logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Cao su Ea H'leo vươn mình giữa đại ngàn Tây nguyên 09/09/2024

 

Tây nguyên không chỉ nổi tiếng với những đồi cà phê bạt ngàn mà còn là nơi ươm mầm của những dòng mủ cao su trắng ngần. Giữa vùng đất đầy nắng gió ấy, Công ty TNHH MTV cao su Ea H'leo (Cao su Ea H'leo) đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một điểm sáng trong ngành cao su Việt Nam.

 

Những cây cao su đầu tiên được trồng xuống đất, vươn mình qua những mùa mưa nắng, trở thành biểu tượng cho sự sống bền bỉ và sự phát triển không ngừng nghỉ.

 

 

ẢNH: THÚY LIỄU  Công nhân Cao su Ea H'leo chuyển mủ để đưa về nhà máy chế biến

Công nhân Cao su Ea H'leo chuyển mủ để đưa về nhà máy chế biến - ẢNH: THÚY LIỄU

 

Những ngày đầu gian khó

 

Cuối năm 1983, Tổng cục Cao su Việt Nam chủ trương mỗi công ty cao su ở miền Đông Nam bộ chịu trách nhiệm xây dựng 1 hoặc 2 công ty cao su ở các tỉnh Tây nguyên. Vậy là "gà mẹ đẻ gà con", Cao su Ea H'leo ra đời trong hoàn cảnh đó, do đơn vị lớn nhất trong ngành là Công ty cao su Đồng Nai (nay là Tổng công ty cao su Đồng Nai) phụ trách, mà nòng cốt là Nông trường cao su Xà Bang. Ngày 26.11.1983, bộ khung 39 cán bộ đăng ký đi xây dựng do ông Doãn Xuân Hòa làm trưởng đoàn đã đặt chân, bám trụ trên địa bàn huyện Ea H'leo (Đắk Lắk).

 

Ngày 8.2.1984, Cao su Ea H'leo chính thức thành lập theo quyết định của Tổng cục Cao su Việt Nam. Trong những ngày đầu mới thành lập, công ty đứng trước muôn vàn khó khăn. Khu vực Ea H'leo nằm ở phía bắc tỉnh Đắk Lắk, nơi có độ cao hơn 500 m so với mực nước biển, với địa hình đồi núi và khí hậu khắc nghiệt. Nơi đây, những mùa khô kéo dài xen lẫn những trận mưa lớn đã khiến cho việc phát triển cây cao su trở thành một thử thách không nhỏ.

 

Không chỉ khó khăn về thiên nhiên, công ty còn phải đối mặt với những thách thức từ môi trường xã hội. Vùng đất này là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc thiểu số chiếm trên 85%, họ sống chủ yếu bằng du canh du cư, phát rừng làm rẫy, sinh hoạt xã hội còn ở mức thấp, giao lưu kinh tế còn hạn chế; an ninh chính trị tại đây rất phức tạp. Việc làm quen, thích ứng với phong tục địa phương và tạo dựng lòng tin nơi người dân là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự quyết tâm lớn từ phía công ty.

 

Nhưng với tinh thần đoàn kết, sự lãnh đạo quyết liệt và những bước đi chiến lược đúng đắn, Cao su Ea H'leo đã dần ổn định và bắt đầu khai thác tiềm năng to lớn của vùng đất này. Việc thành lập Cao su Ea H'leo là dấu mốc quan trọng với tầm nhìn chiến lược về kinh tế; quốc phòng và an ninh phía bắc Tây nguyên. Nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của công ty lúc bấy giờ là phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn có tính chiến lược này, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Gắn bó 12 năm với Cao su Ea H'leo, chị Vũ Thị Diệu cho biết những chính sách hỗ trợ của công ty không chỉ giúp công nhân yên tâm làm việc mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống

Công nhân cạo mủ cao su - ẢNH: THÚY LIỄU

 

Nâng tầm thương hiệu Ea H'leo

 

Sau 40 năm không ngừng nỗ lực, Cao su Ea H'leo đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực sản xuất cao su. Hiện tại, công ty quản lý gần 4.810 ha đất, trong đó có hơn 3.538 ha đất kinh doanh cao su. Những con số này không chỉ là minh chứng cho sự phát triển về quy mô mà còn cho thấy sự tăng trưởng ổn định của công ty trong những năm qua.

 

Đặc biệt, sự chuyển đổi mô hình quản lý từ công ty nhà nước sang công ty TNHH MTV vào năm 2010, rồi tiếp tục chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2018, đã mở ra một chương mới cho Cao su Ea H'leo. Với mô hình quản lý mới, công ty đã trở nên linh hoạt hơn trong quản lý và điều hành, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

Nhờ đó, sản lượng mủ cao su của công ty đã liên tục vượt kế hoạch từ 14 - 25% hằng năm, góp phần nâng cao vị thế của thương hiệu Cao su Ea H'leo trên thị trường. Tổng doanh thu tính riêng 5 năm trở lại đây (từ năm 2019 - 2023) của Cao su Ea H'leo đạt 1.463 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 218 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 114 tỉ đồng...

 

 

Gắn bó 12 năm với Cao su Ea H'leo, chị Vũ Thị Diệu cho biết những chính sách hỗ trợ của công ty không chỉ giúp công nhân yên tâm làm việc mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống

Gắn bó 12 năm với Cao su Ea H'leo, chị Vũ Thị Diệu cho biết những chính sách hỗ trợ của công ty không chỉ giúp công nhân yên tâm làm việc mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống - ẢNH: THÚY LIỄU

 

Luôn đồng hành cùng công nhân

 

Nhưng thành công của Cao su Ea H'leo không chỉ được đo bằng sản lượng hay doanh thu, mà còn bằng cách họ chăm sóc và hỗ trợ cho người lao động - những người đã đóng góp mồ hôi và công sức để mang lại thành quả cho công ty.

 

Với 1.285 lao động bình quân hằng năm, trong đó có hơn 614 lao động là người dân tộc thiểu số, Cao su Ea H'leo đã tạo ra một môi trường làm việc thân thiện và đầy nhân văn. Công ty luôn chú trọng đến việc đảm bảo mức lương ổn định, cải thiện điều kiện làm việc và cung cấp đầy đủ các chế độ phúc lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho công nhân.

 

Gắn bó 4 năm với công việc cạo mủ tại Cao su Ea H'leo, chị H'Trân Ê Ban (31 tuổi, ở xã Ea Khal) cho biết, làm việc tại công ty giúp chị có nguồn thu nhập ổn định, đủ để chăm lo đời sống gia đình và cho con cái đi học. "Chế độ thu nhập của công ty rất tốt và ổn định, được đóng bảo hiểm đầy đủ, có bồi dưỡng độc hại hằng tháng. Một tháng lương tôi được 8 triệu đồng, so với mặt bằng chung tại đây là đã tốt rồi", chị Trân nói.

 

Còn chị Vũ Thị Diệu (35 tuổi, ở thị trấn Ea D'răng) làm 12 năm tại nhà máy biến mủ cao su Ea Khal, chia sẻ: "Tôi xác định gắn bó lâu dài với ngành cao su, mấy tháng mùa khô thì công việc cũng hơi vất vả nhưng đãi ngộ tại công ty rất tốt. Bình quân mỗi tháng lương tôi được từ 6 - 8 triệu đồng kèm các phụ cấp hỗ trợ khác. Công nhân ai có hoàn cảnh khó khăn đều được công ty hỗ trợ tiền, gạo, nhu yếu phẩm, đời sống như thế là ổn rồi".

 

Những chính sách hỗ trợ của công ty không chỉ giúp công nhân yên tâm làm việc mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cũng được tổ chức thường xuyên, giúp công nhân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn và cải thiện thu nhập.

 

Đặc biệt, công ty đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như nhà ở, trường học, nhằm mang đến cuộc sống tốt hơn cho công nhân và gia đình họ. Những nỗ lực này không chỉ giúp công ty giữ chân đội ngũ lao động có tay nghề cao mà còn tạo dựng được mối quan hệ gắn bó, tin cậy giữa công ty và người lao động.

 

Ông Trương Công Lực, Chủ tịch Công đoàn Cao su Ea H'leo cho biết: "Bình quân mỗi năm công ty hỗ trợ xây từ 2 - 5 căn nhà Mái ấm công đoàn cho người lao động tại công ty, mỗi căn được hỗ trợ từ 55 - 70 triệu đồng. Bản thân tôi cũng học và biết tiếng của người đồng bào để nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của họ, qua đó kịp thời động viên, hỗ trợ họ tin tưởng, gắn bó với công ty, không tham gia vào các tệ nạn xã hội hay bị lôi kéo bởi các phần tử xấu".

 

KHÁT VỌNG VƯƠN XA

 

Nhìn về tương lai, Công ty Cao su Ea H'leo không chỉ dừng lại ở những thành tựu hiện tại mà còn tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Công ty đang trong quá trình đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Cao su Ea H'leo tiếp tục cam kết với cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 

https://thanhnien.vn/cao-su-ea-hleo-vuon-minh-giua-dai-ngan-tay-nguyen-18524090717545329.htm

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ