Cao su Quảng Nam 15 năm cắm rễ 22/08/2013
CHINH PHỤC !
Gặp bao khó khăn sóng gió nhưng Cty TNHH MTV Cao su Quảng Nam đã chứng minh một điều: Nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phù hợp cây cao su. Với quy mô từ vài ha trồng thử nghiệm nay tỉnh đã có đến hơn 10.000 ha. Trước những thành quả đó, UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá: Cao su đại điền (Cty TNHH MTV Cao su Quảng Nam) là bà đỡ phát triển cao su tiểu điền trên vùng đất này.
CHINH PHỤC ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ QUẢNG
Trước 1998, Quảng Nam chưa có một ai trồng cao su, họ nghĩ cao su chỉ được trồng ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên. Đùng một cái, Cty TNHH MTV Cao su Quảng Nam (Cty Cao su Quảng Nam) tiến hành trồng. Thông tin xuất hiện quá bất ngờ, trăm người như một tặc lưỡi: Sẽ khó thành công!
Tuy nhiên, sau thời gian dài nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu, sản xuất các giống cho phù hợp với nơi đây, Cty Cao su Quảng Nam đã chứng minh rằng: Trồng cao su ở Quảng Nam không những chất lượng mủ không thua các vùng, mà còn “vượt mặt” nhiều nơi.
Những cây cao su cắm rễ ngày đầu, sau 7 năm đã cho kết quả khả quan. Tính trên một đơn vị diện tích, trồng cao su đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều lần so với trồng keo, sắn…
Ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết: Từ thế kỷ trước, người Pháp có tiến hành trồng cao su ở Quảng Nam, tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm. Hiện ở vùng hồ du lịch Phú Ninh, huyện Phú Ninh đang còn mấy cây cao su sót lại. Người Pháp cho rằng, đất đai, khí hậu ở đây không phù hợp cây cao su.
“Dựa vào căn cứ đó, cao su khó trồng ở Quảng Nam. Còn người dân quá bỡ ngỡ nên họ không mặn mà với loại cây này. Họ dựa vào thước đo của Pháp để lại. Ngoài ra, trình độ kỹ thuật còn thiếu và yếu, trồng cao su đòi hỏi chi phí lao động nhiều.
Sự có mặt cao su đại điền đã giúp bà con miền núi Quảng Nam biết trồng cao su
Đặc biệt, Quảng Nam là vùng ven biển miền Trung chịu ảnh hưởng gió bão. Nông dân Quảng Nam nói chung và nông dân trong vùng dự án chưa có truyền thống trồng chăm sóc cao su. Đây là cây rất mới mẻ”, ông Muộn nói.
Có mặt ở vùng đất Quảng Nam, hơn ai hết, ông Nguyễn Duy Phúc, GĐ Cty Cao su Quảng Nam quá hiểu về điều này. Ngày Cty bắt đầu trồng, ông nhận được lời chê nhiều hơn là khen. Vậy mà, với đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, trang thiết bị đầy đủ, Cty Cao su Quảng Nam đã biến những vùng đất không được tin tưởng thành những rừng cao su xanh bạt ngàn.
Hiện dưới tán rừng ấy, thân cây cao su mỗi ngày trả ơn người trồng bằng những giọt mủ chất lượng cao.
CÂY CHỦ LỰC PHÍA TÂY
Bây giờ thì tỉnh Quảng Nam khẳng định cao su là cây tạo bước bứt phá để làm giàu, nhất là ở vùng đất đồi núi phía tây của tỉnh. Cùng với chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển cao su trên địa bàn thông qua các Nghị quyết tại các kỳ Đại hội tỉnh, đã có nhiều công ty đầu tư vào trồng và chế biến cao su theo hướng đại điền.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã trồng trên 10.000 ha cao su (đại điền 7.914 ha, tiểu điền 2.210 ha). Trong đó đã khai thác mủ khoảng trên 2.000 ha.
Tiếp bước phát triển, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn gần 50.000 ha thuộc 8 huyện miền núi gồm: Núi Thành, Phước Sơn, Tây Giang, Nông Sơn, Nam Giang, Hiệp Đức, Đông Giang và Bắc Trà My.
Diện tích quy hoạch phát triển cao su đại điền trên 38.900 ha chiếm 80% tổng diện tích quy hoạch của tỉnh; diện tích quy hoạch phát triển cao su tiểu điền 9.693 ha, chiếm 20% diện tích.
Trở lại câu chuyện “bà đỡ”, ông Muộn cho rằng: Cao su đại điền đã làm thay đổi tư duy của người nông dân, đã giúp họ biết được đất Quảng Nam trồng được cao su. Từ chuyện không có kỹ thuật trồng, cao su đại điền đã tiếp kiến thức cho người dân. Cũng vì thế, người trồng cao su tiểu điền đã học hỏi và mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, cao su đại điền đã sản xuất ra những giống tốt cung ứng cho bà con.
GĐ Cty Cao su Quảng Nam Nguyễn Duy Phúc thì khiêm tốn: Phát triển cao su là một quá trình vất vả, ngay chính quyền, cấp chỉ đạo cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Bởi cao su mới quá. Thời điểm đó, Quảng Nam rất muốn thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi con vật nuôi… nhưng chưa tìm được lối đi riêng.
Rất mừng, Cty Cao su Quảng Nam đã chứng minh được rằng, cao su trồng được đất này và cho hiệu quả kinh tế cao. “Cái quan trọng là làm sao để người dân tin tưởng vào cây cao su, không làm được điều này thì hỏng hết”, ông Phúc chia sẻ.
Theo ông Phúc, trồng cao su, trước hết là kỹ thuật. Địa hình đồi núi, dốc cao, đất Quảng lại là nơi nổi tiếng lắm gió nhiều mưa. Chính vì thế Cty luôn chú trọng kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán để cây đứng vững khi gió bão xuất hiện.
Ông Lê Xuân Hòe, PTGĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN cho biết: “Việc phát triển cao su ở Quảng Nam, sau khi có lợi nhuận, Tập đoàn không mang đi một đồng vốn nào ra khỏi tỉnh mà chúng tôi sẽ dùng số tiền này để đầu tư tiếp. Tập đoàn xác định, Quảng Nam là tỉnh đứng đầu của khu vực miền Trung về trồng và chế biến cao su”. |
ĐẮC THÀNH
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)