Vàng trắng cao su Việt trên đất Campuchia: Nhật trình người mở đường 30/09/2024
Từ những bước chân đầu tiên khai hoang, các công ty cao su Việt ở Campuchia đã sắp bước vào chu kỳ 2 của vòng đời cây cao su. Để tạo ra “vàng trắng”, họ đã phải trải qua những ngày gian khó ở xứ người.
Giữ chân lao động bằng hiệu quả kinh tế
Công ty CP cao su Bà Rịa - Kampong Thom tại huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom (Campuchia) trực thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VGR) đã đi qua chặng đường gần 20 năm - xấp xỉ vòng đời 25 năm của cây cao su. Trong ký ức người mở đường, họ ghi lại nhật trình khai hoang, lập nông trường từ con số 0 đến nay, lợi nhuận chuyển về Việt Nam mỗi năm tăng dần từ vài chục đến trên 100 tỉ đồng. Đặc biệt công ty là một trong những đơn vị đầu tiên có dự án trồng cao su tại Campuchia đã chuyển lợi nhuận về VN, từ năm 2019 đến năm 2023 tổng lợi nhuận đã chuyển về VN hơn 427 tỉ đồng, bằng 60% tổng vốn điều lệ của số cổ đông góp vốn.
Trụ sở Công ty CP cao su Bà Rịa - Kampong Thom - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Ông Hoàng Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty CP Bà Rịa - Kampong Thom nhớ lại: "Hồi đó, chúng tôi có 8 cán bộ từ VN được đưa sang vùng dự án để bước đầu đặt nền móng xây dựng công ty. Đây là những cán bộ có nhiều năm công tác trong ngành cao su, được lựa chọn từ Công ty TNHH MTV cao su Bà Rịa và Công ty CP cao su Hòa Bình. Cách đây hơn 10 năm, vùng đất này dân cư thưa thớt, đường đất đỏ lầy lội, không có điện, nước... Việc đầu tiên chúng tôi làm là ổn định nơi ăn ở cho cán bộ, nhân viên và sau đó bắt tay vào trồng những cây cao su đầu tiên. Với phương châm khai hoang đến đâu, trồng mới đến đó".
Nhưng khó nhất vẫn là tìm lao động bản địa vì dân cư quanh vùng thưa thớt. Gần 100 công nhân đầu tiên phải tuyển từ các vùng lân cận cho mùa trồng mới. Người nông dân Campuchia vốn quen với nghề trồng lúa nước nên khi vào làm công nhân trồng cao su còn nhiều lạ lẫm. "Anh em người Việt phải hướng dẫn cho từng người, cùng ra làm với họ để cầm tay chỉ việc", ông Tuấn kể.
Ông Hoàng Hữu Tuấn (thứ 2, phải qua) trao quà cho các sư thầy ở chùa trong vùng dự án - ẢNH: LÊ VÂN
"Sau bỡ ngỡ ban đầu, người trước hướng dẫn người sau, công nhân bản địa đã thuần thục với việc trồng cao su. Lúc này công ty đã áp dụng hình thức khoán đối với việc trồng cao su nên thu nhập tiền lương hằng tháng của công nhân được tăng lên, kích thích tinh thần làm việc, giữ chân lao động ở lại công ty. Vì trước đó, nhiều lao động người Campuchia quen với cách làm trả công theo ngày. Nhờ đó tiến độ trồng mới cũng được nhanh hơn. Hiện nay, số lượng công nhân ở công ty luôn ổn định với số lượng trên 1.000 người, trong đó 90% là lao động trực tiếp người Campuchia", ông Tuấn chia sẻ thêm.
Trẻ em với trò chơi bật nhảy ở làng công nhân cao su - ẢNH: LÊ VÂN
Chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần
Công ty CP cao su Bà Rịa - Kampong Thom có 2 nông trường là Ou Tuek Thla và Ou Thum. Mỗi nông trường chia thành nhiều tổ sản xuất, mỗi tổ từ 30 - 40 lao động với 1 tổ trưởng là người Campuchia. Để giải quyết nơi ăn ở, ổn định cuộc sống cho người lao động, công ty đã tiến hành xây dựng nhà ở. Công nhân từ những lán chòi tạm được chuyển đến sinh sống tại những ngôi nhà khang trang hơn.
Với 3 làng công nhân, công ty đã xây dựng hơn 500 nhà ở cho 1.000 hộ gia đình. Điện sinh hoạt được lắp đặt cho từng nhà, có hơn 80 giếng cung cấp nước sạch cho công nhân. Công ty đã xây dựng 1 trạm y tế có đầy đủ thiết bị, với cán bộ đủ trình độ chuyên môn để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động, thường xuyên tổ chức tuyên truyền công nhân phòng chống dịch bệnh. Toàn bộ công nhân đều được công ty đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, khi có ốm đau, tai nạn đều được cơ quan bảo hiểm giải quyết chế độ kịp thời.
Trường tiểu học hữu nghị Bà Rịa - Kampong Thom - ẢNH: LÊ VÂN
Năm 2011, công ty xây dựng một ngôi trường bằng gỗ phục vụ nhu cầu học tập của con em công nhân, để các bé không vì trường xa nhà mà không được đi học. Đến năm 2015 trường đã được xây dựng lại cấp 4 và được mang tên Trường tiểu học hữu nghị Bà Rịa - Kampong Thom, trong đó kinh phí do tổ chức phi chính phủ Mỹ "Room To Read" tài trợ 75%, công ty đóng góp 15%. Hiện trường có 6 phòng học, 1 phòng thư viện với 1.000 đầu sách, có 7 lớp học từ mẫu giáo đến lớp 6, bao gồm 190 học sinh và 7 thầy, cô giáo.
Học sinh được công ty cho xe chở đi học, giúp cha mẹ an tâm hơn. Đội ngũ giáo viên do Phòng Giáo dục huyện Santuk phân công về trường dạy học được công ty hỗ trợ thêm tiền lương, để thầy cô ổn định cuộc sống. Hằng năm, trường đều được Sở Giáo dục tỉnh Kampong Thom đánh giá cao về chất lượng dạy và học.
Một điểm nhấn mà VRG luôn tập trung thực hiện là chính sách "Đi đến đâu là có điện - đường - trường - trạm" và đặc biệt là xây chùa - một hoạt động quan trọng trong đời sống tinh thần của người lao động bản địa. Trên địa bàn Kampong Thom, cùng với Công ty Phước Hòa, Công ty Tân Biên, Công ty Bà Rịa đã đóng góp xây dựng 1 ngôi chùa tại xã Kroyea, huyện Santuk với tổng kinh phí 180.000 USD. Hiện nay công ty đã hỗ trợ xây dựng thêm 1 ngôi chùa trên địa bàn nhằm phục vụ đời sống tôn giáo cho bà con công nhân và đã được Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Vương quốc Campuchia công nhận.
Mức lương công nhân luôn ổn định và cao hơn mặt bằng chung. Năm 2009 tiền lương bình quân của công nhân từ 150 USD/tháng/người, đến năm 2023 đã tăng lên trên 300 USD/tháng/người. Bên cạnh đó công ty luôn có chế độ khen thưởng kịp thời, vào các dịp lễ tết của người Khmer đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người lao động.
Anh Prom Sok Leang, công nhân thế hệ thứ hai của Nông trường cao su Ou Thum - ẢNH: LÊ VÂN
Anh Prom Sok Leang 35 tuổi, được xem như một gương thành công điển hình của lao động trực tiếp người bản địa tại công ty. Anh làm công nhân tại nông trường cao su từ năm 2009. Được bổ nhiệm vào Ban thư ký nông trường Ou Thum từ năm 2016, tới năm 2018 được bổ nhiệm Đội trưởng đội 1. Prom Sok Leang vừa sắm được chiếc ô tô Lexus 330 để tiện việc đưa đón 2 con đi học, phụ giúp vợ buôn bán ở nhà...
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) hiện có 16 công ty đầu tư cao su trải dài trên 7 tỉnh tại Campuchia, với diện tích hơn 87.584 ha. Campuchia đang là khu vực có sản lượng mủ cao su lớn thứ hai của VRG, sau vùng Đông Nam bộ. Ở Campuchia hiện có 9 nhà máy của VRG chế biến mủ cao su với công suất 118.900 tấn/năm. Sản phẩm cũng ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách hàng: SVR 10, 20 (105.900 tấn); RSS (7.000 tấn); SVR 3L, 5 (6.000 tấn)…
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)