Hành trình vượt khó và lớn mạnh của Cao su Kon Tum 13/08/2024
Kon Tum Cách đây 40 năm, cây cao su lần đầu tiên có mặt trên đất Kon Tum, những người ‘mở cõi’ đã mang đến cho vùng đất này màu xanh của rừng cao su bạt ngàn.
Cơ sở vật chất của Công ty Cao su Kon Tum được đầu tư khang trang. Ảnh: MP.
Gà mẹ đẻ gà con
Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, với mục tiêu xây dựng kinh tế kết hợp an ninh quốc phòng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường ở vùng đất mà trước đây từng là chiến trường ác liệt, gánh chịu nhiều hậu quả chiến tranh để lại, năm 1984, Tổng cục Cao su Việt Nam chính thức thành lập Công ty Cao su Kon Tum.
Ngày ấy, có nhiều ý kiến cho rằng đất Kon Tum không phải là đất bazan, nên không phải là “đất hứa” của cây cao su, giá như nếu trồng được cây cao su thì cây sẽ không cho mủ. Thông tin này đã gây hoài nghi trong lòng người dân địa phương, họ lo ngại chuyện trồng cây cao su trên đất Kon Tum là bất khả thi.
Thế nhưng bằng tâm huyết, công sức và trí tuệ, những người "mở cõi" đưa cây cao su lên đất Kon Tum đã phá vỡ định kiến của người dân địa phương về loài cây lạ hoắc này với thực tế hiển hiện là vườn cây của Công ty cho năng suất và sản lượng ổn định. Từ đó, cây cao su đã làm thay đổi một vùng nông thôn, làm nên màu xanh suốt dải đất cực Bắc Tây Nguyên, phá tan những hoài nghi.
Đến nay, vùng đất mang nhiều vết thương của chiến tranh đã hình thành những cánh rừng cao su mênh mông, tạo thêm cho người dân địa phương một nghề mới, là nghề trồng, kinh doanh cao su, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư của tỉnh Kon Tum.
Công ty Cao su Kon Tum nhận danh hiệu đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023. Ảnh: MP.
Để có được kết quả ngày hôm nay, những người tiên phong đưa cây cao su lên đất Kon Tum không chỉ đổ mồ hôi và trút công sức, mà còn đánh đổi cả sinh mệnh bởi, bom mìn, tai nạn và bệnh tật đã cướp đi cuộc sống của nhiều người để cho mảnh đất này thắm đượm màu xanh.
Từ năm 1984 đến năm 1988 là giai đoạn sản xuất kinh doanh theo cơ chế tập trung bao cấp. Nhiệm vụ chủ yếu của Công ty Cao su Kon Tum là xây dựng cơ bản, mở rộng diện tích cao su, xây dựng cơ sở ban đầu; vừa sản xuất, vừa thực nghiệm, vừa làm nhiệm vụ an ninh chính trị trên địa bàn.
Khó khăn nhất trong giai đoạn này là cây cao su còn lạ lẫm đối với người dân địa phương. Trong khi đó, các chỉ tiêu kế hoạch chưa được tiền tệ hoá, lạm phát lại tăng cao, giá cả thị trường liên tục biến động tăng, doanh nghiệp không được tự chủ trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến sản xuất trì trệ.
Lúc này, Công ty chỉ trồng được 215,85 ha cao su, nhưng phải thanh lý đến 193,94 ha. Nguyên nhân thanh lý do chủ yếu bị cỏ chụp, cháy và gia súc phá hoại, sản xuất bị đình trệ, Công ty đứng bên bờ phá sản dẫn tới nội bộ mất đoàn kết, gây mất lòng tin trong người dân, đời sống cán bộ, người lao động chìm trong khó khăn”, ông Nguyễn Hữu Lợi nhớ lại.
“Từ năm 1989 đến năm 1990 là giai đoạn cực kỳ khó khăn, nguyên nhân do nguồn vốn mất cân đối vốn trong toàn ngành. Khó khăn về tài chính đã ảnh hưởng trầm trọng đến tiến độ phát triển sản xuất của Công ty. Quy mô diện tích phát triển chậm, đầu tư thấp do thiếu vốn”, ông Lợi cho biết thêm.
Chuyển mình và phát triển
Từ năm 1990 đến năm 2010 là giai đoạn chuyển mình và phát triển mạnh mẽ của Công ty Cao su Kon Tum. Trong giai đoạn này, Công ty đề ra chính sách thu hút người lao động, tập trung công tác xây dựng đội ngũ lao động có tâm huyết, có tay nghề, phát huy quyền làm chủ tập thể để nâng cao chất lượng vườn cây, tiếp tục mở rộng diện tích. Công ty chủ động tìm nhiều nguồn vốn như nguồn phủ xanh đất trống, đồi núi trọc hoặc nguồn vốn tạo việc làm để giữ vững sản xuất, vừa đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động, vừa mở rộng diện tích cao su.
Công ty Cao su Kon Tum xây dựng đội ngũ lao động có tâm huyết, có tay nghề để nâng cao chất lượng vườn cây, tiếp tục mở rộng diện tích. Ảnh: MP.
Từ đó, Công ty dần vượt qua giai đoạn khủng hoảng, dần ổn định và bước sang thời kỳ phát triển. Thành tựu nổi bật trong giai đoạn này là quy mô diện tích của Công ty từ dưới 1.000 ha đã được nâng lên trên 10.000 ha và trở thành đơn vị có diện tích vườn cây khai thác lớn nhất trong ngành cao su tại khu vực Tây Nguyên.
Từ 2010 đến nay, Công ty Cao su Kon Tum càng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây là giai đoạn Công ty tạm dừng phát triển theo chiều rộng để tập trung phát triển theo chiều sâu. Năng suất và sản lượng không ngừng tăng cao qua từng năm, chất lượng sản phẩm gây dựng được uy tín trên thị trường nên đạt nhiều giải thưởng chất lượng quốc gia.
Đến nay, năng suất vườn cây của Công ty đã đạt mức trên 1,8 tấn/ha, 12 năm liên tiếp là thành viên câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Sản lượng cao su khai thác đạt từ 10.000 đến 15.000 tấn/năm, dẫn đầu các Công ty thuộc Tập đoàn tại khu vực Tây Nguyên và tốp 5 của Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Nhiều năm liền Công ty vượt mức kế hoạch sản lượng khai thác, về đích trước thời gian từ 20-50 ngày. Thu nhập của người lao động ổn định và ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh Kon Tum. Thu nhập bình quân của người lao động trong 5 năm trở lại đây đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, năm 2023 thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 9 triệu đồng/người/tháng.
Hiện Công ty Cao su Kon Tum đang quản lý 9.306,76 ha cao su với 5.762 lao động. Ảnh: VV.
Trải qua bao thăng trầm, với sự đóng góp của bao thế hệ cán bộ công nhân viên, đến nay, Công ty đang quản lý 9.306,76 ha cao su với 5.762 lao động; trong đó, hộ nhận khoán là 2.890 lao động, hộ liên kết là 1.514 lao động, lực lượng cán bộ công nhân viên là 1.470 người. Hộ nhận khoán, liên kết là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 74%; công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số là 836 người, chiếm trên 57%; Công ty có 7 phòng nghiệp vụ và 13 đơn vị phụ thuộc.
“Trong thời gian tới, Công ty sẽ tăng cường đầu tư chiều sâu, thâm canh vườn cây để nâng cao năng suất, sản lượng. Chấn chỉnh công tác quản lý khai thác từ vườn cây đến nhà máy chế biến; quản lý bộ máy và môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, khai thác và chế biến nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh…”, ông Nguyễn Hữu Lợi chia sẻ.
Công ty Cao su Kon Tum có 2 Công ty con là Công ty Cổ phần Du lịch-Thương mại-Khách sạn Hưng Yên và Công ty TNHH Sản xuất gỗ cây cao su Kon Tum; ngoài ra, còn có 3 công ty liên kết góp vốn là Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu 2.
https://nongnghiep.vn/hanh-trinh-vuot-kho-va-lon-manh-cua-cao-su-kon-tum-d395933.html
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)