VRG tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất 15/01/2014
Nhiều đề tài khoa học được áp dụng vào thực tiễn
Vấn đề ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành chế biến nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học, luôn cải tiến công nghệ và thiết bị chế biến đã đem lại những hiệu quả to lớn cho VRG. Thực tế cho thấy, VRG luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực cho phát triển KHCN, thông qua hoạt động nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Cao su VN. Từ năm 2006 đến nay, VRG đã thực hiện trên 70 đề tài các cấp (không kể đề tài cấp cơ sở); nhập giống mới từ các nước trồng cao su trên thế giới để khảo nghiệm thông qua chương trình trao đổi giống cao su với các Viện NCCS trong khu vực và trên thế giới; một số công nghệ được đầu tư từ nước ngoài thông qua hợp tác chuyển giao như CN kích thích mủ cao su bằng khí ethylene của Malaysia góp phần gia tăng sản lượng mủ, giảm công lao động, CN sản xuất sản phẩm găng tay, chỉ thun...
Việc đầu tư KHCN đã tác động đến sản xuất cao su VN. Các đầu tư nghiên cứu cho phát triển cao su tại các vùng ngoài truyền thống như Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã góp phần mở rộng quy mô diện tích cao su của VRG. Chính các đơn vị của VRG trên địa bàn có vai trò hạt nhân, là mô hình, đầu mối chuyển giao và tư vấn kỹ thuật cho việc phát triển cao su khu vực tiểu điền. Điều này đã góp phần giúp VN vươn lên đứng thứ 4 về xuất khẩu và đứng thứ 5 về diện tích trồng cao su trên thế giới.
Ông Lại Văn Lâm - Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, chia sẻ: “Việc phát hiện và chọn lọc những giống cao su thích hợp, rút ngắn thời gian KTCB để nâng cao hiệu quả sản xuất là rất quan trọng. Điều đó có thể nhận thấy trong kết quả nổi bật từ nghiên cứu chuyển giao công nghệ, như: Tạo tuyển được nhiều dòng vô tính có tiềm năng sản lượng vượt trội, năng suất trên 3 tấn/ha/năm. Hiện nay trên 75% giống trồng tại khu vực miền Đông Nam bộ có nguồn gốc trong nước với năng suất vượt trội”.
Bên cạnh đó, VRG đã xây dựng quy trình kỹ thuật chế biến mủ tờ RSS và các định chuẩn chất lượng áp dụng cho quy mô đại điền, giúp nâng cao uy tín chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... Ông Đặng Quang Trung – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho biết: “Về CN và chế tạo thiết bị, những năm gần đây VRG đã chủ động chế tạo và lắp ráp trong nước thay thế hoàn toàn thiết bị nhập khẩu, đạt yêu cầu CN và chất lượng sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu, đem lại lợi ích hàng trăm tỷ đồng. Tập đoàn đủ năng lực để thiết kế chế tạo và lắp đặt thiết bị chế biến cao su cho các dây chuyền chế biến cao su SVR 3L, SVR10/20, dây chuyền cao su ly tâm, cao su tờ xông khói RSS. Hầu hết các nhà máy mới đều sử dụng 100% thiết bị chế biến cao su được thiết kế chế tạo trong nước. Đặc biệt, thiết bị chế biến của Tập đoàn được nước ngoài đánh giá cao và bước đầu đã ký hợp đồng xuất khẩu thiết bị sang các nước Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia...”
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KHCN
Có thể thấy, để thực hiện kế hoạch phát triển của Tập đoàn theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, KHCN đóng vai trò chủ đạo. Việc đầu tư phát triển KHCN nâng cao hiệu quả bền vững vườn cây cao su; xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu lĩnh vực sinh học trong ngành cao su; đầu tư phát triển công nghiệp cao su sau sơ chế, phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su, đổi mới CN, thu hút đầu tư của nước ngoài... Chính vì vậy, xây dựng chiến lược CN bằng gia tăng chuỗi giá trị, giảm xuất thô, từng bước khẳng định chất lượng, sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và tạo thương hiệu quốc gia là rất quan trọng.
Phó TGĐ VRG Lê Xuân Hòe, khẳng định: “Trong thời gian tới, VRG tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KHCN. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp để nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch KHCN. Tập trung đầu tư vào các đề tài nghiên cứu ứng dụng, đổi mới thiết bị, công nghệ, có quy mô lớn phục vụ trực tiếp vào sản xuất kinh doanh của đơn vị. Khuyến khích các đơn vị tích cực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng, đổi mới thiết bị, công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm mới có chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, tiếp tục hướng dẫn, phổ biến, nhân rộng các đề tài, dự án KHCN giữa những đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ KHCN, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực, đủ khả năng chủ trì thực hiện các đề tài KHCN lớn của đơn vị. Tăng cường hợp tác quốc tế về KHCN để đưa nhanh các tiến bộ KHCN tiên tiến áp dụng vào đơn vị”.
Ngọc Cẩm - Nguyễn Lý
Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)