logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Sáng tác ca khúc về ngành cao su: Một mùa bội thu 28/12/2013

Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Thanh Bình – chủ biên trang âm nhạc trực tuyến Giai Điệu Xanh, thành viên Hội đồng thẩm định ca khúc của cuộc vận động sáng tác này.

Là người theo dõi mảng ca khúc gửi dự thi từ vòng sơ khảo, anh có thể nêu một vài nhận xét chung về những ca khúc về ngành cao su lần này gửi dự thi lần này?

Nhận lời tham dự trong hội đồng thẩm định ca khúc từ vòng sơ khảo cho đến chung khảo, thời gian đầu, tôi thấy hơi lo lắng, vì sau 1 tháng phát động, các ca khúc gửi về lác đác, chất lượng lại chưa cao, nhưng điều đáng mừng là càng về sau càng có nhiều tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp đổ dồn về. Với một cuộc vận động sáng của một ngành cụ thể như ngành cao su mà có được 200 ca khúc quả là điều rất có ý nghĩa. Đáng mừng hơn là có nhiều ca khúc hay để cán bộ và công nhân cao su có thể dàn dựng, biểu diễn trong các sinh hoạt tập thể và hội diễn văn nghệ của ngành cao su.

Hội đồng thẩm định đánh giá thế nào về chất lượng của những ca khúc tham gia cuộc vận động sáng tác lần này?

-Để đánh giá chất lượng của tác phẩm và chọn lọc ra những tác phẩm nổi trội là một công việc rất khó. Chắc chắn ít nhiều vẫn mang tính chủ quan, do đây là những ca khúc viết về ngành cao su, nên sau này, chính khán thính giả công nhân cao su sẽ là những người thẩm định ca khúc nào chạm được vào trái tim của mình. Khi mở ra Cuộc vận động, BTC kỳ vọng có được những ca khúc thật sự truyền tải được tình cảm và niềm tự hào của công nhân cao su, và rất mong có những ca khúc khiến công nhân cao su thích nghe, thích hát.

Theo anh, liệu Ban tổ chức (BTC) có chọn được một ca khúc truyền thống cho ngành như mục tiêu ban đầu của cuộc vận động đã đề ra?

Trong 200 ca khúc của hơn 100 tác giả trên cả nước gửi về dự thi có 80 ca khúc truyền thống. Hầu hết các ca khúc truyền thống gởi về tham gia cuộc vận động lần này thiên về hành khúc, đó là những khúc hát thể hiện truyền thống, khát vọng và niềm tự hào của ngành cao su trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để chọn được một khúc hát vừa có tầm khái quát về ngành, vừa có được chiều sâu xúc cảm đủ sức truyền được cảm hứng tự hào về truyền thống, đánh thức được khát vọng vươn xa của thương hiệu cao su VN thì vẫn cần phải chờ đợi thêm. Với những khúc hát cho từng công ty cao su cụ thể như Dầu Tiếng, Lộc Ninh,… thì có những ca khúc khá hay, khi vang lên, thực sự có giá trị cổ vũ động viên cho công nhân.

Với 120 ca khúc gửi dự thi thể loại ca khúc trữ tình, chắc đã phần nào phản ánh được đời sống tinh thần của cán bộ và công nhân cao su?

Nếu 80 ca khúc truyền thống là những khúc hát tươi sáng, lạc quan, biểu lộ niềm tự hào và khát vọng vươn xa của ngành cao su Việt Nam thì 120 ca khúc trữ tình lại là những khúc hát mang đậm chất tự sự, bày tỏ nhiều cung bậc tình cảm sâu sắc, chân thật và hết sức đa dạng của người công nhân.

Trong các ca khúc trữ tình, không thiếu những ca từ đầy chất thơ. Điều thú vị là có khá nhiều những câu chuyện tâm tình của người công nhân, có khi đó là tâm sự của 1 cô gái ươm trồng cao su gửi cho người yêu là một anh lính ở đảo xa, có khi là bức tranh tâm trạng của một anh công nhân canh giữ rừng đêm, có khi là vẻ đẹp của cao su mùa thay lá, là chuyện tình nảy nở trong quá trình lao động ở nông trường. Đúng là:  “Rừng cao su nhìn từ phía nào cũng đẹp”.

Nói về ca khúc không thể chỉ dừng lại ở ca từ. Tính đa dạng về chất liệu âm nhạc là nét nổi trội được ghi nhận từ mảng ca khúc trữ tình. Từ làn điệu dân ca Tây Bắc mộc mạc, âm hưởng dân ca Tây Nguyên rộn ràng, cho đến những khúc hát ru, những điệu hò ví dặm hay những làn điệu dân ca Nam Bộ ngọt ngào... đều được các tác giả từ khắp cả nước vận dụng nhuần nhuyễn để chuyển tải những tình cảm chân thực của công nhân cao su hoạt động trải dài khắp cả nước. Việc  vận dụng các chất liệu âm nhạc dân gian này chứng tỏ các tác giả có ý thức vận dụng chất liệu âm nhạc dân gian để tạo nên sự gần gũi với công nhân và đó là một trong những phương thức giúp tác giả biểu lộ được cảm xúc chân thành của người công nhân mỗi vùng miền.

Thể loại ca khúc trữ tình chắc là sẽ dễ dàng để các tác giả thể hiện cảm xúc của mình hơn?

120 ca khúc trữ tình đã mang đến cho người nghe sự phong phú về chất liệu âm nhạc, nhiều ca khúc vừa đậm chất trữ tình, vừa mang âm hưởng dân gian, lại vừa là những ca khúc có nhịp điệu trẻ trung, sôi nổi mang được hơi thở của cuộc sống hiện đại qua những góc nhìn đa chiều của các tác giả. Trong đó, có những ca khúc nhỉnh hơn, chẳng hạn ca khúc Như dòng sữa mẹ chọn một cách nói gần gũi với người phụ nữ và sử dụng chất liệu âm nhạc như khúc hát ru ngọt ngào, tình cảm, nên giai điệu dễ đi vào lòng người. Ca khúc này là sự gặp gỡ và sự cộng hưởng của 2 tâm hồn phụ nữ là nhà thơ Mai Khoa và nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Điều đáng chú ý của ca khúc này là nhờ sử dụng hình thức hát ru đúng lúc đúng chỗ nên tô đậm được tính chất truyền cảm của giai điệu..

Ca khúc Cao su mùa cây thay lá miêu tả khoảnh khắc lạ lùng của rừng cao su mùa thay lá mới. Không chỉ những người công nhân cao su mà ngay những nhạc sĩ không ở trong ngành cao su cũng phải xao xuyến trước sự thay đổi của đất trời, vì ở đây có một cái gì đó mới mẻ, mang nét đẹp của sự sống, của sự phát triển vươn lên. Anh Kiều Tấn Minh đã phổ khá thành công bài này.

Long lanh dòng nhựa trắng của nhạc sĩ Phan Khanh là ca khúc vận dụng chất liệu dân ca Nam Bộ, ngọt ngào để ca ngợi vẻ đẹp lung linh của dòng nhựa trắng, một sản phẩm chính yếu của ngành cao su.

Trong Chiều Tây Nguyên, nhạc sĩ Trần Hữu Bích đã đồng cảm với 2 tác giả thơ là Trần Thành Nghĩa, Trần Nhật Thu để vẽ lên nét đẹp của chiều Tây Nguyên. Và, ẩn sau nét đẹp đó là vẻ đẹp tâm hồn của những công nhân, sự đổi mới ở nông trường vùng cao. Tác phẩm dùng thang âm của dân ca Tây Nguyên.

Bên rừng cao su nghe câu hò ví dặm, nhạc sĩ Quang Dũng đã sử dụng làn điệu của những câu hò ví dặm Nghệ Tĩnh để  biểu lộ phút xao xuyến đến bất ngờ khi nghe giọng hò Nghệ Tĩnh giữa rừng cao su bạt ngàn..

Bài ca tình đất tình người của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa là cảm nhận về sự sống đã hồi sinh từ vùng đất Quảng Trị-một vùng đất từng bị đạn bom cày nát trong chiến tranh, nhưng giờ đây đã có những rừng cao su bát ngát. Bài hát với nhạc cảm tinh tế, đã khiến người nghe phải lắng lòng trước sự gắn bó giữa tình đất, tình người chứ không chỉ đơn giản dừng lại như một bài tụng ca về những thành tựu của ngành cao su…

Vậy có thể xem ngành cao su đã có một mùa bội thu những ca khúc qua cuộc vận động sáng tác lần này?

Khó có thể bao quát hết về chất lượng các tác phẩm trong đôi ba lời. Hơn nữa, đây không phải là một cuộc thi mà là một cuộc vận động sáng tác. Do vậy, theo tôi, điều thành công và có ý nghĩa nhất đối với ngành cao su trong cuộc vận động lần này là đã thu hút được các tác giả chuyên nghiệp từ khắp mọi vùng miền trong cả nước gửi bài tham dự. Hầu hết các tác giả đều là hội viên hội âm nhạc, Hội viên các Hội VHNT các tỉnh thành, từ Tây Bắc, Sơn La, Lai Châu, Hà Nội, Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM, Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ... Cả những vùng miền không có cây cao su thì các nhạc sĩ cũng gởi tác phẩm tham gia. Chỉ có 10% các anh chị em hoạt động văn hóa văn nghệ trong ngành và có thể xem là mùa bội thu những ca khúc mới về ngành cao su.

Được biết, kết thúc cuộc vận động sáng tác, BTC cũng đã ra mắt được 3 album ca khúc để giới thiệu những ca khúc mới đến với đông đảo các bộ, công nhân cao su?

Theo tôi, đó cũng là cách để những sáng tác mới về ngành lan toả nhanh và hiệu quả trong đời sống tinh thần của cán bộ, công nhân cao su. 3 album ra mắt lần này là: Âm vang dòng nhựa trắng – những ca khúc truyền thống đạt giải A; Khát vọng xanh – những ca khúc trữ tình đạt giải, trong đó, có cả những ca khúc của 3 thành viên hội đồng thẩm định như Cao su Việt Nam (Phạm Minh Tuấn), Cao su khát vọng xanh (Vũ Hoàng), Sắc lá tương tư (Thanh Bình); Riêng nữ nhạc sĩ Quỳnh Lệ ra mắt album Đến với yêu thương để trải lòng mình sau hơn 30 năm gắn bó với ngành cao su. Sau cuộc vận động sáng tác này, hy vọng sẽ có những khúc hát được vang lên trong các đợt hội diễn văn nghệ của ngành, và cũng hy vọng sẽ có không ít những câu hát hay được truyền môi trong công nhân cao su.

Kết quả: “Sáng tác ca khúc về ngành cao su”

Ca khúc Truyền thống - Giải A

01. Cao su Việt Nam ngời sáng vinh quang - Tác giả: NS Đặng Quang Vinh – TpHCM

02. Hát trên nông trường xanh - Tác giả: NS Nguyễn Hòa - Tp.HCM

03. Hát cho cao nguyên ngày mai - Tác giả : NS Quang Dũng - Đak Lak

04. Hành khúc công nhân cao su - Tác giả : Ngọc Thu Hồng – Tp.HCM

05. Hành khúc cao su Việt Nam - Tác giả: NS Nguyễn Long -  Bình Dương

06. Âm vang dòng nhựa trắng - Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh - Kon Tum

07. Cao su Bà Rịa tự hào đi lên - Tác giả: Nguyễn Đại - Bà Rịa

08. Tiếng gọi từ dòng nhựa - Tác giả: NS Trịnh Thùy Mỹ - Tp.HCM

09. Bài ca thanh niên Dầu Tiếng- Tác giả: NS Ngô Tùng Văn – Tp.HCM

10. Niềm vui người công nhân - Tác giả : NS Trần Quang - Sơn La

Ca khúc Truyền thống - Giải B

01. Ngành cao su vững bước đi lên - thơ Trương Nam Chi- Tác giả: NS Kiều Tấn Minh -TPHCM

02. Bài ca người công nhân cao su - Tác giả: NS Trương Công Ảnh - Đà Nẵng

03. Cây cao su – sứ giả Tình hữu nghị VN – KPC- Tác giả :  Nguyễn Chính – Hà Nội

Ca khúc Trữ tình - Giải A

01. Bài ca tình đất, tình người - Sáng tác:  NS Trần Ái Nghĩa – Đà Nẵng

02. Chiều Tây Nguyên  -(thơ: Trần Thành Nghĩa, Trần Nhật Thu) - Tác giả: NS Trần Hữu Bích - TpHCM

03. Như dòng sữa mẹ- (thơ Phạm Thị Mai Khoa) - Tác giả: NS Quỳnh Hợp - TpHCM

04. Long lanh dòng nhựa trắng -  Tác giả: NS Phan Khanh – TpHCM

05. Bên rừng cao su nghe câu hò ví dặm -  Tác giả: NS Quang Dũng - Đak Lak

06. Giữa bạt ngàn lá đỏ - Tác giả: NS Nguyễn Tiến Nghĩa – TpHCM

07. Dòng sữa đất mẹ - Tác giả: NS Thắng Liêm – TpHCM

08. Cây cao su về bản em  - Tác giả: NS Quỳnh Hợp – TpHCM

09. Mưa rừng   - Tác giả: NS Minh Huề - Bà Rịa Vũng Tàu

10. Cao su dòng nhựa sống  - Tác giả: NS Đoàn Xuân Mỹ - TpHCM

Ca khúc Trữ tình - Giải B

01. Cao su mùa cây thay lá (thơ: Trương Nam Chi) - Tác giả: NS Kiều Tấn Minh - Tp.HCM

02. Thương mãi một loài cây - Tác giả: Nguyễn Hòa - TpHCM

03. Màu xanh yêu thương  - Tác giả : NS Đỗ Dũng - Quảng Trị

04. Tây Bắc xanh - thơ Trần Nhương - Tác giả: Trần Huyền Nhung - Tp.HCM

05. Tình ta trong dòng nhựa trắng - (lời: Đỗ Như Thuần) - Tác giả: NSUT  Thanh Anh - Đà Nẵng

06. Từ dòng sữa thơm - thơ Phạm Thị Mai Khoa - Tác giả: NS Nguyễn Tuấn Khanh - Tp.HCM

07. Trên lối nhỏ em đi - Tác giả: NS Hoàng Lương - Vũng Tàu

08. Khi rừng cao su vắng em - Tác giả: Phan Gia Kiện  - Bình Thuận

09. Rừng đêm bình yên - Tác giả : NS Minh Huề  - Vũng Tàu

10. Hương rừng - Tác giả: NS Ngọc Thiên Hoa  - Tp.HCM

Hà Nhật Quỳnh (thực hiện)

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ