logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

VRG: Trồng cao su ở phía Bắc “không vì mục tiêu lợi nhuận” 11/12/2013

Từ năm 2007, Tập đoàn cao su Việt Nam bắt đầu tiến hành trồng cao su ở khu vực miền núi phía Bắc và đến nay (2012) đã trồng được khoảng 23.000 ha ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.

Dự kiến năm 2015, 10% diện tích cao su ở miền núi phía Bắc của Tập đoàn Cao su Việt Nam sẽ được mở miệng khai thác.

Bên lề hội thảo về phát triển cây cao su diễn ra sáng nay tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Phú cho biết thêm: “So với Đông Nam Bộ, vùng truyền thống trồng cao su thì đầu tư cho 1ha từ năm đầu cho đến khi khai thác là khoàng 100 – 120 triệu thì ở vùng miền núi phía Bắc do nhiều điều kiện không thuận lợi nên mức đầu tư cho 1ha là trên 200 triệu nhưng năng suất tối thiểu chỉ đạt 1 tấn rưỡi và năng suất tối đa là 1 tấn 8/ 1 ha, trong khi ở Đông Nam Bộ, năng suất trung bình là 1 tấn 8/1 ha nhưng nhiều diện tích đã đạt 2 tấn, 2 tấn 8/1ha”.

Trước lo ngại chương trình phát triển cao su ở miền núi phía Bắc sẽ “vỡ trận” như ở bắc trung bộ và duyên hải miền trung, theo ông Nguyễn Hồng Phú: “Nếu chờ 25 năm chu kỳ cây cao su để quyết định trồng hay không thì lúc đó không còn thời cơ, cơ hội nữa”.

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị xóa đói giảm nghèo, Tập đoàn cao su Việt Nam cũng trình bày tại hội thảo một số căn cứ để tập đoàn quyết định đưa cao su lên miền núi phía bắc.

Từ năm 1994, Viện nghiên cứu cao su đã trồng thử nghiệm 10ha tại Phú Tho với nhiều giống khác nhau và hiện còn 5-6 ha vẫn phát triển tốt. Tại Phong thổ, Lai Châu từ 1993, đã có 400 cây cao su của người dân lấy giống từ Trung Quốc về trồng, nay còn 18 cây sinh trưởng tốt với chu vi lên đến 1m6. Tương tự như vậy, tại Lào Cai, có nhiều vườn tư nhân vẫn đang cho khai thác tốt.

Ngoài nước, Tập đoàn cao su cũng đã khảo sát và phối hợp với Viện nghiên cứu cao su Trung Quốc.

Hiện cao su có diện tích trồng lớn nhất trong các cây lâu năm, đã vượt xa so với quy hoạch đến 2020 15% . Năm 2012, tổng diện tích cây cao su là 910.500 ha và sản lượng đạt 863.600 tấn, năng suất ổn định 1,72 tấn/ha.

Theo báo cáo của Hiệp hội cao su Việt Nam, cao su là nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sau gạo và cà phê, là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 13 của Việt Nam năm 2012. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về sản lượng và thứ 4 thế giới về xuất khẩu cao su.

Năm 2012, cao su đóng góp 3,7% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, cao su thiên nhiên là 2,86% tỷ USD, sản phẩm cao su 1tỷ USD và đồ gỗ cao su khoảng 0,4 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su của Việt Nam đã tăng liên tục, từ nhập siêu trong giai đoạn 2007 – 2010, từ 2011 đã bắt đầu xuất siêu. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực là lốp (33%), linh kiện cao su và sản phẩm cao su lưu hóa (30%), đế giày (12%), săm lốp (7%) và găng tay (6%).

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ