Bài toán cụm công nghiệp gỗ chuyên sâu chiến lược để ngành gỗ bứt phá 28/03/2022
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid ngành gỗ chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng thời gian qua. Hậu Covid-19 các doanh nghiệp ngành gỗ cần phát huy sự chủ động, xây dựng kịch bản phát triển thích ứng với bình thường mới, việc xây dựng cụm công nghiệp gỗ chuyên sâu, gắn liền với chuỗi sản xuất,… là những chiến lược sẽ giúp ngành gỗ đột phá trong giai đoạn tới.
Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn đạt mức 2 con số. Hiện Việt Nam đã vươn lên trở thành nước sản xuất gỗ và đồ nội thất lớn thứ 7 và là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới. Trong nước, xuất khẩu gỗ cũng nằm trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, mức độ thặng dư thương mại xếp thứ 3 trong các mặt hàng, tạo việc làm cho hơn nửa triệu lao động.
Xuất khẩu gỗ cũng nằm trong nhóm 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn.
Theo báo cáo “Ngành gỗ Việt Nam”, mục tiêu đến năm 2030 giá trị xuất khẩu gỗ đạt 25 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD. Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030. Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến. 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Tuy nhiên, hiện ngành đanh phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến và năng suất lao động hạn chế so với các quốc gia khác. Hiện năng suất lao động tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 30.000 đồng, trong khi tại Malaysia, con số này là trên 50.000 đồng.
Về nguyên liệu, hiện nay nguồn cung nguyên liệu khai thác trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 75% tổng nhu cầu chế biến, bao gồm khai thác rừng trồng và khai thác cây trồng phân tán, gỗ cao su. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ.
Vấn đề của nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước hiện nay là trong tổng số 3,19 triệu ha có tới 1,45 triệu ha sản xuất quy mô hộ gia đình riêng lẻ, chủ yếu là gỗ nhỏ. Diện tích trồng rừng đạt chứng chỉ quản lý bền vững chỉ khoảng 307.000 ha, chiếm 8,4% tổng diện tích rừng trồng của cả nước.
Về công nghệ, một số nhóm doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ hiện đại với máy móc chủ yếu được nhập khẩu, tuy nhiên các thiết bị đang sử dụng đều có năm sản xuất trung bình là 2010, khá cũ so với các thiết bị hiện nay, nhiều công đoạn công nghệ còn lạc hậu.
Cụm công nghiệp ngành gỗ bài toán để bứt phá
Một điểm yếu khác của các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam là tính liên kết theo chuỗi chưa cao. Số liệu khảo sát 311 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho thấy: Chỉ có 10,5% doanh nghiệp có ký hợp đồng dài hạn (từ 36 tháng trở lên) với các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước; hơn 7% doanh nghiệp có ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành gỗ còn phải đối mặt với vấn đề về nguồn lao động.
Hiện nay phân bổ xuất khẩu gỗ chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ, chiếm 40% cả nước. Điều này đặt ra bài toán về nguồn lao động cho khu vực. Tại Bình Dương, số liệu thống kê cho thấy, sau dịch Covid-19, lao động tại đây đã giảm trên 100.000 người, thiết hụt khoảng 10% lao động. Đây là con số biến động rất lớn.
Ngoài ra, xu hướng lao động cũng đang có sự chuyển dịch từ doanh nghiệp Việt Nam sang doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân là do, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ trong nước chủ yếu khai thác thị trường ngách, làm đơn lẻ, giá trị không cao nên không có lực hút về nguồn nhân lực.
Để giải quyết những khó khăn đang vướng phải cần sự liên kết giữa các làng nghề để tạo ra trung tâm phân phối nội thất nội địa lớn. Giải quyết bài toán nguyên liệu cho ngành gỗ trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, để giảm chi phí vận chuyển các doanh nghiệp nên nhập lô hàng lớn đi bằng tàu thay vì container rời. Theo tính toán, nếu đi bằng tàu, mỗi khối gỗ sẽ giảm được 25 USD.
Tuy nhiên, để mua 1 tàu thì cần tới 6 - 7 triệu USD. Do đó, các doanh nghiệp nên hình thành nhóm mua hàng đủ quy mô để đàm phán, mua nguyên liệu. Điều này vừa đảm bảo an ninh nguyên liệu để sản xuất vừa giúp tiết giảm chi phí. Về lâu dài, cần phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu rừng trồng sẽ tạo ra nguồn gỗ có chứng nhận.
Đặc biệt là cần thực hiện triển khai xây dựng cụm công nghiệp gỗ chuyên sâu, gắn liền với chuỗi sản xuất. Đồng thời, xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm đồ gỗ quốc tế tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ bao gồm tất cả các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho ngành gỗ. Đây sẽ là động lực để đưa các sản phẩm của thế giới đến Việt Nam.
- Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chúc tết Thường trực Tỉnh ủy (11/01/2023)
- 10 sự kiện – hoạt động nổi bật của VRG năm 2022 (10/01/2023)
- Xuất khẩu cao su năm 2022 vẫn tăng trưởng khả quan (09/01/2023)
- 6 xu hướng then chốt định hình chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2023 (09/01/2023)
- VPUB - Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thăm, chúc tết lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên (06/01/2023)
- Tác động của suy thoái kinh tế thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam (06/01/2023)
- Xuất khẩu cao su thiên nhiên lập kỷ lục 3,31 tỷ USD (05/01/2023)
- Cao su Việt Nam vẫn tăng tỷ trọng tại Trung Quốc (04/01/2023)
- 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023 (04/01/2023)
- Giá cao su hôm nay Cao su SHFE tăng nhẹ dưới 0,5% (03/01/2023)