VRG có nhiều lợi thế sản xuất sản phẩm cao su hỗn hợp 25/09/2023
Nhiều năm nay, cao su hỗn hợp (Mixture) là dòng sản phẩm cao su xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thị phần xuất khẩu mỗi năm luôn chiếm trên 60%. VRG đang có nhiều lợi thế sản xuất sản phẩm cao su hỗn hợp (CSHH) từ cao su thiên nhiên (CSTN). Năm 2023, Tập đoàn sản xuất 20.600 tấn CSHH với 2 sản phẩm thương hiệu VRG SVR 3L Mix và VRG SVR 10 Mix, có giá bán cao hơn 350.000 – 400.000 đồng/tấn so với SVR 3L và SVR 10.
Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG (thứ 4 từ trái sang) kiểm tra mẫu SVR 10 Mix sản xuất tại Nhà máy chế biến mủ Cao su Chư Mom Ray, vào ngày 12/5. Ảnh: Văn Vĩnh
Dòng sản phẩm cao su xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
CSHH là dòng sản phẩm cao su được phối trộn, chế biến từ CSTN và cao su tổng hợp. Theo số liệu thống kê qua các năm của Tổng cục Hải quan cho thấy, CSHH là dòng sản phẩm cao su xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (xuất khẩu năm 2021 đạt 1,19 triệu tấn (chiếm 62,6% thị phần xuất khẩu); năm 2022 đạt 1,3 triệu tấn (chiếm 60,6% thị phần xuất khẩu, trong nhiều năm liền, CSHH vẫn giữ nguyên tính ổn định trong thị trường xuất khẩu, chiếm tỉ lệ chủ yếu trong cơ cấu sản phẩm cao su xuất khẩu.
Ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho biết, hiện nay nhiều khách hàng hiện hữu của Tập đoàn liên tục đề nghị Tập đoàn cung cấp sản phẩm CSHH với số lượng lớn, giá cả cạnh tranh hơn sản phẩm CSTN và sẵn sàng bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, việc triển khai phát triển dòng sản phẩm CSHH sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng sản phẩm. Tăng khả năng cạnh tranh, đem lại hiệu quả trong SXKD của đơn vị và tạo điều kiện cho đơn vị có thị trường đa dạng và có nhiều sự lựa chọn đầu ra là yêu cầu cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Từ năm 2020, Tập đoàn đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá năng lực, lợi thế so sánh để tham mưu định hướng sản phẩm CSHH phù hợp trong toàn Tập đoàn. Năm 2021, khảo sát tại một số nhà máy có sản xuất CSHH, tìm hiểu công nghệ sản xuất, tiến hành sản xuất thử nghiệm và tham mưu lựa chọn công nghệ sản xuất CSHH phù hợp cho Tập đoàn. Ngày 8/4/2022, Tập đoàn đã ban hành tiêu chuẩn cơ sở và hướng dẫn về quy định kỹ thuật, quy trình công nghệ chế biến CSHH.
Sản xuất 20.600 tấn cao su hỗn hợp trong năm 2023
Trong năm 2022 và đầu năm 2023, Tập đoàn đã triển khai sản xuất thử nghiệm CSHH tại Cao su Chư Mom Ray và phối hợp với Công ty CP Cơ khí Cao su nghiên cứu thiết kế công nghệ thiết bị, chế tạo máy để sản xuất CSHH hiệu quả. Ngày 10/3, Tập đoàn phân bổ cụ thể kế hoạch sản xuất sản phẩm CSHH (SVR 3L Mix, SVR 10 Mix) trong năm 2023 cho 13 đơn vị thành viên (gồm các công ty Lộc Ninh, Hòa Bình, Quảng Nam, Điện Biên, Sơn La, Hoàng Anh Mang Yang K, Phú Thịnh, Chư Mom Ray, Krông Buk Ratanakiri, Vketi, Mê Kông, Dầu Tiếng Việt Lào, Kon Tum) thực hiện sản xuất 7.300 tấn sản phẩm VRG SVR 3L Mix và 13.300 tấn VRG SVR 10 Mix.
“Đến nay, Tập đoàn có 3 đơn vị đã đầu tư thiết bị hoàn thiện, sẵn sàng cho sản xuất sản phẩm SVR 10 Mix gồm Chư Mom Ray, Kon Tum, Sơn La. Riêng Cao su Chư Păh đang thực hiện lắp đặt thiết bị. Hiện chỉ có 2/13 công ty tổ chức sản xuất sản phẩm CSHH. Trong đó, Cao su Chư Mom Ray đã bắt đầu chế biến SVR 10 Mix ổn định từ ngày 15/6, đến hết tháng 7 công ty đã chế biến được 1.500 tấn, đã ký hợp đồng tiêu thụ 1.512 tấn, với giá bán bình quân cao hơn sản phẩm SVR 10 là 350.000 đồng/tấn sản phẩm; công ty đã thực hiện giao hàng đạt 1.108,8 tấn. Khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm và có nhu cầu mua CSHH của công ty với số lượng lớn trong thời gian tới. Cao su Kon Tum đã bắt đầu sản xuất SVR 10 Mix từ ngày 22/7, đến hết tháng 7 công ty chế biến được 139 tấn, đã ký hợp đồng tiêu thụ là 200 tấn, với giá bán cùng thời điểm cao hơn sản phẩm SVR 10 là 400.000 đồng/tấn. Khách hàng đã kiểm tra sản phẩm tại kho công ty và phản hồi hài lòng về chất lượng sản phẩm” – ông Huỳnh Tấn Siêu, chia sẻ.
Giá bán cao hơn so với CSTN
Về chất lượng sản phẩm CSHH, ông Huỳnh Tấn Siêu, cho biết, 100% sản phẩm SVR 10 Mix đã chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng ngoại quan (sản phẩm CSTN chín đều, không sống hạt, cốm SBR phân bổ tương đối đồng đều trên bành mủ, có kích thước phù hợp) và chất lượng các chỉ tiêu cơ lý, hóa lý đạt tiêu chuẩn TCCS 116:2023 ở ngưỡng đạt tốt. Giá bán SVR 10 mix bình quân cao hơn so với SVR 10 tối thiểu 15 USD/tấn (khoảng 350.000 đồng/tấn).
Giá thành chế biến SVR 10 Mix tăng thêm so với sản xuất SVR 10 khoảng 250.000 đồng/tấn ở các khoản như: chí phí nhân công (0,8 công/tấn), khấu hao đầu tư thiết bị (tổng khấu hao thiết bị khoảng 40 triệu đồng/năm, để chế biến 1.500 tấn/năm, chi phí khoảng 26.666 đồng/tấn), chênh lệch đơn giá giữa SBR 1502 và CSTN (3,5 triệu đồng/tấn). Bước đầu xác định lợi nhuận tăng thêm khi sản xuất SVR 10 Mix so với SVR 10 khoảng 100.000 đồng/ tấn. Chênh lệch lợi nhuận này sẽ thay đổi với xu hướng tăng khi sản lượng chế biến tăng, đơn giá SBR 1502 thấp hơn 3,5 triệu đồng/tấn và ngược lại. Điều này cũng xác định được, nếu sản xuất SVR 3L Mix, lợi nhuận tăng thêm sẽ cao hơn nữa so với SVR 10 Mix.
VRG có lợi thế về thương hiệu, uy tín chất lượng. Sản phẩm sử dụng nhãn hiệu VRG của Tập đoàn, đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Về cơ sở vật chất, tận dụng được lợi thế của các dây chuyền sản xuất đã đầu tư, trên cơ sở dây chuyền chế biến hiện hữu, theo công nghệ chế biến CSHH của Tập đoàn, các đơn vị thành viên chỉ bổ sung thêm các thiết bị chủ yếu sử dụng để băm nhỏ SBR và phân phối theo tỷ lệ phù hợp với CSTN. Vì vậy, tổng chi phí đầu tư tăng thêm sẽ gồm các thiết bị như máy cắt bành, máy băm, hồ trộn và vis tải SBR 1502, với chi phí đầu tư khoảng 400 triệu đồng.
Chất lượng nguồn nguyên liệu hiện đáp ứng tốt so với yêu cầu; trình độ chế biến, quản lý và luôn có sự sẵn sàng hỗ trợ các ban chuyên môn VRG để thực hiện. Chuẩn chất lượng CSHH chỉ tương đương tiêu chuẩn TCVN 3769:2016, trong khi sản xuất CSTN có chuẩn chất lượng cao hơn nhiều so với yêu cầu TCVN 3769 và yêu cầu cao về độ đồng đều chất lượng lô hàng (TCCS 112:2022). Do vậy, sản phẩm CSHH dễ dàng đạt yêu cầu tiêu chuẩn.
Hiện nay có nhiều khách hàng hiện hữu của Tập đoàn rất ưa chuộng sản phẩm CSHH nhờ thương hiệu chất lượng của Tập đoàn. Nhiều khách hàng đã đặt hàng với Tập đoàn để tiêu thụ sản phẩm CSHH với số lượng lớn như: Sailun, Marubeni, Vạn Xuân, Vạn Lợi, Mai Vĩnh, Liên Anh…
Nhìn chung, việc sản xuất CSHH đã thành công, nhu cầu tiêu thụ, biên lợi nhuận khi sản xuất CSHH tại Việt Nam cao hơn CSTN trong khi yêu cầu chất lượng sản phẩm không quá khắt khe. Với lợi thế sẵn có cùng với năng lực chế biến, chất lượng của các thành viên thì việc thực hiện chế biến CSHH rất thuận lợi cho tất cả các thành viên Tập đoàn. Đặc biệt phù hợp với các đơn vị khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc và các đơn vị mới đưa vào khai thác.
http://tapchicaosu.vn/2023/09/25/vrg-co-nhieu-loi-the-san-xuat-san-pham-cao-su-hon-hop/
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)