logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

VRG họp mặt báo chí mừng xuân Giáp Ngọ 20/01/2014

Chủ trì buổi họp là TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận. Ông Thuận cho biết, năm 2013 nhu cầu tiêu thụ cao su suy giảm, thiên tai tác động bất lợi đến SX, hai cơn bão số 10 và 11 đã làm gãy đổ hàng nghìn ha cao su ở miền Trung, trong đó chủ yếu là của hộ cao su tiểu điền. Bên cạnh đó, tình hình bệnh hại trên cây cao su diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ khai thác, NS và sản lượng vườn cây.


TGĐ Trần Ngọc Thuận thông báo một số thông tin về kết quả hoạt động SXKD năm 2013 của Tập đoàn CNCS VN trong buổi họp báo chiều 16/1

Mặc dù phải đối mặt vô vàn khó khăn, nhưng VRG vẫn kiên trì và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra. Theo đó, sản lượng cao su năm 2013 đạt 1 triệu tấn, giá bán mủ đạt bình quân 51,8 triệu đồng/tấn, có thấp hơn năm 2012 từ 10 - 11 triệu đồng/tấn, doanh thu 30.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 6,1 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù mức giá bán không như mong muốn, nhưng theo ông Thuận thì đây là mức hợp lý, không phải ở "mức đáy" như có một số thông tin trước đây.

Đặc biệt, trong năm 2013, VRG tiếp tục triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2012 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, cơ bản đã thoái vốn hoàn toàn và một phần khỏi các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, thương mại... Mục tiêu của việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu là đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu để chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ.

Mặt khác, để giảm XK nguyên liệu thô, nâng cao chuỗi giá trị cho ngành cao su, VRG đang triển khai nhiều kế hoạch đưa các DN chế biến sản phẩm công nghiệp cao su (CNCS) vào hoạt động như găng tay y tế, băng tải, chỉ thun, bóng thể thao... Giải pháp trước mắt là tiến hành đàm phán mua lại số công ty nhỏ và liên kết với một số thương hiệu lớn của thế giới để có thể sản xuất sản phẩm cạnh tranh và chiếm thị phần.

Tới đây, VRG sẽ tập trung xây dựng khu hạ tầng CNCS, đặc biệt về SX săm lốp xe, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỉ lệ cao su xuất khẩu thô xuống còn 50% tổng sản lượng. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư mạnh hơn để sản xuất gỗ nhân tạo MDF.

Về trồng mới cao su ở nước ngoài, VRG hiện có ở Lào là 7 dự án đã được cấp phép đầu tư với tổng mức vốn đầu tư 5.842 tỷ đồng. Đến nay trồng được 20 ngàn ha, trong đó có 9 ngàn đã đưa vào khai thác (Cty CPCS Việt-Lào là 8 ngàn ha và Cty CPCS Dầu Tiếng-Việt Lào là 868 ha). Còn tại Campuchia, tổng diện tích cao su KTCB gần 58 ngàn ha, diện tích trồng mới năm 2013 là 20 ngàn ha, nâng tổng DT cao su của VRG tại Campuchia lên trên 78 ngàn ha.

Tổng mức đầu tư của 20 dự án đã được thỏa thuận là 22 ngàn tỷ đồng. Năm 2014, dự kiến sẽ mở miệng cạo một số diện tích vườn cây ở Campuchia. "Chương trình trồng cao su của VRG tại Lào và Campuchia không chỉ đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, mà cả về phương diện xã hội, quốc phòng an ninh, qua đó thắt chặt mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa VN-Lào và VN-Campuchia" - ông Thuận khẳng định.

"Năm 2013, ước tính VN xuất khẩu 1,09 triệu tấn cao su, giá trị đạt 2,52 tỷ USD, tăng 6,7% về lượng nhưng giảm 11,7% về trị giá so với năm 2012. Nếu tính cả những sản phẩm cao su công nghiệp và sản phẩm từ gỗ cây cao su thì kim ngạch đạt khoảng 4 tỷ USD trong năm 2013" (Nguồn: Tập đoàn CNCS VN)

http://www.baomoi.com/

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ