logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Định vị lại doanh nghiệp để phát triển nhanh và bền vững 03/04/2023

 

Phát triển nhanh nhưng phải bền vững đang là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều năm qua, Việt Nam luôn bám sát các mục tiêu, nguyên tắc chung của phát triển bền vững để có chủ trương, hành động thiết thực và chiến lược cụ thể cho vấn đề này.

 

Dây chuyền sản xuất, lắp ráp xe ô-tô của Công ty TNHH Ford Việt Nam. (Ảnh Thanh Quân)

Dây chuyền sản xuất, lắp ráp xe ô-tô của Công ty TNHH Ford Việt Nam. (Ảnh Thanh Quân)

 

Việc tái định vị doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội phát triển trong những năm tiếp theo, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh đang là vấn đề mấu chốt hiện nay.

 

Chủ động đánh giá thị trường

 

Năm 2023, trước diễn biến phức tạp, nhiều biến động, khó khăn của thị trường quốc tế và khu vực, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại. Đà tăng trưởng đang có dấu hiệu suy giảm rõ rệt khi chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, trong khi chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường thì có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

 

Cùng với đó, thế giới đã trải qua những thay đổi “ghê gớm” trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất, kinh doanh và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các Chính phủ, doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng ứng phó.

 

Mặc dù kinh tế Việt Nam có những “gam mầu xám” nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, cơ hội phát triển sẽ xuất hiện. Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho rằng, đã đến lúc cần phải tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững.

 

Đây là vấn đề thời sự, cấp bách trong thời điểm hiện nay khi kinh tế toàn cầu có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tái định vị doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, chúng ta cần phải làm tốt công tác dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khỏe thực tế của doanh nghiệp. Trong đó, đầu tư để đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập là ba động lực chính.

 

Đây không phải là vấn đề của riêng Nhà nước hay doanh nghiệp mà phải có sự kết hợp, hợp tác tích cực giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, chúng ta phải có tầm nhìn xa và bản thân doanh nghiệp phải đi trước, phải làm trước. Song do phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều là có quy mô nhỏ và vừa nên các doanh nghiệp nhà nước, với cốt lõi là 19 tập đoàn, tổng công ty có kinh nghiệm, năng lực và khả năng tài chính lớn phải đứng ra đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ thực hiện những phần việc mà các thành phần kinh tế khác không làm.

 

Theo Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp, đây là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn lại những ưu tiên chiến lược, xác định các điểm khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân viên làm việc bằng phương pháp vận hành mới. Khâu đầu tiên đóng vai trò then chốt trong tái định vị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho nhà thầu xây dựng trong quan hệ kinh tế với chủ đầu tư trong lĩnh vực hợp đồng.

 

Thực tế các hợp đồng xây dựng không thể giải quyết bằng Luật Dân sự vì đã kéo dài cả chục năm và các chủ đầu tư tiếp tục chây ỳ nếu không nói là vô hiệu. Vì vậy cần đưa vấn đề này vào các luật chuyên ngành như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu để bảo đảm quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trước chủ đầu tư. Đó là điều kiện để các nhà thầu tồn tại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân xây dựng thông qua liên kết đào tạo hợp tác với nước ngoài trong việc đào tạo chuyên gia về phát triển công trình đô thị; đồng thời, có đánh giá lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh bất động sản, tín dụng khó khăn như hiện nay nhằm đưa ra định hướng tái cơ cấu doanh nghiệp.

 

Còn nhiều thách thức trong thực hiện

 

Có thể nói, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp nhìn lại những ưu tiên chiến lược, xác định các điểm khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân viên làm việc trong phương pháp vận hành mới. Nâng cao lợi thế cạnh tranh giúp các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, hòa nhịp vào những xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng mới, thu hút được nguồn lực đầu tư mới, tạo ra đột phá, nền tảng để “bứt tốc” trong tương lai.

 

Yêu cầu này càng trở nên cấp bách hơn khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển mới, thời kỳ hậu Covid-19 đã có những thay đổi lớn cả về động lực thị trường và phương thức kinh doanh. Một số yếu tố trước đây vốn được xem là bổ sung giá trị cho doanh nghiệp như kỹ thuật số và tự động hóa lại đang đóng vai trò chiến lược hay phát triển bền vững không còn là xu thế, sự lựa chọn mà đã trở thành động lực tăng trưởng. Thực tế trong giai đoạn khủng hoảng và suy thoái kinh tế vừa qua đã chứng minh, doanh nghiệp nào đi theo hướng phát triển bền vững có khả năng chống chọi và phục hồi nhanh hơn, bền vững hơn.

 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), TS Trần Thị Hồng Minh chia sẻ, dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế. Không những vậy, Việt Nam hiện tập trung quá nhiều vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp. Trong đó, nhóm dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại chiếm 2/3 kim ngạch thương mại; bốn thị trường lớn nhất gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ chiếm tới 60% các thị trường.

 

Do đó, trong thời gian tới, muốn tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, cần nâng cao hơn chất lượng tư vấn, nhận thức của doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới; mở rộng các thị trường. Đồng thời, phải thực hiện tốt các cam kết trong hội nhập quốc tế, các tiêu chuẩn chất lượng hay nội dung trong những FTA đã ký kết. Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về vốn, các chương trình hỗ trợ cần thực hiện sớm mới phát huy tác dụng. Đặc biệt, trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động gắn với chuyển đổi số, các sáng kiến liên kết vùng, tạo động lực để chuyển khu vực phi kinh tế chính thức sang hoạt động chính thức.

 

Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, chắc chắn Việt Nam còn nhiều việc phải làm, trong đó cần thúc đẩy hình thức đầu tư đối tác công tư, thu hút các nhà đầu tư mới để hướng tới phát triển bền vững. Song, muốn có sự thay đổi thực chất, các doanh nghiệp Việt Nam phải xác định tiếp tục đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; chủ động học hỏi, tìm tòi từ hoạt động chia sẻ trong cộng đồng doanh nghiệp, từ các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, những xu hướng kinh doanh, đầu tư của thế giới, những yêu cầu mới của người tiêu dùng, các công nghệ tiên tiến...

 

Chính phủ cần có những hướng dẫn, định hướng cụ thể, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái định vị hoạt động kinh doanh của họ thông qua đổi mới sáng tạo, để nắm bắt kịp thời những cơ hội mới; kịp thời cập nhật những điều chỉnh trong quy định và thay đổi của toàn cầu đến doanh nghiệp.

 

https://nhandan.vn/dinh-vi-lai-doanh-nghiep-de-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-post745873.html

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ