Dự báo giá cao su tiếp tục tăng, xuất khẩu năm 2024 có thể đạt 3,2 tỷ USD 26/08/2024
Trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su giảm 7,5% về lượng nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Điểm sáng của xuất khẩu cao su năm nay là giá xuất khẩu tăng cao, tạo tiền đề để ngành cao su hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 3 - 3,2 tỷ USD, tăng 200-400 triệu USD so với năm 2023...
Xuất khẩu cao su 7 tháng đạt kim ngạch 1,4 tỷ USD
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong tháng 7/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 186.033 tấn, trị giá 307,9 triệu USD, giảm 15,3% về lượng, tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, giá cao su xuất khẩu trong tháng 7/2024 đạt 1.655 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng tới 26,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giá cao nhất đạt được trong 2 năm qua, kể từ tháng 6/2022.
XUẤT KHẨU CAO SU SANG TRUNG QUỐC SUY GIẢM
Tính chung 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 912.725 tấn cao su, với trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 7,5% về lượng nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo (Đắk Lắk), cho biết 6 tháng năm 2024, công ty đã tiêu thụ được 2.873 tấn cao su, trị giá 117 tỷ đồng. Với giá bán bình quân 40,7 triệu đồng/tấn, trong khi giá thành bình quân là 32 triệu đồng/tấn, trong nửa đầu năm nay, Cao su Ea H’leo đã có lợi nhuận hơn 24 tỷ đồng từ kinh doanh cao su.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, trong 7 tháng năm 2024, công ty đã khai thác 4.601 tấn cao su, tiêu thụ dược 4.992 tấn, với giá bán bình quân 41,06 triệu đồng/tấn, tăng gần 9 triệu đồng/tấn so với giá bán bình quân của năm 2023. Ông Ngô Văn Mân, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết nhờ giá mủ cao su tăng cao, trong 7 tháng qua, công ty đã đạt doanh thu 263 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ cao su là 205 tỷ đồng.
"Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, nhưng thị phần đã giảm xuống còn 67,6% tính trong 7 tháng của năm 2024, từ mức 76,8% của 7 tháng năm 2023".
Về thị trường tiêu thụ cao su, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm, nhưng bù lại các thị trường khác lại tăng rất mạnh.
Cụ thể, trong tháng 7/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 127.664 tấn, trị giá 206,73 triệu USD, giảm mạnh 27,2% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp xuất khẩu cao su sang thị trường này giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chỉ đạt 617.033 tấn, trị giá 924,63 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 3,41 triệu tấn cao su, với trị giá 5,56 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cao su từ Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đạt 564 nghìn tấn, trị giá 802 triệu USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Cao su Việt Nam chiếm 16,51% về lượng và chiếm 14,43% về trị giá trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng năm 2024.
Trong khi đó, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn khác là Ấn Độ và Hàn Quốc tăng trưởng lần lượt là 19,9% và 5,8% trong 7 tháng đầu năm 2024, đạt 74.277 tấn và 27.793 tấn, chiếm 8,1% và 3% thị phần xuất khẩu.
Ngoài ra, lượng cao su xuất khẩu sang nhiều thị trường khác cũng tăng mạnh như: Nga tăng 15,4%; Đài Loan tăng 16,3%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 12,1%... Đặc biệt, Sri Lanka tăng tới 317,8%, Malaysia tăng 121%, Bỉ tăng 263,4%...
NGUỒN CUNG THIẾU HỤT, GIÁ CAO SU SẼ TĂNG
Điểm sáng của xuất khẩu cao su trong năm nay là giá tăng cao so với năm ngoái, qua đó mở ra triển vọng tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu cho ngành cao su Việt Nam.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), tuy sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm đáng kể nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng là nhờ giá xuất khẩu cao su thời gian qua luôn ở mức cao. Riêng trong tháng 7/2024, giá xuất khẩu cao su bình quân của Việt Nam đạt 1.655 USD/tấn (tăng 2,9% so với tháng 6/2024 và tăng 26,8% so với tháng 7/2023).
Giá xuất khẩu cao su trung bình 7 tháng năm 2024 đạt 1.551 USD/tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023). Giá cao su xuất khẩu tăng mạnh nhất là các chủng loại sản phẩm: SVR 20 với mức tăng 19,3%; Latex tăng 18,9%; SVR CV60 tăng 15,5%; cao su tái sinh tăng 14,7%; SVR 5 tăng 14%; SVR 10 tăng 13,4%...
“Hiện Việt Nam có diện tích trồng cây cao su khoảng 910 ngàn ha với sản lượng mủ đạt 1,3 triệu tấn/năm. Năm 2024, ngành cao su đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3-3,5 tỷ USD, cao hơn 400-600 triệu USD so với năm 2023. Tuy nhiên, với kết quả đạt được trong 7 tháng, xuất khẩu cao su cả năm 2024 dự báo sẽ đạt 3 – 3,2 tỷ USD, tăng 200-400 triệu USD so với năm 2023”.
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA).
Trên thị trưởng cao su thế giới, giá cao su trên các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm vào đầu tháng 6/2024, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung do thay đổi thời tiết và nhu cầu cho sản xuất lốp xe được cải thiện.
Ngày 23/8/2024, tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 9/2024 tăng 0,74% lên mức 340 yen/kg tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h00 (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) ngày 23/7/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2024 giảm 0,47% ở mức 14.830 nhân dân tệ/tấn.
Mới đây, Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu năm 2024 lên mức 15,74 triệu tấn; đồng thời điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống 14,5 triệu tấn.
Thị trường cao su toàn cầu dự báo thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay, cao hơn mức 1,12 triệu tấn mà hiệp hội này dự báo vào tháng 5/2024. ANRPC cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt vào khoảng 600.000 - 800.000 tấn/năm.
Tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là tình trạng thu hẹp sản xuất tại các quốc gia xuất khẩu chính, trong đó có Việt Nam, khiến giá cao su thế giới và nội địa tăng từ đầu năm đến nay. Sự chuyển pha thời tiết giữa El Nino và La Nina đã tác động xấu đến mùa vụ.
Mưa lớn liên tục gây ra ngập úng tại các vườn cao su, vừa làm chậm tiến độ thu hoạch vừa làm giảm sản lượng cao su cung ứng ra thị trường thế giới. Tại các quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới như Thái Lan, Indonesia đều ghi nhận sản lượng sụt giảm thời gian qua.
Trong thời gian tới, giá cao su được dự báo sẽ ở mức cao bởi nhu cầu phục vụ ngành sản xuất săm lốp phục hồi; trong khi sản lượng tại Thái Lan và Indonesia dự báo giảm do chuyển giao thời tiết giữa El Nino và La Nina.
https://vneconomy.vn/du-bao-gia-cao-su-tiep-tuc-tang-xuat-khau-nam-2024-co-the-dat-3-2-ty-usd.htm
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)