Liên minh Châu Âu hoan nghênh kế hoạch thích ứng EUDR của Việt Nam 01/04/2024
EUDR sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 30/12/2024, Liên minh Châu Âu đang tích cực nâng cao hiểu biết cho các doanh nghiệp Việt Nam về các quy định này.
Quá trình sấy cà phê tại Sơn La, Việt Nam. Ảnh: GIZ/Kevin Leung.
Ngày 26/3, tại Hà Nội, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phối hợp Bộ NN-PTNT chủ trì cuộc họp kỹ thuật về Quy định của Liên minh Châu Âu đối với các sản phẩm không gây phá rừng (EUDR).
Cuộc họp đã cung cấp nền tảng cho sự trao đổi giữa các bên liên quan chính, bao gồm các Bộ và cơ quan Chính phủ Việt Nam, các học viện, tổ chức quốc tế, đại diện ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Cuộc họp cũng góp phần tạo điều kiện nâng cao hiểu biết về EUDR, đồng thời là cơ hội để các bên thảo luận về lợi ích, thách thức và đưa ra các phản hồi.
Hơn nữa, cuộc họp nêu nhu cầu của các bên liên quan tại Việt Nam trong việc tăng cường chuỗi cung ứng không gây phá rừng.
Đây là sự khởi đầu của một chuỗi các sự kiện và biện pháp nhằm tăng cường thông tin tới các bên liên quan tại Việt Nam sẽ bị tác động bởi EUDR.
Cuộc họp góp phần chuẩn bị cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất Việt Nam tuân thủ với các điều kiện của quy định mới này.
Nhận thức được trách nhiệm toàn cầu của công dân các nước trong khối, Liên minh Châu Âu đã thông qua quy định EUDR để giảm thiểu các tác động của khối liên minh vào nạn phá rừng và suy thoái rừng trên toàn thế giới.
Hai đồng chủ trì cuộc họp: Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất các chính sách về Khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (bên trái) và ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT. Ảnh: GIZ/Phương Thảo.
Theo ước tính, khoảng 90% nạn phá rừng toàn cầu là do sự mở rộng của các hoạt động nông nghiệp, cũng như tại Đông Nam Á. Bằng cách thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm "không gây phá rừng", EU cũng góp phần đạt được Hiệp định Paris, SDG, Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo về Rừng và Sử dụng đất (Tuyên bố Glasgow) và Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF).
Những mục tiêu này cần phải đạt được một cách cụ thể bằng việc tăng cường nhu cầu cũng như tiêu thụ các sản phẩm hay mặt hàng "không gây phá rừng".
Theo Forest Trends, việc tuân thủ EUDR thể hiện mối quan tâm chung của Việt Nam cũng như EU, trong đó cà phê, cao su và gỗ của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU.
Năm 2022, thị trường EU chiếm gần 40% giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Liên minh Châu Âu hoan nghênh kế hoạch quốc gia của Việt Nam nhằm thích ứng với EUDR. Từ quan điểm của EU, tất cả các mặt hành thuộc EUDR và có liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp can thiệp của Chính phủ, nhăm đảm bảo quá trình sản xuất hợp pháp và không gây phá rừng, bao gồm các yêu cầu về định vị địa lý và truy xuất nguồn gốc.
Tại cuộc họp, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ NN-PTNT nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho Quy định mới của EU.
“Về phía Bộ NN-PTNT, mặc dù còn rất nhiều thách thức, Bộ coi việc tuân thủ Quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, mà đây còn là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh; quản lý và phát triển rừng bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học”, ông Châu cho biết.
Rừng trồng tại Bình Định, Việt Nam. Ảnh: GIZ/Binh Dang.
Để đáp ứng EUDR, Bộ NN-PTNT đã có nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu với các đơn vị kĩ thuật và cơ quan lãnh đạo của Ủy ban Châu Âu, đồng thời tham vấn với các đơn vị, tổ chức quốc tế và các cơ quan chuyên môn để xây dựng Khung Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, trong đó, Bộ đề xuất các nhiệm vụ/giải pháp cụ thể và phân công các cơ quan chuyên môn của Bộ triển khai thực hiện.
Theo quy định, các công ty xuất khẩu những sản phẩm liên quan (gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su tự nhiên, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm phái sinh) vào thị trường EU phải đảm bảo nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm giải trình của mình.
Quy định này của EU áp đặt nghĩa vụ đối với các nhà sản xuất và thương nhân đưa các sản phẩm có liên quan vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường EU, không áp dụng với các quốc gia hoặc nhà sản xuất tại các quốc gia khác.
Nhằm đảm bảo quá trình sản xuất “không gây phá rừng” và từ đó đảm bảo tiếp cận thị trường, sau ngày 30/12/2020, các nhà sản xuất tại Việt Nam không được chuyển đổi rừng theo định nghĩa của FAO thành đất nông nghiệp và đối với các sản phẩm gỗ không được gây suy thoái rừng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần sản xuất các mặt hàng của mình theo quy định pháp luật có liên quan tại Việt Nam, cùng với đó là báo cáo tọa độ địa lý của lô đất sản xuất liên quan cho người mua để duy trì khả năng truy xuất nguồn gốc dọc theo chuỗi cung ứng.
EU và các quốc gia thành viên của khối liên minh tích cực hỗ trợ việc thực hiện EUDR trên toàn thế giới, ví dụ như thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật từ Sáng kiến Nhóm châu Âu (TEI) với tổng khối lượng tài trợ hơn 70 triệu euro. EUDR đã bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6/2023, và sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 31/12/2024.
Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất các chính sách về Khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam khẳng định, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đang tích cực tham gia cùng các Bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong việc nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về Quy định EUDR cho các bên liên quan ở Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: GIZ/Phạm Phương Thảo.
Tổng quan về Dự án tăng cường thực hiện EUDR
Năm 2023, Liên minh Châu Âu cùng với Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) đã triển khai dự án “Cam kết với Indonesia, Malaysia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về cách tiếp cận của EU để giảm nạn phá rừng và suy thoái rừng do EU gây ra (Dự án tăng cường thực hiện EUDR)”.
Dự án nhằm hỗ trợ các phái đoàn EU tại Indonesia, Lào, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam trong việc nâng cao hiểu biết và giảm bớt mối lo ngại về EUDR nói riêng về các yếu tố cốt lõi, cũng như các biện pháp khác của EU nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà khai thác tuân thủ và các cơ hội mà EUDR mang lại. Dự án hoạt động dưới sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Indonesia, Lào, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, các chương trình và nhà tài trợ khác, về truyền thông và đối thoại xung quanh EUDR.
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)