Giá cao su xuất khẩu lên cao nhất 2 năm, kỳ vọng Cao su Việt Nam (GVR) hưởng lợi lớn 26/08/2024
Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 7/2024 đã chạm mức cao nhất 2 năm trở lại đây và được dự báo có thể tiếp tục tăng thêm. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR)
Giá cao su xuất khẩu bình quân trong tháng 7/2024 của Việt Nam tăng tới 26.8% so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/20024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 186.033 tấn, trị giá 307,9 triệu USD, giảm 15,3% về lượng nhưng tăng 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 7, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.655 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng tới 26,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được trong 2 năm qua, kể từ tháng 6/2022.
Tính chung 7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu cao su bình quân đạt 1.551 USD/tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường tiêu thụ, từ đầu năm đến nay xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm, nhưng bù lại các thị trường khác lại tăng rất mạnh.
Cụ thể, tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 617.033 tấn, trị giá 924,63 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đã ghi nhận tháng giảm thứ 6 liên tiếp. Điều này khiến thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm khoảng 67% tổng lượng cao su xuất khẩu của nước ta.
Trong khi đó, lượng cao su xuất khẩu sang các thị trường lớn khác là Ấn Độ và Hàn Quốc tăng trưởng lần lượt là 19,9% và 5,8% trong 7 tháng đầu năm, tương ứn chiếm 8,1% và 3% tổng lượng cao su xuất khẩu.
Ngoài ra, lượng cao su xuất khẩu sang nhiều thị trường khác cũng tăng mạnh như: Sri Lanka tăng 317,8%, Malaysia tăng 121%, Bỉ tăng 263,4%, Nga tăng 15,4%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 12,1%...
Theo đánh giá sơ bộ của một số tổ chức tài chính, với việc nguồn cung cao su nội địa của Ấn Độ đang thiếu hụt buộc nước này phải gia tăng nhập khẩu, khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn và giá cao su dự kiến sẽ neo ở mức cao, thậm chí tiếp tục tăng lên. Ấn Độ hiện thuộc top 5 các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới.
Thị trường cao su toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục trong trạng thái thâm hụt mạnh nguồn cung giai đoạn 2024 - 2025. (Nguồn: ANRPC, PHS tổng hợp)
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,74 triệu tấn; đồng thời, điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,50 triệu tấn. Điều này khiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay.
Bên cạnh đó, thông thường nhu cầu thu mua cao su sẽ tăng lên vào giai đoạn cuối năm sau khi các khách hàng dự phóng tình hình kinh doanh cho năm tiếp theo. Giai đoạn nửa cuối năm nay sẽ là thời điểm chính để xác định biến động giá cao su trong vòng 12 tháng tới (nửa cuối năm 2024 - nửa đầu năm 2025). Do đó, giá cao su có thể sẽ neo cao xuyên suốt từ nay cho đến nửa đầu năm 2025.
Ngoài ra, Thái Lan - nước xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới đang phải khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, cùng với xu hướng chuyển ngành của người dân do đặc thù cây cao su cần thời gian kiến thiết cơ bản khá lâu (5-7 năm).
Do đó, tình trạng thiếu nguồn cung từ Thái Lan và các quốc gia sản xuất cao su lớn sẽ diễn ra cho đến thời điểm lứa cao su trồng thay thế của Thái Lan bắt đầu khai thác và các quốc gia khác bước vào thời kì năng suất cao, quá trình này có thể mất 4 - 5 năm.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GVR của Cao su Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Những yếu tố trên được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam. Trong đó, với vị thế là doanh nghiệp sản xuất cao su lớn nhất cả nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) được kỳ vọng sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp. Hiện tập đoàn này đang quản lý khoảng 410.000 ha đất trồng cao su tại Việt Nam, Lào, và Campuchia.
Mảng cao su đóng góp khoảng 60% lợi nhuận ròng hàng năm của Cao su Việt Nam. Theo tính toán của SSI Research, giá cao su tăng 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của Cao su Việt Nam sẽ tăng 0,5%.
Do đặc tính của cây cao su, việc khai thác cao su sẽ diễn ra mạnh từ tháng 3 - 12 hàng năm, do đó quý 2 trở đi mới là thời điểm sản lượng của Cao su Việt Nam đạt đỉnh, mở ra dư địa tăng trưởng kết quả kinh doanh. Dự báo của một số hãng chứng khoán cho thấy mảng cao su năm nay của Cao su Việt Nam có thể tăng trưởng 15% so với năm 2023.
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)