Cán bộ Công đoàn Cao su Bình Long một thời để nhớ 26/01/2015
Người mà tôi tìm gặp là anh Trần Minh Phước, sinh năm 1949, quê gốc ở Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị, nguyên là Phó chủ tịch Công đoàn, Thường vụ Đảng ủy, Giám đốc nông trường Xa Cam, Cty cao su Bình Long, người đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất bom cày, đạn xới. Tôi có cơ may đã cùng làm việc, cộng tác với ông trong một thời gian dài ở mảnh đất này.
Trở về cuộc sống đời thường như bao cán bộ hưu trí nơi đây, ông sống trong một ngôi nhà cấp 4 phía trước công ty, cạnh một vườn cao su, trong không gian mở và trầm lắng. Vẫn tác phong như ngày nào, cốt cách vẫn như xưa, nhưng có vẻ trầm lắng hơn so với thời còn đương nhiệm. Tôi hỏi thăm anh về tình hình sức khỏe và cuộc sống, anh bảo: vẫn sinh hoạt tổ Đảng đều đặn, tham gia công tác từ thiện, sinh hoạt trong CLB thơ. Anh vốn là người ít nói, độc đoán đến kho hiểu, nhưng lại rất cởi mở với bạn bè. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc vui của bạn bè tại nhà ông như thế. Nhưng có lẽ những ngày sống và làm việc ở nông trường, mới là thời gian ông để lại nhiều ấn tượng về sự chan hòa, gần gũi đến thân thiết với toàn thể cán bộ anh em ở đây.
Sinh ra và lớn lên bên cầu Hiền Lương sông Bến Hải, mảnh đất khắc nghiệt gió lào, cát trắng đã hun đúc nên những con người Quảng Trị chắc nịch, bền gan. Bởi vậy mà ông tham gia cách mạng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ban đầu là giáo viên dạy văn, rồi chuyển về phòng Giáo dục Bến Hải. Theo lời kêu gọi của Ban giáo dục cao su Bình Long, ông cùng vợ con đến với mảnh đất này, mang theo con chữ về thắp sáng cho cả vùng cao su và đồng bào dân tộc nơi đây.
Sau ngày miền Nam giải phóng, năm 1976 chúng ta đã tiếp quản nông trường Hớn Quản (Quản Lợi). Trong hoang tàn, đổ nát và bầm dập đau thương mà chiến tranh để lại, cán bộ và người lao động nơi này đã bắt tay ngay vào dọn dẹp, sắp xếp lại từ nhà xưởng, đến vườn cây. Cán bộ, công nhân lúc đó đến từ nhiều nguồn, đa số là từ ngoài Bắc vào theo diện xây dựng kinh tế mới. Tất cả đều làm việc trong một dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp, chật chội. Lúc bấy giờ, mỗi phòng làm việc chỉ vài chục mét vuông, nhưng có tới hai phòng ban làm việc chung. Ban Giám đốc cũng làm việc trong phòng chật hẹp, chỗ ở của cán bộ, công nhân thì thật sự gian nan. Trình độ văn hóa của cán bộ, công nhân đều thấp, một số còn không biết chữ, hoặc chưa hết phổ cập…
Với quyết tâm phải xây dựng và phát triển công ty, Công đoàn đơn vị đã có chủ trương thành lập Ban giáo dục, để mở các lớp học bổ túc nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân. Thiếu giáo viên và người phụ trách, đơn vị đã đón một số cán bộ ngành Giáo dục từ Bình Trị Thiên chuyển vào để đảm nhận công việc này, trong số đó có Trần Mình Phước. Sau một thời gian dài, Ban Giáo dục công đoàn đã tập hợp được 17 giáo viên đứng lớp. Có giáo viên rồi, nhưng vận động để công nhân đến với lớp học lại là một câu chuyện dài khác. Với suy nghĩ, văn hóa là chìa khóa, có kiến thức mới làm chủ nhà máy, làm chủ vườn cây, nên ông đã xuống từng đội sản xuất thuyết phục, vận động công nhân đi học. Có người đã phải gửi con ra ngoài quê, hoặc gửi con ngay trong những gia đình giáo viên để tham gia học chữ. Nhưng học ở đâu và học như thế nào, khi từ bàn ghế, đến lớp học đều không có…. Vượt qua tất cả những khó khăn đó, ông vẫn kiên định, kiên trì tạo một môi trường học tập. Có nhiều hôm còn phải đốt mủ dây vét ngoài vườn đốt lên lấy ánh sáng mà học.
Cứ như vậy, ông cùng các giáo viên ở đây mỗi ngày đi bộ vài chục cây số, cần mẫn gieo con chữ, xóa mù cho cả công nhân và đồng bào dân tộc, khơi nguồn, thắp sáng niềm tin trên mảnh đất mưa lầy, nắng bụi, để khai thác nguồn vàng trắng, làm giàu cho đất nước. Hồi đó, nhiều lúc tôi cứ nghĩ, thành quả mở được 121 lớp phổ thông, 56 lớp bổ túc văn hóa trong 4 năm, từ 1982 đến 1985 là một kỳ tích, cứ như có một vị “Bồ tát” nào đó trợ giúp vậy.
Câu chuyện giữa ông và tôi càng vui vẻ, nét mặt ông trở nên mãn nguyện và tâm đắc khi ông kể tên những học sinh thuở ấy nay đã thành đạt, như Liên, Thủy, Trúc, Hạnh, Quý… giờ đã đứng máy thành thạo, làm chủ công nghệ, làm chủ dây chuyền. Nhiều người trong số đó còn đang giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt như anh Nguyễn Văn Trai, Nguyễn Văn Hùng…
Không chỉ gieo con chữ, ông còn yêu cầu mở lớp mầm non chính quy trong hệ thống công lập. Và người khai thông mở lối không ai khác vẫn là ông. Ông lại bắt đầu tập hợp giáo viên từ nhiều nguồn, tổ chức đào tạo tại chỗ. Trong điều kiện vô cùng khó khăn đó, 60 lớp mẫu giáo đã ra đời.
Tuy không phải là người trực tiếp đứng vườn cây, chăm sóc hay cạo mủ, nhưng ông đã góp phần đắc lực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, mang tri thức cho mọi người. Điều này có giá trị đặc biệt trong một đơn vị làm kinh tế. Tôi không hỏi ông về thành tích, hay khen thưởng, nhưng được biết, ông có hàng xấp giấy khen, bằng khen từ huyện, tỉnh, đến trung ương ghi nhận những công lao đóng góp của ông thời kỳ đổi mới.
Cuối năm, trong tiết trời se se lạnh, ngồi tâm sự, trò chuyện bên nhau, ôn lại những công việc đã làm thấy lòng mình thanh thản, vì đã làm được nhiều điều tốt và có ích cho xã hội. Viết bài này, người viết muốn gửi đến toàn thể cán bộ công đoàn cao su Bình Long và anh Trần Minh Phước lời tri ân của một người đã từng công tác và trưởng thành lên từ đó!
Tiến Đường
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)