Thủ tục đầu tư, xây dựng vẫn còn nhiều “ngách” 03/01/2014
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, chiều 2/1. Ảnh: VGP/Quỳnh Hoa |
Chiều 2/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các cơ quan liên quan về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông, hiện nhà đầu tư phải thực hiện 18 thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Nhiều địa phương mở “một cửa” nhưng nhiều “ngách”. Đơn cử như quy hoạch đất 1/500, nhiều nhà đầu tư chạy ngược xuôi để có bản quy hoạch, trong khi Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp cho nhà đầu tư.
Chia sẻ vấn đề này, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Gia Túc cho biết: "Hiện có nhiều bộ luật liên quan đến đầu tư, nhưng chúng ta chưa có quy trình cụ thể từ khâu chuẩn bị dự án đến triển khai dự án. Để triển khai một dự án phải qua 5 Luật, 10 Nghị định, 9 Thông tư và nhiều văn bản”.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long, việc cải cách hiện mới tập trung từng lĩnh vực riêng lẻ mà chưa xem xét tổng thể. Thời gian hoàn thành một số thủ tục còn dài, có thủ tục lên tới 5 tháng, có xu hướng xuất hiện thủ tục hành chính con.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng việc các cơ quan chưa thừa nhận lẫn nhau về các số liệu, thẩm định đã gây khó khăn cho nhà đầu tư cũng như người thực hiện. Cụ thể, về yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết 1/500 mới đủ điều kiện cấp phép xây dựng nhưng phần lớn các địa phương đều triển khai chậm quy hoạch này. Ngay cả TPHCM cũng mới triển khai được 30%.
Tăng cường hậu kiểm
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính phải tiếp tục hơn nữa, mọi cấp, mọi ngành cần có trách nhiệm rà soát lại các thủ tục hành chính, công bố thời gian xử lý, công khai, minh bạch quy trình thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cũng như lựa chọn cán bộ giỏi chuyên môn, tận tuỵ với dân, tăng cường công tác hậu kiểm.
Các địa phương cần thành lập tổ công tác cấp tỉnh, huyện để giải quyết thủ tục nhanh nhất. Sở nào có nhiều nhiệm vụ trong hệ thống về đầu tư kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm đầu mối một cửa, một cửa liên thông.
Đồng thời, sớm nghiên cứu thành lập tổ liên ngành, quy định rõ thời gian và trách nhiệm của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các bộ liên quan rà soát lại các quy định liên quan đến đầu tư, đề xuất cụ thể hoá quyền lợi, trách nhiệm người dân trong vấn đề đầu tư; xây dựng thống nhất quy trình đầu tư áp dụng trong cả nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động rà soát các hạn chế trong quy định pháp luật về đất đai, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi các bất cập và báo cáo Thủ tướng trong quý II/2014.
Quỳnh Hoa
http://baodientu.chinhphu.vn/
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)