logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Tăng cường hợp tác để thúc đẩy chuỗi cung ứng cao su bền vững giữa Việt Nam và Campuchia 02/04/2025

 

Gần 200 đại biểu đến từ Việt Nam, Campuchia và Lào đã tham gia Hội thảo “Thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư cao su bền vững tại Campuchia và Việt Nam” để chia sẻ thông tin về chuỗi cung ứng cao su giữa Campuchia và Việt Nam, xem xét những lợi thế và thách thức hiện tại cũng như tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng cường tính bền vững của ngành trong tương lai, vào ngày 27/3.

 

Hội thảo được đồng tổ chức bởi Oxfam Campuchia, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và Forest Trends. Hội thảo do Ngài Phol Sopha - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF) Campuchia chủ trì.

 

Ngài Phol Sopha - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia; ông Trương Minh Trung - Phó Chủ tịch VRA, Phó Tổng giám đốc VRG và bà Sophaon Phean - Giám đốc quốc gia Oxfam tại Campuchia chủ trì hội thảo
Nguồn ảnh: Forest Trends

 

Theo TS. Nhean Sophea - Cục trưởng Cục Phát triển Cao su thuộc Tổng cục Cao su (GDR) Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam là thị trường xuất khẩu cao su thiên nhiên quan trọng nhất của Campuchia. Với các đồn điền cao su tập trung ở các tỉnh phía Bắc, 80% mủ cao su thô của Campuchia được xuất khẩu sang các nước láng giềng, chủ yếu là Việt Nam, để chế biến. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Campuchia đã thúc đẩy đầu tư vào các nhà máy trong nước để nâng cao hoạt động tạo giá trị gia tăng của ngành cao su. Hiện tại, chỉ có 4 nhà máy cao su đang hoạt động hoặc đang được xây dựng tại Campuchia, và chỉ một trong số đó đã có thể xuất khẩu lốp ô tô. Chính phủ sẽ nỗ lực rút ngắn chuỗi cung ứng thông qua việc loại bỏ các thương lái trung gian và tăng cường kênh bán hàng trực tiếp giữa nông dân và nhà máy, qua đó cải thiện tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng.

 

Việt Nam và Campuchia có mối liên hệ chặt chẽ thông qua đầu tư và thương mại cao su thiên nhiên (CSTN). Cam-pu-chia là điểm đến quan trọng nhất của luồng đầu tư từ Việt Nam vào sản xuất CSTN và là nước xuất khẩu CSTN chính của Việt Nam. Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) là nhà đầu tư CSTN hàng đầu tại Cam-pu-chia, hiện có 16 dự án trồng cao su với diện tích gần 90.000 ha và 7 cơ sở chế biến tại Campuchia. Các công ty Việt Nam khác, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, cũng đã đầu tư vào sản xuất CSTN tại Campuchia. Số liệu hải quan của Việt Nam cho thấy, năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần một triệu tấn CSTN từ Campuchia, chiếm hơn 64% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam, trị giá hơn 1,2 tỷ đô la Mỹ. Lượng nhập khẩu của Campuchia gần bằng sản lượng cao su trong nước của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu CSTN quan trọng nhất của Việt Nam. Phần lớn CSTN sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu từ Campuchia được xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,45 triệu tấn CSTN sang Trung Quốc, trị giá 2,4 tỷ đô la Mỹ. Các thị trường xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam bao gồm EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mặc dù không có báo cáo chính thức nào về việc liệu cao su thiên nhiên từ Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc có được xuất sang EU và các thị trường khác hay không nhưng có thông tin cho rằng một phần lượng cao su thiên nhiên nhập khẩu của Trung Quốc được chuyển đến các thị trường chính dưới dạng các sản phẩm hoàn thiện như lốp xe và chỉ thun.

 

TS Tô Xuân Phúc của Forest Trends trình bày về chuỗi cung ứng cao su của Việt Nam năm 2024. Nguồn ảnh: Forest Trends

 

Các thị trường tiêu dùng lớn như EU và Hoa Kỳ đang áp dụng các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về tính hợp pháp và không phá rừng đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp nhập khẩu vào các thị trường này. Vào năm 2023, EU đã thông qua Quy định về phá rừng (EUDR) cấm bảy sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này, bao gồm cao su, nếu việc sản xuất các sản phẩm này gây ra tình trạng phá rừng. Các nhà nhập khẩu tại EU được yêu cầu đảm bảo sản phẩm của họ là hợp pháp và không phá rừng. Các sản phẩm cần có khả năng truy xuất nguồn gốc tới tận lô đất cụ thể nơi nông/ lâm sản được trồng trọt. Dự kiến các yêu cầu về tính hợp pháp và tính bền vững nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng rộng rãi tại các thị trường lớn trong tương lai.

 

Bà Phan Trần Hồng Vân - Phó Tổng thư ký VRA, cho biết, “Các công ty Việt Nam hoạt động tại Việt Nam và các quốc gia khác, bao gồm cả Camp-chia, đang có những bước đi mạnh mẽ để tuân thủ các yêu cầu của thị trường. EUDR đặt ra cả cơ hội và thách thức cho ngành của chúng tôi. Các công ty có nguồn lực sẵn có và nền tảng vững chắc về các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và môi trường sẽ có lợi thế so với các công ty không có. Ngoài ra, chuỗi cung ứng hiện tại khá phức tạp, liên quan đến nhiều tầng thương lái và nhiều nông hộ nhỏ. Khả năng truy xuất nguồn gốc là một thách thức”.

 

Tiến sĩ Tô Xuân Phúc - Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp (FPTF) tại Forest Trends, cho biết: “Tính liên kết trong hoạt động sản xuất và buôn bán CSTN ở khu vực sông Mê Kông và đặc biệt là giữa Campuchia và Việt Nam làm phức tạp thêm chuỗi cung ứng. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, buôn bán và đầu tư vào CSTN trong khu vực. Mô hình sản xuất và buôn bán CSTN xuyên biên giới hiện tại giữa Việt Nam và các nước khác ở sông Mê Kông khiến việc truy xuất sản phẩm dọc theo chuỗi cung ứng trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể”. Các vấn đề khác, chẳng hạn như mủ cao su bị đánh cắp ở Lào càng làm tình hình thêm nghiêm trọng.

 

Tại Việt Nam, chính phủ đã hợp tác chặt chẽ với ngành cao su (cùng với ngành gỗ và cà phê) để giúp các doanh nghiệp đáp ứng với các yêu cầu mới của EUDR. Các biện pháp mới, bao gồm nhiều hội thảo kỹ thuật, các khóa tập huấn và thành lập các mạng lưới hỗ trợ EUDR đã được triển khai để hỗ trợ các công ty cao su hiểu rõ và chuyển đổi hoạt động kinh doanh của mình theo hướng thích ứng với EUDR. Tuy nhiên, bản thân khối doanh nghiệp cũng đã đưa ra các sáng kiến tiên phong để định hình lại chuỗi cung ứng ở các quy mô khác nhau. Theo đại diện của Công ty CP Cao su Chu Sê Kampong Thom, VRG đã hỗ trợ các công ty con của mình, bao gồm cả các công ty hoạt động tại Lào và Campuchia trong việc chuẩn bị cho EUDR. Chu Se Kampong Thom nổi bật là một mô hình thực hành tốt trong việc tuân thủ EUDR toàn diện. Với 16.000 ha cao su tại Campuchia, công ty đã đầu tư mạnh vào công nghệ số để cải thiện quản lý đồn điền và tăng cường tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Một công ty nhà nước khác, Công ty Cao su Dăk Lăk (DARUKO) và chi nhánh DRI tại Lào đã gần đạt được chứng chỉ PEFC cho mủ cao su của họ, do đó không gặp khó khăn gì trong việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Thực tế, các diện tích cao su đại điền quy mô lớn như vậy có nhiều lợi thế trong việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Tuy nhiên, hàng triệu nông hộ trồng cao su tiểu điền có thể bị thiệt thòi trong quá trình này.

 

Mai Vĩnh, một công ty tư nhân tại Việt Nam, hiện đang hợp tác với hơn 3.000 hộ trồng cao su nhỏ để sản xuất cao su tự nhiên tuân thủ EUDR cho khách hàng châu Âu. “Làm việc với số lượng lớn hộ cao su tiểu điền rất khó, nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với họ. Họ là xương sống của công ty chúng tôi ” - bà Đặng Thị Hoa Mai - Tổng giám đốc điều hành Công ty Mai Vĩnh cho biết. Đại diện của Hiệp hội Cao su Campuchia cũng khẳng định lại sự cần thiết phải sắp xếp lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh EUDR. Mặc dù EU chỉ là thị trường xuất khẩu nhỏ của cả Campuchia và Việt Nam, nhưng người mua ở các thị trường trung gian như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… chuyên nhập khẩu nguyên liệu cao su và sản xuất các sản phẩm như lốp ô tô, găng tay… để xuất khẩu sang các thị trường tiên tiến, đã bắt đầu yêu cầu cao su tuân thủ EUDR.

 

Bà Đặng Thị Hoa Mai và các nhân viên của Công ty Mai Vĩnh chia sẻ
câu chuyện thành công của mình tại buổi hội thảo. Nguồn ảnh: Oxfam

 

Việc các nông hộ nhỏ chiếm đa số diện tích trồng cao su trong ngành đòi hỏi các bên phải thận trọng trong việc thực hiện các chính sách xuyên biên giới. Bà Sophoan Phean đề cập: “Mặc dù việc thực hiện EUDR có thể thúc đẩy các thay đổi đáng kể trong cách sản xuất, cung ứng và buôn bán cao su, đồng thời thúc đẩy tính bền vững trong chuỗi giá trị cao su, nhưng những người nông dân trồng cao su tiểu điền có nguy cơ bị thiệt thòi nếu họ không có khả năng thích ứng hoặc tiếp cận được sự hỗ trợ đầy đủ. Điều này đòi hỏi những nỗ lực chung từ các bên liên quan, bao gồm chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ”. Giá cao su thấp trong một thời gian dài như hiện nay là rào cản đối với việc yêu cầu nông dân tuân thủ thêm bất kỳ quy định bổ sung nào. Hiệp hội Cao su Campuchia đã nêu lên những lo ngại lớn về chi phí tuân thủ và không tuân thủ, đồng thời bày tỏ sự quan tâm với việc học hỏi từ mô hình thành công của Việt Nam. Một số đại biểu nhấn mạnh rằng EU cần tăng hỗ trợ tài chính cho các nông hộ nhỏ và đưa ra mức giá công bằng hơn cho gánh nặng hành chính mà họ phải chịu thêm do EUDR.