logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty tại Canada 21/08/2024

 

Trong chuyến thăm và làm việc tại khu vực Bắc Mỹ, ngày 14/8, đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy dẫn đầu đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Canada, Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada (EDC) và Hội đồng Doanh nghiệp Canada-ASEAN (CABC) tổ chức buổi tọa đàm tại Toronto nhằm kết nối doanh nghiệp của hai nước cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, sản xuất và tài chính.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp Canada về cơ hội đầu tư vào Việt Nam

 

Sự kiện thu hút mối quan tâm của nhiều tổ chức và doanh nghiệp của cả hai nước, trong đó có Hội đồng kinh doanh Canada-ASEAN (CABC) - tổ chức đại diện cho hơn 80 doanh nghiệp hàng đầu Canada hoạt động tại khu vực này. Các doanh nghiệp của Việt Nam đi theo đoàn đã có cơ hội giới thiệu về năng lực cũng như khả năng liên doanh hợp tác với phía Canada nhằm tạo nên sự kết nối giữa hai nền kinh tế trong sản xuất và cung ứng hàng hóa.

 

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu tại tọa đàm giữa doanh nghiệp Canada và Việt Nam

 

Phát biểu tại buổi tọa đàm Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy cho biết: Đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản là khoảng 150 tỷ USD, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp này đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.

 

Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và tách bạch chức năng quản lý nhà nước, chức năng đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được Chính phủ Việt Nam thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật; trong đó, có 7 doanh nghiệp là công ty cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu chi phối và 12 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Một số lĩnh vực hoạt động chính của các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước như năng lượng, viễn thông, công nghiệp và chế biến, hạ tầng giao thông; vận tải; nông nghiệp và tài chính.

 

Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, trải qua hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Canada, mỗi quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển, tổng kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 6,2 tỷ USD, tổng vốn đầu của Canada sang Việt Nam đăng ký đạt hơn 4,8 tỷ USD. Gần đây nhất tháng 3/2024, bà Mary Ng, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế, Thương mại Quốc tế, và Xúc tiến Xuất khẩu Canađa đã dẫn đầu phái đoàn thương mại Canada lớn nhất nhất từ trước đến nay sang Việt Nam để tìm kiếm phát triển đối tác, thị trường thương mại - đầu tư, với gần 250 thành viên từ gần 200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, công nghệ - năng lượng sạch, y tế - chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin. "Trên tinh thần đó, ngày hôm nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức gặp gỡ kết nối giữa các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban với các doanh nghiệp Canada để kết nối đầu tư, kinh doanh" - Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh.

 

Ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) thông tin tại buổi tọa đàm

 

Thông tin tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết: Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật; trong đó, có 7 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa và 12 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đến hết năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 47 tỷ USD và chiếm khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước), tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 100 tỷ USD và chiếm khoảng khoảng 65% tổng tài sản của toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (khoảng 74 tỷ USD), Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 75,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD).

 

Để tăng cường năng lực cạnh tranh, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các Tập đoàn, Tổng công ty, Ủy ban đã có nhiều chỉ đạo nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện cải cách, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; trong đó, việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần với vai trò nhà đầu tư chiến lược là một trong những chính sách quan trọng đã và đang được triển khai thực hiện.

 

Về định hướng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, chính sách, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam tập trung vào 5 nhóm nội dung quan trọng. Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế cơ chế về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với vị trí, vai trò; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ được giao; đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hoàn thiện mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

 

Toàn cảnh cuộc tọa đàm giữa đại diện doanh nghiệp Canada và Việt Nam

 

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam nhận định: Các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu nói riêng và các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam nói chung sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp Canada tại địa bàn, đặc biệt là trong những lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ sạch và quá trình phi carbon hóa. Đây chính là những thế mạnh của Canada và rất phù hợp với định hướng của hai bên trong việc hướng đến xanh hóa chính phủ và xanh hóa nền kinh tế.

 

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm, cao su, khai thác dầu khí và vận tải hàng hóa của Việt Nam đều được đánh giá có nhiều tiềm năng bởi đây là những lĩnh vực có thể kết nối thành hệ sinh thái hợp tác, bước tiếp theo của sự kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa hai nền kinh tế.

 

Bà Saina Fan - Giám đốc EDC khu vực Ontario đánh giá buổi tọa đàm thực sự có ý nghĩa, giúp các đại diện phía Canada hiểu thêm về các công ty của Việt Nam và những lĩnh vực tiềm năng. Bà nhận định chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội cho cả hai bên. Theo bà Saina Fan, các doanh nghiệp Canada có thể hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển. Canada đang thực hiện chuyển dịch trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong kế hoạch phát triển do khu vực này đang tập trung phát triển những lĩnh vực mà Canada có thế mạnh như năng lượng và công nghệ sạch, công nghiệp thực phẩm công nghệ cao hay công nghệ số...

 

Ông Wayne Farmer - Chủ tịch CABC cho biết nhiều hoạt động sản xuất đã được chuyển dịch sang Việt Nam thời gian qua. Khi chuỗi cung ứng thay đổi sẽ có rất nhiều mối quan tâm đến năng lượng và quá trình chuyển đổi năng lượng liên quan tới công nghệ sạch như công nghệ hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân. 

 

Tại cuộc tọa đàm, ngoài việc kết nối và mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, đoàn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm về các mô hình quản lý ngân sách nhà nước cũng như các mô hình hỗ trợ của các cơ quan chính phủ đối với hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh. Đại diện các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đã phát biểu giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu của mình với phía các doanh nghiệp Canada.

 

Thông tin tại buổi tọa đàm, ông Trần Như Hùng - Trưởng Ban Thị trường, Kinh doanh (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG) cho biết: Được thành lập từ năm 1975, VRG là một trong những tập đoàn kinh tế quan trọng trực thuộc Chính phủ Việt Nam. Là doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu, VRG hiện được chuyển đổi và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với hơn 97% cổ phần sở hữu bởi Nhà nước Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường đạt trên 5,5 tỷ USD. Năm 2023, Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh VRG đứng thứ 17 trong top 50 công ty niêm yết tốt nhất tại thị trường Việt Nam. VRG hiện có 130 đơn vị thành viên với hơn 80.000 cán bộ công nhân viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề trong đó tập trung vào 5 nhóm ngành kinh doanh chủ lực của Tập đoàn như trồng, khai thác, chế biến cao su, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến gỗ, khu công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp cao su.

 

Thông tin tại buổi tọa đàm, ông Trịnh Việt Thắng - Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết: Là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), PVEP thực hiện hoạt động kinh doanh cốt lõi là thăm dò và khai thác dầu khí. Trải qua nhiều thập kỷ xây dựng và phát triển, PVEP đã phát triển vượt bậc và đóng góp đáng lớn vào phát triển kinh tế của Việt Nam. Tính đến cuối năm 2023, PVEP có tổng tài sản khoảng 7 tỷ USD. Là đơn vị dẫn đầu của Petrovietnam về hội nhập kinh tế quốc tế và đầu tư nước ngoài, PVEP là đối tác tin cậy của nhiều công ty dầu khí lớn trong nước và quốc tế, các nhà thầu dịch vụ, bao gồm: Petronas, ConocoPhillips, ExxonMobil, BP, ENI, Chevron... Hiện tại, PVEP đang vận hành 33 dự án dầu khí, trong đó có 29 dự án trong nước và 4 dự án ở nước ngoài. Tổng công ty cũng đã đóng góp vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như phát triển kinh tế của đất nước cũng như các hoạt động an sinh - xã hội tại Việt Nam.

 

Thông tin tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Hùng Dương - Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết: Thành lập năm 1995, VIMC chiếm 25% tổng trọng tải thị trường vận tải biển ở Việt Nam, khai thác 16 cảng biển chính, ở các vùng kinh tế năng động kết nối trực tiếp với hệ thống vận tải nội địa, trong khu vực và quốc tế, và có 9 công ty liên kết và chi nhánh dịch vụ hàng hải được kết nối thành mạng lưới dịch vụ toàn quốc. Sở hữu đội tàu quy mô 60 tàu, với tổng trọng tải 1,329,929 DWT, VIMC có đội ngũ sĩ quan, thuyền viên và cán bộ được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm và đa dạng hình thức vận tải: hàng rời, container, tàu dầu.

 

Thông tin tại buổi tọa đàm, ông Vũ Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh cho biết: Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ và đầu tư tài chính, Bảo Minh có hơn 1.700 Cán bộ - Nhân viên và hơn 2.000 đại lý trên lãnh thổ Việt Nam. Các cổ đông lớn của Bảo Minh bao gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chiếm 50,7%, cán bộ - nhân viên và cổ đông bên ngoài chiếm 27%, Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm AXA (Pháp) chiếm 16,65% và Công ty TNHH FirstLand (Tập đoàn Chevalier) chiếm 5,65%. Bên cạnh đó, Bảo Minh liên tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính hàng đầu thế giới AM Best đánh giá ở mức B++ (good) trong thời gian 6 năm gần nhất.

 

Thông tin tại buổi tọa đàm, ông Hà Phước Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết: Được thành lập vào năm 1975, DRC là đơn vị thành viên của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem). Công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm luôn được xác định là yếu tố có ý nghĩa “sống còn” trong chiến lược phát triển bền vững của DRC. Minh chứng bằng việc, sản phẩm DRC, đã có mặt trên khắp 63 tỉnh thành đất nước cùng hệ thống hơn 2000 nhà phân phối cấp 1 & 2 và hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ với những thị trường “khó tính” như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Brazil, Hàn Quốc… Tầm nhìn chiến lược trong “đầu tư vào con người” đã được DRC cụ thể hoá bằng những quyết định, cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật đi tu nghiệp dài hạn tại các quốc gia có nền công nghệ, sản xuất săm lốp hàng đầu thế giới từ đầu những năm 2000. Tạo tiền đề hình thành nên thế hệ lãnh đạo, cán bộ quản lý năng động sáng tạo, nắm vững công nghệ của DRC hôm nay, song hành cùng nguồn tài sản quý giá, gần 2000 nhân sự có năng lực chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dạn trong ngành săm lốp. Không ngừng đầu tư, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, thiết bị máy móc; chất lượng săm lốp DRC luôn được khẳng định với hàng loạt chứng nhận quốc tế được công nhận, như: E4 (Châu Âu), DOT (Mỹ), JIS (Nhật Bản), Smartway… cùng nhiều chứng nhận, giải thưởng trong nước và quốc tế như: Thương hiệu Quốc gia, Hàng Việt Nam chất lượng cao, Top 10 Doanh nghiệp sáng tạo điển hình, Top 10 Thương hiệu xanh Việt Nam, Sao Vàng Việt Nam...

 

*Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:

 

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Bà Saina Fan - Giám đốc EDC khu vực Ontario phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Ông Wayne Farmer - Chủ tịch CABC phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Ông Trần Như Hùng - Trưởng Ban Thị trường, Kinh doanh (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG) phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Ông Trịnh Việt Thắng - Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Ông Đỗ Hùng Dương - Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Ông Vũ Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Ông Hà Phước Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Các doanh nghiệp bên phía Canada

 

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm chụp hình lưu niệm

 

https://cmsc.gov.vn/xem-chi-tiet/-/asset_publisher/WqvULR6gmpvh/Content/nhieu-co-hoi-e-doanh-nghiep-viet-nam-hop-tac-voi-cac-doanh-nghiep-canada?3359209

 

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ