Thị trường cao su sẽ giao dịch thận trọng trong bối cảnh nhu cầu chậm chạp 27/11/2024
Chuyên gia trong ngành cao su cho rằng, thị trường sẽ giao dịch thận trọng tuần này trong bối cảnh nhu cầu chậm chạp.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản hôm nay tăng do giá dầu toàn cầu hồi phục thúc đẩy niềm tin của thị trường. Đồng Yên mạnh lên khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn với các khách hàng nước ngoài và hạn chế đà tăng của giá cao su.
Đồng USD giảm 0,4% so với đồng yên Nhật xuống mức 154,18 JPY đổi 1 USD. Đồng Yên hồi phục khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn với các khách hàng nước ngoài.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 4/2025 JRUc6 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa tăng 6,4 JPY, tương đương 1,8% chốt ở 362,9 JPY (2,36 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 1/2025 SNRv1 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 55 CNY, tương đương 0,32% chốt mức 17.505 CNY (2.416,88 USD)/tấn. Cũng trên sàn giao dịch này, hợp đồng cao su tổng hợp butadiene (SBR) giao kỳ hạn tháng 1/2025 giảm 120 CNY, tương đương 0,93% chốt ở 12.805 CNY (1.767,96 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12/2024 STFc1 trên sàn SICOM Singapore giao dịch ở mức 187 US cent/kg, tăng gần 1%.
Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản mở cửa phiên sáng nay tăng 2% vượt mốc 39.000 điểm, trong khi chỉ số Topix tăng 1,33% lên 2.732,43 điểm.
Cơ quan khí tượng của nước sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan cảnh báo, mưa lớn và gió mạnh có thể gây ra lũ quét cho đến ngày 30/11/2024.
Ông Denis Low, một chuyên gia trong ngành cao su, cho rằng thị trường sẽ giao dịch thận trọng tuần này trong bối cảnh nhu cầu chậm chạp. Theo Hiệp hội Các Nhà Sản Xuất Găng Tay Cao Su Malaysia (MARGMA), các nhà giao dịch sẽ tiếp tục theo dõi các tín hiệu về triển vọng hạ lãi suất tại Mỹ, các biện pháp kích thích tài chính bổ sung của Trung Quốc, và tình hình địa chính trị ở Trung Đông và Đông Âu.
Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô. Giá dầu dao động gần mức cao nhất 2 tuần sau khi tăng 6% vào tuần trước, do căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa các cường quốc phương Tây và các nhà sản xuất dầu lớn là Nga và Iran, làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Các nhà giao dịch sẽ theo dõi sát mọi tín hiệu về kế hoạch của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) liên quan đến việc trì hoãn tăng sản lượng dầu thô.
Từ đầu tháng 11/2024 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước giảm so với cuối tháng trước. Tại một số công ty cao su, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 435-475 đồng/TSC. Trong đó, Công ty Cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ nước ở mức 475 đồng/TSC, giảm 20 đồng/TSC so với cuối tháng trước; Giá thu mua mủ tạp ở mức 435đồng/TSC, giảm 10 đồng/TSC so với cuối tháng trước. Công ty Cao su Bà Rịa thông báo giá thu mua ở mức 465-475 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng trước. Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua ở mức 443-461 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 10/2024.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 224,95 nghìn tấn, trị giá 429,01 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 27,8% về trị giá so với tháng 9/2024, so với tháng 10/2023 tăng 3% về lượng và tăng 46% về trị giá, đây là tháng thứ 2 liên tiếp xuất khẩu cao su tăng so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 1,54 triệu tấn, trị giá trên 2,52 tỷ USD, giảm 4,9% về lượng, nhưng tăng 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về giá xuất khẩu: Giá xuất khẩu cao su tiếp tục tăng mạnh. Tháng 10/2024, giá bình quân cao su xuất khẩu đạt 1.907 USD/tấn, tăng 10,2% so với tháng 9/2024 và tăng 41,7% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, giá bình quân cao su xuất khẩu đạt 1.638 USD/tấn, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 10/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,4% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 174,12 nghìn tấn, trị giá 332,16 triệu USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 42% về trị giá so với tháng 9/2024; So với tháng 10/2023 giảm 3,2% về lượng, nhưng tăng 38,1% về trị giá, đây là tháng thứ 9 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Giá bình quân cao su xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức 1.908 USD/tấn, tăng 10,7% so với tháng 9/2024 và tăng 42,7% so với tháng 10/2023. Lũy kế 10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,06 triệu tấn cao su, trị giá 1,7 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng, nhưng tăng 1,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu cao su sang Ma-lai-xi-a tăng mạnh, với 7,26 nghìn tấn, trị giá 11,47 triệu USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 47,8% về trị giá so với tháng 9/2024; So với tháng 10/2023 tăng tới 861,1% về lượng và tăng 1.240,2% về trị giá. Lũy kế 10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Ma-lai-xi-a 24,8 nghìn tấn cao su, trị giá 35,17 triệu USD, tăng 349,4% về lượng và tăng 404,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, trong tháng 10/2024, xuất khẩu cao su sang một số thị trường cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023 như: Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ca-na-đa, Bra-xin, Pháp, Băng-la-đét, Pê-ru… Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường lớn tiếp tục giảm như: Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Mê-xi-cô, Anh…
Qua số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2024, có sự dịch chuyển lớn về thị trường xuất khẩu cao su. Trong khi xuất khẩu cao su sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Ác-hen-ti-na, Cộng hòa Séc giảm so với cùng kỳ năm 2023, thì mức tăng xuất khẩu lại được ghi nhận tới nhiều thị trường khác như Ma-lai-xi-a, Ấn Độ, Hoa Kỳ, In-đô-nê-xi-a, Đức, Đài Loan, Nga, Xri-Lan-ca, Bra-xin, Tây Ban Nha, Pháp, Ý…
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)