soát rủi ro và làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Cộng hòa Pháp.
Tham dự chương trình đào tạo, học tập có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban là đại diện chủ sở hữu.
Trong buổi sáng ngày 12/9, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban là đại diện chủ sở hữu đã được tham dự 02 buổi học tập chuyên đề về “Quản trị và kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều đột phá về công nghệ” và chuyên đề “Quản trị doanh nghiệp hiện đại và OECD”.
Tại chuyên đề “Quản trị và kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều đột phá về công nghệ”, các giảng viên đã chia sẻ với các thành viên khóa học về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong việc xác định và quản lý rủi ro của các doanh nghiệp châu Âu.
Bên cạnh đó, chuyên đề đã có những chia sẻ về các thực tiễn tốt trong lĩnh vực này thông qua tình huống cụ thể của các tập đoàn hàng đầu của Cộng hòa Pháp.
Tại chuyên đề “Quản trị doanh nghiệp hiện đại và OECD”, các thành viên chương trình khóa học được tìm hiểu mô hình quản lý của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và việc áp dụng mô hình này trong doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, OECD có trụ sở chính tại Paris, Pháp, được thành lập vào năm 1961, là tổ chức quốc tế thúc đẩy điều phối chính sách và tự do kinh tế giữa các quốc gia phát triển. Mục tiêu chính của OECD là cải thiện nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy thương mại thế giới. Trọng tâm chính của OECD là giúp các chính phủ trên thế giới nâng cao niềm tin vào thị trường và các thể chế; Có được nguồn tài chính công lành mạnh để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai; Đạt được tăng trưởng thông qua đổi mới, chiến lược thân thiện với môi trường và tính bền vững của các nền kinh tế đang phát triển... Giảng viên cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp hiện đại tại một số tập đoàn của Cộng hòa Pháp.
Tại các chuyên đề, thành viên của chương trình đào tạo đã nghiêm túc lắng nghe và sôi nổi trao đổi, đóng góp ý kiến, qua đó, tiếp thu và trau dồi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích trong công tác quản trị hiện đại; kiểm soát rủi ro của doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều đột phá về công nghệ.
*Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy và các thành viên chương trình đào tạo đã có buổi làm việc trao đổi với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước của Cộng hòa Pháp (APE).
Toàn cảnh buổi làm việc
Buổi làm việc nhằm giúp các thành viên chương trình đào tạo có cơ hội được tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của APE với sự phát triển các doanh nghiệp được Nhà nước coi là chiến lược; Quá trình và những vấn đề cần suy ngẫm đối với cải cách doanh nghiệp do nhà nước đầu tư/hỗ trợ phát triển chuyển đổi.
Ông Gustave Gauquelin, Tổng Thư ký Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Cộng hòa Pháp chia sẻ tại buổi làm việc
Ông Gustave Gauquelin, Tổng Thư ký APE đã thông tin và chia sẻ với Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy và các thành viên chương trình đào tạo về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của APE và những kinh nghiệm trong cải cách doanh nghiệp do nhà nước đầu tư/hỗ trợ phát triển. APE hiện đang quản lý 85 doanh nghiệp nhà nước Pháp, trong đó các tập đoàn, tổng công ty lớn như Airbus group, Renault, Orange... Ông Gustave Gauquelin mong muốn tìm hiểu tiềm năng, cơ hội hợp tác với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy trao quà lưu niệm tặng ông Gustave Gauquelin, Tổng Thư ký Ủy ban Quản lý vốn nhà nước của Cộng hòa Pháp
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy đã giới thiệu chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), đồng thời chia sẻ về các tiềm năng, cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy cho biết, CMSC là cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam; được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước do CMSC là đại diện chủ sở hữu hiện đang hoạt động trên những lĩnh vực trọng tâm của đất nước như năng lượng, công nghiệp, tài chính, nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghệ và hạ tầng.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Cộng hòa Pháp
Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, mô hình hoạt động của CMSC có một số nét tương đồng với APE, do đó, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy mong muốn trong thời gian tới CMSC và APE cùng nghiên cứu các tiềm năng, cơ hội hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực hai bên quan tâm.
Kết thúc buổi làm việc, APE và CMSC thống nhất giao các đơn vị chức năng của hai bên nghiên cứu tham mưu cơ chế phối hợp giữa 2 cơ quan trong quản lý doanh nghiệp. Hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hội thảo để trao đổi về công tác chuyên môn; đồng thời sẽ tiếp tục tục phối hợp liên kết tổ chức các khoá đào tạo giữa hai cơ quan APE và CMSC.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Trụ sở Ủy ban Quản lý vốn nhà nước của Cộng hòa Pháp
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)