Cao su Bắc Trung Bộ 2020: Nhiều biến động nhưng vẫn khởi sắc 26/01/2021
Cũng như những năm qua, ngành cao su chịu tổn thất nặng nề do sự tụt giảm nghiêm trọng về giá cả, năm 2020 mặc dù giá cả đã có tăng nhẹ nhưng cao su Bắc Trung Bộ lại mang 2 khó khăn kép đó là Covid-19 và bão lũ. Tuy là vậy, các công ty cao su nơi đây đã quyết tâm sản xuất, biến khó khăn thành động lực để có những kết quả đáng tự hào.
Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của lãnh đạo, CB.CNV của các công ty Cao su Bắc Trung Bộ
Cao su Thanh Hóa quyết tâm 2021 thành công với 3 phương châm
Năm 2020, Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa có sản lượng chế biến 1.455,77 tấn mủ SVR10. Công ty đã áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản phẩm sau chế biến cơ bản đạt tiêu chuẩn TCCS 112:2017, 100% sản phẩm đạt thương hiệu VRG, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường được đảm bảo trong quá trình sản xuất. Nhờ đó tổng doanh thu đạt 70,829 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh Nguyễn Khánh Toàn báo cáo thêm về những kết quả hoạt động quan trọng của đơn vị trong năm 2020
Ngoài ra, công ty đã thực hiện chăm sóc đảm bảo quy trình kỹ thuật của Tập đoàn 2.724,80ha/2.754,20 ha cao su đại điền, đạt 98,93% kế hoạch (Diện tích không chăm sóc 29,4 ha gồm 9,65 ha của 8 hộ nông trường Thạch Quảng không ký hợp đồng và19,75 ha xin thanh lý).
Hướng đến 2021, công ty tiếp tục đưa ra kế hoạch cụ thể giai đoạn 2021-2026 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Với tinh thần đó, năm 2021 công ty tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển với 3 phương châm: “Tăng sức cạnh tranh – Phát triển doanh nghiệp bền vững – Cải thiện đời sống người lao động”.
Hai công ty Cao su Hà Tĩnh vượt kế hoạch
Theo báo cáo tổng kết tình hình sản xuất kinh doanh năm 2020 của 2 công ty Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Cao su Hương khê Hà Tĩnh, đầu năm nắng hạn kéo dài, cuối năm mưa bão dồn dập. Các cơn bão số 12; 13; 14 gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho khu vực miền Trung nói chung. Thế nhưng cả 2 công ty đã vượt kế hoạch mà Tập đoàn giao phó.
Tập đoàn trao tặng bằng khen cho các tập thể của công ty
Cụ thể, năm 2020 Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh khai thác được 1.604 tấn mủ (đạt 100,3% KH); sản lượng chế biến hơn 2.100 tấn, vượt 5,8% KH.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khánh Toàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh cho biết, thị trường mủ cao su chủ yếu dựa vào xuất khẩu nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến giá mủ từ quý 1 đến quý 3 năm 2020 xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 11 năm trở lại đây, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và thu nhập người lao động.
Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2020 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2021
Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn chồng chất nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng năng suất vườn cây giai đoạn đầu năm; khoán sản sượng cho các đơn vị, quy định số cây cạo cho từng đối tượng người lao động, điều chuyển công nhân hợp lý giữa các đơn vị thừa cây cạo và đơn vị thiếu lao động. Đồng thời, phân chia lại phần cạo, vùng cạo và tăng số lượng cây cạo lên từ 500 – 700 cây/công nhân so với năm 2019… đã góp phần tăng sản lượng mủ, thu nhập cho người lao động.
Tính đến cuối năm 2020, diện tích cao su đưa vào khai thác là gần 2.000 ha; sản lượng mủ khai thác đạt 1.604 tấn/1.600 tấn; sản lượng chế biến là 2.117 tấn/2.000 tấn (đạt 105,8% KH). Tổng doanh thu của đơn vị đạt hơn 57,7 tỷ đồng; nộp ngân sách 2,6 tỷ đồng; đóng nộp BHXH, BHYT, thất nghiệp cho người lao động hơn 8,9 tỷ đồng…
Ông Lê Thanh Tú, Phó Tổng giám đốc VRG khẳng định, chưa có năm nào ngành sản xuất, chế biến mủ cao su đối mặt với nhiều khó khăn như năm 2020 và khó khăn này dự báo còn kéo dài vào năm 2021, 2022. Vì vậy, các đơn vị thành viên của Tập đoàn nói chung, Cao su Hà Tĩnh nói riêng phải tìm giải pháp tái cấu trúc để vượt qua những khó khăn này.
“Mặc dù sản lượng khai thác mủ chỉ đạt 0,8 tấn/ha nhưng Cao su Hà Tĩnh vẫn “thắt lưng buộc bụng”, chắt chiu, tiết kiệm chi tiêu bảo toàn được nguồn vốn, kinh doanh có lãi. Trong khi một số công ty vùng Đông Nam bộ, năng suất mủ đạt 2 tấn/ha nhưng vẫn lỗ. Nói như vậy để thấy rằng nỗ lực vượt khó, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh Tập đoàn giao; chăm lo tốt đời sống người lao động; hoàn thành nghĩa vụ của nhà nước… của đơn vị trong năm qua rất đáng ghi nhận, khích lệ”, ông Tú nhấn mạnh.
Còn Công ty TNHH MTV Cao su Hương khê Hà Tĩnh, năm 2020, Công ty còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty đã có nhiều cố gắng để duy trì và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp khắc phục khó khăn để thực hiện hoàn thành và vượt chỉ tiêu sản lượng khai thác mủ cao su được Tập đoàn giao. Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Hội đồng thành viên, sự năng động sáng tạo của ban Tổng giám đốc điều hành. Giữ vững quan hệ lao động ổn định hài hòa trong doanh nghiệp, niềm tin gắn bó của người lao động đối với Công ty và ngành cao su.
Nhờ đó, công ty đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào như tổng diện tích chăm sóc vườn cao su: 4.501,41 ha. Chăm sóc vườn cây cao su KTCB: 3.212,82ha, đạt 100% kế hoạch. Chăm sóc vườn cây cao su khai thác: 1.288,59ha, đạt 100% kế hoạch. Thu nhập Bình quân: CBCNV-LĐ: 4.663.000 đồng/người/tháng.
Cao su Quảng Trị vượt qua gian nan để gặt hái “trái ngọt”
Ông Văn Đức Dũng, TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị phát biểu tại hội nghị.
Chia sẻ với phóng viên về tình hình sản xuất kinh doanh 2020 và những định hướng cho 2021, ông Văn Đức Dũng, TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị chia sẻ: Nói về cao su Quảng Trị 2020, thì hoàn cảnh khó khăn của công ty cũng giống như bao đơn vị khác nhưng nhờ sự chịu thương, chịu khó của hàng trăm công nhân mang trong mình dòng máu “người lính thép” Quảng Trị. Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, của VRG đã tạo nên một “ngọn lửa” lao động, thắp sáng tình hình sản xuất của công ty. Cũng vì những lẽ đó, mà tại các cuộc họp với Tập đoàn, tôi đã hứa là năm 2020, công ty cố gắng không lỗ.
Và kết thúc năm 2020, những con số biết nói đã phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của công ty như tổng diện tích cao su là 4.507, 26ha. Sản lượng khai thác năm 2020 đạt 800,9 tấn = 100,1 % kế hoạch tập đoàn giao. Nhờ đó, công ty có doanh thu đạt 69,87 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1,56 tỷ đồng”.
Nói về phương hướng nhiệm vụ 2021, công ty tiếp tục nâng cao tinh thần sản xuất, không được dừng lại ở những con số đã đạt được ở năm 2020 bằng việc đưa ra các chỉ tiêu cụ thể như phấn đấu khai thác đạt sản lượng 1220 tấn, đạt năng suất 1,16 tấn/ha, tổng doanh thu từ 61-98 tỷ đồng…
Nhờ những kết quả của các công ty cao su Bắc Trung Bộ, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của lãnh đạo, CB.CNV của các công ty Cao su Bắc Trung Bộ đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020. Bước sáng năm 2021, ông mong muốn các tập thể cán bộ, công nhân Công ty cao su Bắc Trung Bộ tiếp tục duy trì tinh thần đoàn kết, chăm sóc hiệu quả diện tích cao su hiện có, thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch Tập đoàn giao, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.
http://tapchicaosu.vn/2021/01/26/cao-su-bac-trung-bo-2020-nhieu-bien-dong-nhung-van-khoi-sac/
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)