logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Mủ cao su rớt giá: Người trồng cao su" đứng ngồi không yên" 01/08/2013

Mặc dù ngành cao su Việt Nam đang gặp khó khăn nhưng các công nhân của Công ty TNHH MTV cao su Dak lak vẫn giữ được mức lương ổn định.

Theo thống kê hiện nay, diện tích cao su trên địa bàn Tây Nguyên khoảng 220 nghìn héc-ta, riêng tại Dak Lak là gần 35 nghìn héc-ta, trong đó cao su tiểu điền chiếm khoảng 20%. Những năm trước đây, giá mủ cao su trên thị trường vẫn có sự giao động, song thường là theo chiều hướng có lợi cho người sản xuất. Vì thế, bên cạnh các loại cây trồng truyền thống của Dak Lak như cà phê, hồ tiêu, lúa, hoa màu các loại… thì người dân tại nhiều địa phương còn tận dụng một số diện tích đất đồi khai hoang để trồng cao su hoặc xen với các loại cây trồng ngắn ngày khác trong rẫy nhằm mong tăng nguồn lợi. Diện tích cao su theo đó cũng tăng lên nhanh chóng (từ năm 2008 đến nay tăng 12.356 ha), nhiều hộ dân đã bất chấp sự quy hoạch của tỉnh và địa phương, sẵn sàng bỏ ra số vốn lớn để đầu tư vào loại cây trồng này. Tuy nhiên, kể từ tháng 8- 2012 đến nay, giá mủ cao su bỗng nhiên tụt dốc, thời điểm này chỉ còn 43 triệu đồng/1 tấn mủ khô (giảm khoảng 40% so với thời điểm trước đó). Trong khi, theo nhận định của các chuyên gia về thị trường, giá mủ cao su trong thời gian tới có thể không tăng mà thậm chí còn giảm hơn nữa so với thời điểm hiện tại. Nguyên nhân chính của việc này được xác định là do bị ảnh hưởng theo sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, bởi hiện nay, cao su Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, một khi các nước này bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì chắc chắn việc xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng không tránh khỏi.

Diện tích cao su tiểu điền trồng mới ngày càng tăng.

Việc người dân đua nhau trồng cao su giờ đây lâm vào cảnh “khóc dở mếu dở”, nhất là những hộ mới trồng trong khoảng 2- 3 năm trở lại đây. Anh Dương Doãn Việt ở xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) than thở: Đầu năm 2012, khi giá mủ cao su vẫn còn cao nên gia đình anh quyết định xuống 3 nghìn cây giống, anh phải vay mượn cả trăm triệu đồng tiền vốn để đầu tư, chưa kể công lao động. Mặc dù hiện nay cao su của anh Việt chưa đến tuổi khai thác mủ nhưng gia đình vẫn cảm thấy rất lo lắng, khoản vay nợ chưa trả kịp mà chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuê nhân công chăm sóc cao su trong thời gian tới lại khá tốn kém. Giờ đây gia đình anh chỉ còn biết hy vọng sắp tới, khi vườn cao su đi vào khai thác thì giá mủ sẽ tăng cao và ổn định để sớm trả hết nợ. Còn ông Y Rê Niê ở buôn Sang, xã Ea H’Đing (huyện Cư M’gar) chia sẻ: Gia đình ông có 8 ha cao su kinh doanh, mỗi ngày ông thuê 6 nhân công khai thác mủ với tiền công 200 nghìn đồng/ngày/người. Những năm trước giá mủ cao su còn cao (từ 20.000- 25.000 đồng/lít), nếu trừ các khoản chi phí cũng lãi từ 50- 100 triệu đồng/năm. Nhưng đến nay, giá cao su mua tại vườn chỉ còn 8.000- 10.000 đồng/lít, kéo theo đó là kinh tế gia đình ông lâm vào cảnh khó khăn, thu nhập mỗi ngày không đủ tiền để đầu tư cho vườn cây và trả lương cho nhân công nên đành vay vốn ngân hàng và người thân để cố gắng cầm cự chờ giá lên.

Bên cạnh sự lo lắng của người dân thì hầu hết các doanh nghiệp trồng và kinh doanh cao su cũng lâm vào cảnh khó khăn. Bà Lê Thị Bích Thảo, Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak cho biết, việc giá mủ cao su bị tụt dốc cho đến thời điểm này đã gần 1 năm, khiến việc kinh doanh của đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu 3 quý đầu năm 2012, giá mủ khô xuất khẩu khoảng 3.500 USD/tấn thì đến nay chỉ còn 2.100 USD/tấn, hiện, giá vẫn biến động liên tục nhưng chỉ xuống chứ không lên. Bà Thảo cho biết thêm: Năm ngoái, trong kế hoạch xây dựng tổng doanh thu của công ty là 1.000 tỷ đồng, thì kết quả đạt 1.100 tỷ đồng; riêng năm nay do nhiều yếu tố khách quan không mấy thuận lợi nên đơn vị chỉ xây dựng kế hoạch tổng doanh thu là 600 tỷ đồng, song đến thời điểm hiện tại mới chỉ đạt 280,1 tỷ đồng. Còn về sản lượng mủ khai thác, thu mua của năm ngoái xây dựng kế hoạch là 13.500 tấn, đều đạt 100%, năm nay xây dựng 10.600 tấn nhưng đến thời điểm này mới được 3.800 tấn. Để khắc phục tạm thời tình trạng giá mủ cao su cũng như sản lượng không đạt mục tiêu đề ra, Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak đã đưa ra nhiều biện pháp đổi mới, cố gắng không giảm mức lương, đồng thời sẽ cắt những khoản phí không cần thiết nhằm tạo sự ổn định tâm lý cho 4.000 cán bộ công nhân viên toàn công ty.

Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, đem lại nguồn thu ngân sách hằng năm khá cao. Tuy nhiên, thực trạng giá cao su tụt dốc liên tục trong thời gian qua không chỉ tác động trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh, các địa phương mà còn ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống, tâm lý người trồng cao su. Để có những giải pháp phù hợp, nhằm đưa cây cao su Dak Lak đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, trước mắt các địa phương cần có sự quy hoạch cụ thể lại diện tích cao su trên địa bàn sao cho hiệu quả, tránh tình trạng đổ xô trồng như trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa 4 nhà, mà vai trò của Nhà nước vẫn được đặt lên hàng đầu, nhằm sớm đưa kinh tế cây cao su thoát khỏi tình trạng khủng hoảng như hiện nay.

Nguồn:Báo ĐăkLắk điện tử

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ