Kỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ 1: Niềm tin với người Việt 04/12/2023
Chỉ 16 năm, gần 100.000ha cao su của 16 công ty thuộc VRG đang "cho vàng" trên nước bạn. Kỳ tích lịch sử bắt đầu với niềm tin, sự ủng hộ từ người dân đến những lãnh đạo cao nhất của Vương quốc Campuchia đối với người Việt Nam.
Oknha Leng RiThy (phải) và ông Hai Thuận (thứ hai từ trái sang) thăm lớp học do Công ty CPCS Đồng Nai Kratie mở tại tỉnh Kratie, Campuchia gần 10 năm trước - Ảnh: Công ty CPCS Đồng Nai Kampong Thom
Đến thăm trụ sở mới khang trang của văn phòng đại diện Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tại Campuchia ở Phnom Penh, ông Trần Công Kha - chủ tịch hội đồng quản trị VRG - chia sẻ đầy xúc động: "Những nỗ lực 16 năm qua là kỳ tích lịch sử ngành cao su Việt Nam. Từ khi tiếp quản cao su miền Đông, chúng ta phát triển lên Tây Nguyên, ra miền Trung, lên Tây Bắc, sang Lào và Campuchia. Sự đóng góp, công lao vô cùng to lớn".
Chỉ 16 năm, gần 100.000ha cao su của 16 công ty thuộc VRG đang "cho vàng" trên nước bạn. VRG thành một trong hai tập đoàn Việt Nam có vốn đầu tư, sinh lợi lớn nhất tại Campuchia mà giới đầu tư vào đất nước chùa tháp vẫn hay ví von: "Trên trời có mạng Metfone (Tập đoàn Viettel), dưới đất có cao su VRG".
"Kỳ tích như chủ tịch Kha nói tôi nghĩ thực sự là một kỳ tích lịch sử. Nó bắt đầu với niềm tin, sự ủng hộ từ người dân đến những lãnh đạo cao nhất của Vương quốc Campuchia đối với người Việt Nam", Oknha Leng Rithy - trưởng văn phòng đại diện VRG tại Campuchia - đáp lời.
Dự án bắt đầu với mục tiêu trồng 57ha cao su do Công ty TNHH PTCS Tân Biên - Kamphong Thom tiên phong. Từ đó làm nên sự vĩ đại với hơn 85.000ha cao su đang khai thác trên đất Campuchia hôm nay.
Oknha Thy
Ngài Oknha đau đáu với quê cha đất tổ
Ông Leng Rithy, năm nay 64 tuổi, là người gốc Việt đã 3 đời sinh sống ở Campuchia. Thuở nhỏ bị chiến tranh, ông từng theo cha mẹ về sống ở An Giang 7 năm mới trở lại Cao Miên và trở thành doanh nhân thành công từ rất trẻ.
Năm 1996, khi mới 37 tuổi, sau khi bỏ tiền nâng cấp gần 20km đường nhựa từ biên giới tỉnh Bình Phước (Việt Nam) vào huyện Snuol, tỉnh Kratie (Campuchia) để giúp tăng cường việc lưu thông, buôn bán và mở ra tiềm năng lớn cho một vùng tỉnh Kratie còn hoang vu, ông Leng Rithy đã được Quốc vương Campuchia ký sắc lệnh phong danh tước Oknha, một tước hiệu quý tộc dành cho người có đóng góp kinh tế - xã hội lớn cho đất nước.
Từ đó người Campuchia quen gọi ông là Oknha Thy. Nhưng gặp người Việt, ông vẫn giới thiệu mình là Ba Thy, để nhớ mình là người con thứ ba trong gia đình miền Tây Nam Bộ và luôn tự hào mình mang tâm hồn người Việt.
Là doanh nhân gốc Việt có tiếng tăm, nhiều dự án đầu tư từ Việt Nam sang tìm đến Oknha Thy nhờ làm đầu mối. Luôn muốn đóng góp một điều gì đó cho quê cha đất tổ, nhưng Oknha Thy cũng không ít lần phải ngậm ngùi khi thất bại trong việc kết nối.
Khi mới nghe VRG muốn sang đầu tư, Oknha Thy cũng không dám hy vọng nhiều. Nhưng sau khi trò chuyện với ông Hai Thuận (Trần Ngọc Thuận, hiện là chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam), Oknha Thy đã hoàn toàn bị cuốn hút: "Đó là một người cực kỳ tâm huyết, quyết liệt và khẳng khái mà tôi cực kỳ quý trọng. Tôi nhớ rõ anh Hai Thuận đã cam kết sẽ cùng chung lưng chịu thất bại với tôi trong bất cứ hoàn cảnh nào, thậm chí anh còn nói thẳng là sẽ sẵn sàng bán gia tài của mình để đền bù nếu tôi gặp thiệt thòi.
Anh coi tôi như anh em chứ không phải đối tác. Trên hết, trách nhiệm phải đóng góp cho quê cha đất tổ vẫn luôn thôi thúc tôi, và khi gặp tâm huyết của anh Hai Thuận, tôi thấy mình đã có nơi tin tưởng để phát huy".
Cái bắt tay trong sự tin tưởng của Oknha Thy và ông Hai Thuận đã mở đầu cho một chiến lược lớn, đóng góp cho cả nền hữu nghị Việt Nam - Campuchia về sau. Đến tận hôm nay, Oknha Thy với cương vị trưởng văn phòng đại diện VRG, vẫn luôn là nhân vật quan trọng trong việc hỗ trợ các đơn vị đầu tư tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ trong các quá trình thực hiện dự án.
Nguyên phó thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly (người giữa) và ông Hai Thuận (bìa phải) dự lễ mở miệng cạo một vườn cây cao su VRG tại Campuchia năm 2015 - Ảnh: VRG
Từ hội nghị đầu tiên
Sau khi VRG trồng được cao su trên đất Lào năm 2004, việc đưa cao su sang trồng ở Campuchia bắt đầu được tính tới, theo chủ trương thúc đẩy các quan hệ đầu tư, hợp tác tại các kỳ họp của Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế - văn hóa, công nghệ giữa Campuchia và Việt Nam.
Năm 2005, ông Hai Thuận trở thành phó tổng giám đốc VRG và được giao nhiệm vụ làm trưởng ban chỉ đạo dự án cao su tại Campuchia. Từng là lãnh đạo Công ty TNHH MTV cao su Bình Long ở tỉnh Bình Phước, có chung đường biên giới dài với Campuchia, ông Hai Thuận đã bắt đầu nhờ những mối quan hệ của tỉnh Bình Phước để nối kết thêm với một số tỉnh nước bạn. Sau khi được Oknha Thy giúp đỡ kết nối thêm với các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Campuchia, ông Hai Thuận bắt tay tổ chức một hội nghị để giới thiệu việc đầu tư cao su tại tỉnh Kratie vào tháng 10-2006.
Ông Hai Thuận vẫn chưa quên cảm giác "mở cờ trong bụng" sau khi kết thúc buổi hội nghị đầu tiên đó: "Bây giờ thì chúng ta đã quen gọi là hội nghị xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, nhưng lúc đó việc tổ chức một hội nghị để giới thiệu phương án đầu tư trên nước bạn còn khá mới mẻ. Nhờ tỉnh Bình Phước làm trung gian tổ chức, với sự tham dự của các lãnh đạo VRG và 7 tỉnh đông bắc Campuchia.
Phía bạn chỉ có một số nghi ngại về việc phần lớn đất 7 tỉnh này là đất xám phù sa cổ, khác với các vùng đất đỏ bazan đặc trưng mà người Pháp đã từng trồng cao su ở Campuchia trước đây. Nhưng sau khi chúng tôi đưa ra các mô hình thành công của các công ty cao su Phước Hòa, Đồng Phú... cũng trên đất xám phù sa cổ, thì họ hoàn toàn ủng hộ. Nhiều vị còn thẳng thắn bày tỏ là có niềm tin rất lớn đối với người Việt Nam".
Sau hội nghị đó, mọi thứ bắt đầu tăng tốc. Dưới sự kết nối và thuyết phục của Oknha Thy và qua những buổi làm việc giữa hai đất nước láng giềng, các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Campuchia cũng đồng ý cấp đất cho thử trồng cao su. Về phía VRG, những thủ tục đầu tư nước ngoài, huy động nguồn vốn... cũng bắt đầu được đẩy nhanh để sớm đưa cây cao su Việt sang nước bạn.
Một chiều tháng 8-2007, tại một vùng hẻo lánh thuộc xã Kroyea, huyện Santuk, tỉnh Khampong Thom, ông Hai Thuận và Oknha Thy cùng hơn 30 cán bộ của VRG làm lễ khai hoang để bắt đầu dự án trồng cao su trên đất Campuchia.
"Dự án bắt đầu với mục tiêu trồng 57ha cao su do Công ty TNHH PTCS Tân Biên - Kamphong Thom tiên phong. Từ đó làm nên sự vĩ đại với hơn 85.000ha cao su đang khai thác hôm nay. Đến giờ đôi lúc chính bản thân tôi cũng còn không tin là đã có thể làm được", Oknha Thy xúc động.
Một khu nhà ở công nhân mới được xây dựng giữa vườn cao su của công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom - Ảnh: THẾ KIỆT
"Với tước vị Oknha, anh Leng Rithy có mối quan hệ với Chính phủ, bộ, ngành, địa phương rất tốt. Oknha Thy nói với tôi là việc đầu tư sẽ có thành công hoặc thất bại, nhưng sẽ sẵn sàng bỏ hết mọi chuyện để theo VRG.
Tôi nghĩ Oknha Thy cũng như cá nhân tôi lúc ấy có cùng chung một lý tưởng, là thông qua dự án đầu tư cao su này cũng muốn có một dấu ấn cá nhân cũng như mong muốn đóng góp của bản thân. Đối với tôi là đóng góp cho đất nước, với Oknha Thy là cho quê cha đất tổ. Nên ông ấy rất quyết tâm", ông Hai Thuận tâm sự.
Nhiều người đầu tiên khăn gói sang Campuchia còn nhớ rõ lời động viên có vẻ hài hước mà đầy quyết liệt của "tướng" Hai Thuận: "Sang đó trồng cao su chỉ được tiến chứ không được lùi".
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)