Đầu tư ra nước ngoài từ những dự án trồng cao su 14/11/2023
Lào và Campuchia là 2 quốc gia mà các doanh nghiệp Việt Nam rót vốn đầu tư nhiều nhất, trong đó ngành cao su mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Chương trình đầu tư trồng cao su tại Lào được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) triển khai từ năm 2005. Đến nay, VRG có 6 đơn vị trực thuộc đang đứng chân trên nước bạn Lào với tổng diện tích vườn cây quản lý hơn 26.000 ha trên địa bàn 5 tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Kỳ tích từ dự án đầu tiên
Dự án đầu tiên của VRG tại Lào được thực hiện bởi doanh nghiệp (DN) thành viên là Công ty TNHH Cao su Việt Lào trên địa bàn tỉnh Champasak, diện tích hơn 10.000 ha, tổng vốn đầu tư gần 68,3 triệu USD. Đến nay, dự án đã phát huy hiệu quả toàn diện và được xem là biểu tượng cầu nối thắm tình hữu nghị giữa Việt Nam và Lào. Năm 2020, Công ty TNHH Cao su Việt Lào được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ghi nhận những thành tích xuất sắc của DN trong lao động, sáng tạo giai đoạn 2009 - 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trong 2 năm 2021 - 2022, công ty đã đạt lợi nhuận trước thuế lần lượt 235,45 tỉ đồng và 256,5 tỉ đồng, vượt 67% và 26% kế hoạch đề ra; tạo việc làm cho hơn 2.600 lao động.
Trong chuyến đi thực tế tại Lào cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những rừng cây cao su thẳng tắp ở những vị trí thuận lợi giao thông. Toàn bộ diện tích của dự án liền vùng, liền khoảnh, 4 nông trường nằm trên một trục, nhà máy chế biến mủ cao su nằm vị trí trung tâm, giúp công ty tối ưu hóa chi phí.
Thế nhưng, hành trình 18 năm tại Lào của dự án có những lúc khó khăn đến mức suýt phá sản. Ông Phạm Văn Thông, phó tổng giám đốc công ty, kể năm đầu tiên sang Lào, tất cả đều bỡ ngỡ. Ban đầu, DN tưởng sẽ được giao đất do nhà nước quản lý, chỉ việc khai hoang rồi chia lô trồng cây nhưng thực tế đất được giao đều do người dân sở hữu, DN phải trực tiếp thương lượng đền bù với dân để có đất thực hiện dự án.
Khi đó, rào cản ngôn ngữ, văn hóa còn rất lớn nhưng bộ khung cán bộ chỉ 10 người đã đi đến từng bản, từng làng để tìm hiểu phong tục tập quán, gây dựng quan hệ với các già làng, trưởng bản và chính quyền địa phương để họ tuyên truyền lại cho dân về hiệu quả của cây cao su.
DN đã cam kết và thực hiện đúng cam kết về việc ưu tiên tuyển dụng lao động từ các hộ nhận đền bù, giao đất cho dự án. Những công nhân người Lào đầu tiên vào công ty nhận được lương 3-4 triệu kip/tháng, bằng thu nhập cả năm làm nương rẫy trước đó nên họ đồng thuận giao đất, giúp công ty đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trồng được 1.600 ha đầu tiên.
Sau đó, khó khăn mới lại đến khi vườn cây phát triển èo uột, các cổ đông sang kiểm tra thực tế và nghi ngờ tính khả thi nên muốn rút vốn, dự án có nguy cơ bị dừng. Thế nhưng, bằng quyết tâm cao, lãnh đạo khi đó là ông Hồ Văn Ngừng (được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2009) đã có sáng kiến trồng cây cao su bằng tum trần quậy hồ giúp tăng tỉ lệ sống và rút ngắn thời gian trồng. Kết quả, chỉ 3 năm đã trồng xong toàn bộ diện tích 10.000 ha, về đích trước 2 năm, giúp tiết kiệm nhiều tỉ đồng cho DN.
Năm 2011, dòng "vàng trắng" đầu tiên của dự án đã chảy trên đất nước bạn khi DN đưa 1.000 ha cao su vào khai thác với giá bán ở mức đỉnh điểm. Nhưng khi diện tích cao su khai thác tăng lên thì giá cao su lại giảm liên tục và rơi xuống đáy khủng hoảng.
Khó khăn nhất là năm 2014 - 2015, giá cao su chỉ 1.100 USD/tấn, dưới giá thành, bán không ai mua, công ty tồn kho đến 6.000 tấn thành phẩm. Khi đó, DN nợ ngân hàng gần 600 tỉ đồng, mỗi năm riêng lãi đã lên tới 50-60 tỉ đồng, rơi vào diện nợ xấu. "Có những lúc trong két sắt công ty không có 1 đồng, nợ lương người lao động 2 tháng. Đời sống công nhân khó khăn nên họ ngừng việc phản đối, sản xuất đình đốn, khó khăn bủa vây" - ông Thông nhớ lại.
Trước tình huống trên, VRG đã cho công ty vay 100 tỉ đồng, trả bằng sản phẩm để duy trì hoạt động. Sau đó, từ năm 2016, giá mủ cao su tăng lên. "Bất lợi năm trước trở thành thuận lợi năm sau khi hàng tồn kho trúng giá, DN lãi lớn, trả được nợ nần và trở thành một trong những DN làm ăn hiệu quả nhất tập đoàn" - ông Thông tự hào.
Bên trong nhà máy chế biến cao su Việt – Lào
Phát triển kinh tế địa phương
Đầu tư sang Lào từ năm 2007, Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào có quy mô nhỏ hơn, chỉ 6.720 ha nhưng lại trải dài tại 5 huyện thuộc 2 tỉnh Champasak và Salavan nên quản lý gặp khó khăn hơn, thổ nhưỡng kém màu mỡ. Dù vậy, sau 10 năm, dự án đã bắt đầu có lãi và duy trì lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt gần 41,9 tỉ kip, tăng gần 88% so với năm 2021. Công ty tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động địa phương, nộp ngân sách cho Lào gần 9,8 tỉ kip.
Đón tiếp chúng tôi tại trụ sở rộng rãi, khang trang như một khu nghỉ dưỡng tại huyện Bachiang, tỉnh Champasak với vai trò lãnh đạo DN là chị Keota Sixanon, phó giám đốc công ty.
Là một trong những người địa phương có chức vụ lãnh đạo cao trong những DN mà VRG đầu tư tại Lào, chị Keota Sixanon tâm sự người Lào rất có cảm tình với con người và đất nước Việt Nam nên sinh viên Lào học tập ở nước ngoài về nước rất nhiều người chọn làm việc cho các DN Việt Nam đầu tư tại đây.
Bản thân chị cũng học thạc sĩ tại Việt Nam, ngành quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đà Nẵng), về nước và đầu quân cho Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào năm 2007 từ vị trí nhân viên hành chính. Sau đó, chị lần lượt được bổ nhiệm phó phòng rồi trưởng phòng hành chính và giữ chức phó giám đốc từ năm 2017 đến nay. Do đó, chị cảm nhận rất rõ sự thay đổi tích cực trên quê hương từ khi có dự án cao su của DN Việt Nam. "Từ tỉnh nghèo phải nhận trợ cấp ngân sách, nay tỉnh đã tự thu tự chi, trong đó có đóng góp lớn của các DN cao su" - chị Keota Sixanon nói.
Cây cao su từ chỗ xa lạ với người dân Lào nay đã trở nên gần gũi. Không chỉ làm công nhân cao su, người dân còn nắm bắt được kỹ thuật trồng, khai thác và tự trồng cao su, từng bước tăng thu nhập cho gia đình. "Dự án phát triển cây cao su là dự án bền vững trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân, cần được duy trì và mở rộng" - đại diện Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào khẳng định.
Do đó, DN đang kiến nghị Chính phủ Lào kéo dài thời gian thực hiện dự án từ 30 năm và 40 năm (tùy diện tích) lên 50 năm để bảo đảm 2 chu kỳ kinh doanh của cây cao su, mỗi chu kỳ 25 năm kể từ khi trồng, chăm sóc, thu hoạch mủ đến thanh lý gỗ.
Không chỉ hoạt động sản xuất - kinh doanh, Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào từ khi hoạt động đến năm 2022 còn đầu tư nhiều công trình phúc lợi xã hội tại địa phương như kéo điện, xây dựng hồ bơi, xây đường, xây đập tràn, khoan giếng, xây dựng trường học…
Thử thách còn ở phía trước
Năm 2023, nền kinh tế Lào có nhiều bất ổn, nguồn cung xăng dầu thiếu hụt tác động không nhỏ đến sản xuất - kinh doanh của các DN mà VRG đang đầu tư tại Lào. Ngoài ra, tỉ giá quy đổi kip sang VNĐ giảm sâu (trước đây 1 triệu kip quy ra được 2 triệu đồng; nay chỉ còn khoảng 1,1 triệu đồng) trong khi tỉ giá baht Thái/kip cao nên công nhân Lào có xu hướng qua Thái Lan làm việc dẫn đến thiếu hụt lao động.
Ông Nguyễn Văn Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Pakse (phụ trách 4 tỉnh Nam Lào), khuyến cáo các DN cần tìm giải pháp, tập trung tối đa vào việc tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sản lượng, chất lượng. "Cần quan tâm hơn đến các chế độ, chính sách đãi ngộ người lao động, đặc biệt là lao động trực tiếp. Tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ với chính quyền sở tại để nhận được sự hỗ trợ, hạn chế những rủi ro và đưa sản xuất - kinh doanh của DN phát triển ổn định, bền vững" - ông Trung gợi ý.
https://nld.com.vn/kinh-te/dau-tu-ra-nuoc-ngoai-tu-nhung-du-an-trong-cao-su-20231113212714523.htm
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)