Nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi 23/10/2023
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục miễn giảm thuế phí, tập trung thị trường tiêu dùng trong nước… là những giải pháp nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Dự kiến đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã cho ý kiến về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước tính cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, có 5 chỉ tiêu có khả năng không đạt mục tiêu, theo Báo Quân đội Nhân dân.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia được đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% cùng kỳ. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong giai đoạn kinh tế hiện nay, chúng ta cần tập trung củng cố, hoàn thiện thể chế, các nền tảng tăng trưởng để sau khi bắt đáy sẽ lên được sớm, đừng để tăng trưởng theo mô hình chữ U. Tăng trưởng phải chuyển sang mô hình chữ V. Muốn đẩy lên được sớm thì giai đoạn này phải chuẩn bị nền tảng để đẩy lên được.
Phương hướng cũng đã được đưa ra nhằm giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Trong đó, Chính phủ xác định tập trung vào đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Về nội dung đầu tư, đầu tư công sau một thời gian gặp khó thì đã cơ bản lấy lại được nhịp độ. Nhiều dự án cáo tốc đã được khánh thành, nhiều dự án giao thông quan trọng khác vừa được khởi công và đang triển khai quyết liệt trên khắp cả nước.
Mặc dù các dự đã gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, vật liệu, giá cả, mặt bằng và kể cả thời tiết cũng không ủng hộ… nhưng với sự sâu sát của Trung ương, địa phương và quyết tâm của nhà thầu, kết quả là nhiều dự án đã vượt tiến độ đề ra như dự án cầu Mỹ Thuận 2 mà Thủ tướng vừa dự lễ hợp long tuần trước. Điều này cho thấy có quyết tâm là sẽ thành công.
Quyết tâm hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa là điều rất cần tại một số địa phương vào thời điểm nay. Như tại 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên, mặc dù chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm, nhưng việc giải ngân theo kế hoạch vốn giao tại 3 địa phương này đạt rất thấp. Theo đó, cả 3 tỉnh đều gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khan hiếm vật liệu…
Theo báo Nhân dân, các địa phương đang tập trung thực hiện một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lập kế hoạch, tiến độ giải ngân chi tiết của từng dự án, phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách trực tiếp, nâng cao chất lượng công vụ, xử lý nghiêm các cá nhân gây chậm trễ.
Còn theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, cần nâng cao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Đồng thời cũng cần có chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Kích cầu tiêu dùng từ mỗi người dân
Tiêu dùng là một trong ba trụ cột tăng trưởng nhưng tại không ít thời điểm, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến thị trường trong nước, thậm chí có thể coi là bỏ quên...
Theo một số chuyên gia, để làm được điều này, yếu tố quan trọng hàng đầu chính là "nhận thức" của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải luôn coi thị trường trong nước là "bệ đỡ" trong mọi tình huống để có đầu tư thỏa đáng.
Tiêu dùng là khâu cuối của chuỗi: sản xuất - phân phối - tiêu dùng, một khi tiêu dùng sụt giảm, ngưng trệ thì sản xuất đình đốn, hàng hóa tồn kho, công nhân mất việc… Để tạo ra tâm lý tiêu dùng, Báo Tuổi trẻ dẫn ví dụ Chính phủ Thái Lan đã ban hành các chính sách đột phá cho toàn bộ xã hội Thái chuyển động, thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, ngưng đọng.
Có thể do quan điểm phát triển khác nhau nên mỗi quốc gia có những đường lối và phản ứng chính sách khác nhau. Nếu Thái Lan, Malaysia và các nước châu Âu có chủ trương kích thích tiêu dùng bằng cách bỏ tiền vào ví từng người dân hoặc giảm giá mạnh hàng hóa thì Việt Nam tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các chính sách tăng trưởng vĩ mô để nhờ đó người dân hưởng lợi.
Giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn để kích cầu
Việt Nam cũng tiến hành một số chính sách kích thích kinh tế tăng trưởng, chẳng hạn từ ngày 1/7 đến hết năm nay, giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Tuy nhiên theo khảo sát của báo Người lao động, thì đa số người dùng không quan tâm đến mức giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Chủ yếu người dân mua hàng theo nhu cầu, khuyến mãi chứ ít để ý đến việc có được giảm thuế giá trị gia tăng hay không.
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, về mặt lý thuyết, giảm thuế giá trị gia tăng tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Thế nhưng, thực tế phần lớn khách hàng chưa cảm nhận được rõ ràng lợi ích đó. Dù vậy, chính sách này tạo được sự an tâm cho người tiêu dùng, cho thấy sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước. "Về tổng thể, việc giảm thuế giá trị gia tăng giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp nên mang giá trị tích cực trong giai đoạn kinh tế khó khăn", thông tin trên báo Người lao động.
Chính sách "khoan thư sức dân" sẽ đem lại sự tăng trưởng của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và nâng cao đời sống của người dân, từ đó sẽ "nuôi dưỡng nguồn thu" trong trung và dài hạn, tờ Thời báo Tài chính bình luận.
Ngoài các chính sách giảm thuế, phí, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Quan trọng nhất là điều kiện, quy định phải đơn giản, phù hợp thực tế để doanh nghiệp, hợp tác xã có thể dễ dàng tiếp cận.
Cùng với đó là nhiều giải pháp đồng bộ để gia tăng sức mua, tổng lực kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước, từ đó doanh nghiệp mới có thể bán được hàng, gia tăng sản xuất và kinh tế mới tăng trưởng trở lại.
https://vtv.vn/kinh-te/nhieu-giai-phap-thuc-day-kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-20231022161836249.htm
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)