Hành trình cao su Việt ở Campuchia: ‘Gà mẹ đẻ gà con’ 13/09/2023
Em gửi một chút thơ về nơi nông trường xa ấу/ Em gửi một ước mơ về nơi cao su lớn dậу/ Em gửi một lời уêu đền công ai người trồng mới/ Em gửi một chút tình rừng cao su nhựa trắng dâng trào….
Ơi dòng nhựa non vừa chảу/ Ϲông ai trồng mới bón chăm/ Bao năm xa xăm là thế/ Tình уêu nhựa trắng - trăng rằm/ Ϲảm ơn người đã âm thầm/ Ϲhắt chiu khơi dòng vàng trắng/ Ϲảm ơn từ trong sâu lắng/Tim em hòa nhịp уêu thương.
Tôi nhiều lần nghe lời hát trong bài Gửi một lời yêu của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp khi đến vùng dự án cao su thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đang mùa khai thác và chế biến mủ ở các vùng sâu vùng xa của nước bạn Campuchia (phía Việt Nam là dọc biên giới từ khu vực gần tỉnh Tây Ninh đến Gia Lai). "Bao năm xa xăm là thế" nhưng với khát vọng và quyết tâm của những "người đã âm thầm", thành quả cao su Việt trên xứ sở Chùa Tháp bây giờ, tôi nghĩ thật sự đã "hòa nhịp yêu thương".
Ông Yim Chhayly (phải), nguyên Phó thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và phát triển nông nghiệp nông thôn Campuchia tại lễ trồng mới cao su tại Cao su Tây Ninh Siem Reap hơn 10 năm trước - Ảnh: Đình Nguyên
Từ một phương châm hiệu quả
Năm 2023 đánh dấu cột mốc 126 năm cây cao su có mặt ở Việt Nam. Về truyền thống, ngành cao su Việt Nam đã trải qua hành trình 94 năm, kể từ mốc son lịch sử: 1929 - năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Làng 3 của đồn điền cao su Phú Riềng (nay thuộc H. Phú Riềng, Bình Phước). Từ cái nôi "Phú Riềng Đỏ", ngành cao su Việt Nam tự hào có một truyền thống vẻ vang, gắn với công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Truyền thống đó được tạo dựng, vun đắp từ sự đóng góp bằng tâm sức, sinh mạng, trí tuệ của hàng vạn con người qua nhiều thế hệ.
Với hơn 80.000 lao động, diện tích khoảng hơn 400.000 ha cao su, VRG luôn là cánh chim đầu đàn của ngành cao su. Tôi còn nhớ vào thời điểm tháng 10.2021, tại lễ kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam, ông Trần Ngọc Thuận (khi đó là Chủ tịch HĐQT VRG) đã chia sẻ về một phương châm rất độc đáo, có tính truyền thống của ngành cao su, được ví là "gà mẹ đẻ gà con".
Gần 1 thế kỷ qua, ngành cao su Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều năm liền sản lượng cao su thiên nhiên đứng thứ 3 thế giới. Cùng với sự phát triển chung của cả nước, ngành cao su Việt Nam mà cụ thể là VRG với vai trò chủ đạo, định hướng đã có những bước chuyển mình phù hợp với sự phát triển chung của đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, Tổng cục Cao su Việt Nam (trước đây, nay là VRG) bắt tay vào công cuộc khôi phục vườn cây tiếp quản bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, mặt khác thu tuyển thêm lao động để mở rộng diện tích trồng mới. Năm 1984, thực hiện phương châm "gà mẹ đẻ gà con", lãnh đạo Tổng cục Cao su quyết định thực hiện chương trình phát triển cao su lên Tây nguyên với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn Tây nguyên.
Phương châm "gà mẹ đẻ gà con", khi đã thành công ở Tây nguyên, VRG tiếp tục đưa cây cao su vốn trước đây chủ yếu hiện diện ở vùng Đông Nam bộ, trở thành cây công nghiệp mũi nhọn tại nhiều địa phương miền núi Tây Bắc, đặc biệt là ở 2 nước bạn Campuchia, Lào.
VRG có hàng loạt công ty cao su thâm niên, giàu kinh nghiệm trồng và phát triển vườn cây: Cao su Dầu Tiếng, Cao su Đồng Nai, Cao su Phước Hòa, Cao su Lộc Ninh, Cao su Phú Hòa, Cao su Tân Biên, Cao su Bà Rịa… ở vùng Đông Nam bộ (Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu), Cao su Chư Sê, Cao su Chư Păh, Cao su Mang Yang ở Gia Lai…
Các công ty này đã vươn đến các vùng sâu vùng xa còn bộn bề khó khăn và sang nước bạn Campuchia, Lào phát triển dự án cao su thiên nhiên. Vốn liếng, nhân lực, kỹ thuật… từ công ty mẹ đã giúp cho các công ty mới thành lập trụ vững và thành công. Nhờ đó, ngành cao su lớn mạnh và phát triển từ phương châm "gà mẹ đẻ gà con" như thế. Có một điều thú vị, bây giờ, nhiều "gà con" đã lớn và còn "đẻ trứng" (doanh thu hằng năm) nhiều hơn cả "gà mẹ".
Khi tôi đến Campuchia, nơi có các vùng dự án cao su của VRG với khoảng 90.000 ha đang chu kỳ khai thác mủ, câu chuyện "gà mẹ đẻ gà con" vẫn được nhắc đến nhiều. 16 công ty cao su thành viên VRG thuộc 3 cụm ở 7 tỉnh của Campuchia: Chư Sê K (2 công ty), Tân Biên K, Phước Hòa K, Bà Rịa K, C.R.C.K (Chư Păh), Tây Ninh Siem Riep, Mê Kông (cụm 1, ở các tỉnh: Kampong Thom, Siem Reap, Preah Vihear và Oddar Mean Chey); Đồng Nai K, Đồng Phú K, Dầu Tiếng Kratie, Dầu Tiếng CPC, VKETI - Lộc Ninh, Bình Phước 1 - Chư Prông (cụm 2, ở 2 tỉnh Kratie và Modolkiri); Krông Buk Rattanakiri, Hoàng Anh Mang Yang K, Eahleo BM (cụm 3, ở tỉnh Rattanakiri)… đều là "gà con" của các "gà mẹ" ở Việt Nam.
Đến chuyện kể của ngài Đại sứ
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng, có thể nói là một nhân vật đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao giữa 2 nước. Ông nói thông thạo tiếng Khmer như tiếng Việt. Trong bữa trưa đi ăn cơm Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh vào cuối tháng 7.2023, ông tâm sự: "Tôi lần này là lần thứ 3 công tác tại Campuchia. Lần đầu từ năm 1980 - 1987, lúc đó ở tổng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Nhiệm kỳ thứ 2 từ năm 1999 - 2003, lúc đó tôi là Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán và lần này sang đây với cương vị là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Campuchia. Gần như cả cuộc đời tôi gắn bó với đất nước này, thấy yêu mến và cũng có trách nhiệm với đất nước này, có trách nhiệm với quan hệ 2 nước Việt Nam - Campuchia".
PV Thanh Niên chụp hình lưu niệm với Đại sứ Nguyễn Huy Tăng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh - Ảnh: Đình Nguyên
Năm 2007, thực hiện chủ trương hợp tác trồng 100.000 ha cao su giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Campuchia, VRG đã thành lập 16 công ty con với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,8 tỉ USD. Nhớ lại những năm tháng đầu của các doanh nghiệp cao su VRG khi đầu tư ở Campuchia, theo đánh giá của Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, "phải nói là các doanh nghiệp chúng ta cũng trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn. Đặc biệt là thời kỳ đầu lúc mới vào xin phép đầu tư thì ngổn ngang rất nhiều công việc, từ việc xin cấp phép cho đến việc giải phóng mặt bằng… Cùng với đó là tính các chính sách, đền bù cho người dân để có diện tích triển khai dự án. Cả quá trình rất là gian nan, vất vả và gặp rất nhiều khó khăn".
Về quá trình gian nan, vất vả và gặp rất nhiều khó khăn ấy, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng chia sẻ thêm: "Đặc biệt nữa là vào thời điểm năm 2011, 2012 lúc giá cao su thế giới bắt đầu tụt dốc và có những lúc xuống, có lẽ là xuống đến đáy. Lúc đó, mặc dù đang triển khai rồi, có những doanh nghiệp chúng ta đã trồng cây cao su rồi, nhưng mà nhiều doanh nghiệp do điều kiện về khả năng vốn liếng có hạn, và trước tình hình giá cao su thế giới như vậy, cho nên nhiều doanh nghiệp cũng đã tính đến bài toán là thôi thì thu hồi vốn và rút lui, vì không thể triển khai tiếp được".
"Thế nhưng, xuất phát từ quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Campuchia và cũng xuất phát từ yêu cầu của chúng ta là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước, thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúng ta có những chủ trương, quyết sách kịp thời để động viên, khích lệ các doanh nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn, trụ vững lại, tiếp tục phát triển. Và cũng nhờ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền Campuchia lúc đó cũng hiểu được cái khó khăn của doanh nghiệp, cho nên có những tháo gỡ, hỗ trợ để các doanh nghiệp chúng ta vượt qua. Phải nói là với những nỗ lực của cả 2 bên thì các doanh nghiệp chúng ta đã vượt qua và đứng vững", Đại sứ Nguyễn Huy Tăng đúc kết.
Lắng nghe chia sẻ của Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, tôi càng hiểu thêm hành trình chắt chiu khơi dòng vàng trắng của cao su Việt trên xứ sở Chùa Tháp, từ 16 năm trước. (còn tiếp)
https://thanhnien.vn/hanh-trinh-cao-su-viet-o-campuchia-ga-me-de-ga-con-185230912172926099.htm
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)