Hỗ trợ DNNVV: Cần cơ chế hơn vốn 12/06/2013
Ảnh minh họa |
Đây là vấn đề được đưa ra bàn luận tại Hội thảo Xây dựng Đề án Tăng cường năng lực tổ chức đầu mối triển khai thực hiện chính sách trợ giúp phát triển DNNVV, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ngày 11/6.
Trong khảo sát năng lực công nghệ và nhu cầu hỗ trợ của DNNVV phía Bắc tháng 3/2013 của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hơn 60% số DN cho biết họ không có thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới công nghệ, kỹ thuật, 35,5% có nghe nói nhưng không biết chi tiết, cũng hơn 60% số DNNVV chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ về đổi mới công nghệ.
Còn theo kết quả điều tra 10.120 doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê tiến hành tháng 4/2012 cho thấy, khoảng 90% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ không thể tiếp cận được với vốn ưu đãi theo các chủ trương, chính sách đã ban hành.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do chậm trễ trong triển khai cũng như hướng dẫn, hỗ trợ các DNNVV tiếp cận cách chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Điển hình sau hơn 10 năm thực hiện chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, cả nước mới có 10 quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương được thành lập và còn rất nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Thêm vào đó, một số chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV có nội dung chồng chéo, trùng lắp, dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao, lãng phí nguồn lực, không giải quyết được các nhu cầu trợ giúp trọng tâm, thiết thực của DNNVV.
“Hầu hết các địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ DNNVV, nếu có thì cũng rất hạn chế so với nhu cầu hỗ trợ cao từ phía cộng đồng DNNVV, chỉ 19% được bố trí ngân sách riêng thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
Trọng điểm và trọn gói
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương), cho biết nhiều DN rất mong muốn được hỗ trợ hành lang pháp lý, tư vấn chính sách, khi mà thủ tục hành chính rườm rà đang khiến DN bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.
Có cùng quan điểm trên, nhiều đại biểu cho rằng, điều mà các DN trong đó có DNNVV cần được hỗ trợ vào lúc này không chỉ có nguồn lực mà quan trọng nhất là sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng và hệ thống thủ tục hành chính linh hoạt, minh bạch.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cho biết trước đây Chính phủ cũng hỗ trợ khá nhiều cho DNNVV nhưng thiếu mục tiêu cụ thể nên kết quả không được như ý muốn. Chính vì thế, hỗ trợ có mục tiêu là cần thiết để định lượng được hiệu quả đầu tư trong tương lai.
“Đối với một DN, muốn phát triển bền vững thì phải có cả yếu tố nguồn lực, trình độ công nghệ, khả năng tiếp cận thông tin thị trường, hiểu biết pháp lý. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ là hữu hạn, vì vậy, phải chọn lĩnh vực để hỗ trợ “trọn gói” cho DN cả về vốn lẫn chính sách”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đề xuất.
Huy Thắng
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)