logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Những dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam 04/10/2022

 

Những ngày gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra những dự báo lạc quan về sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%. Trong khi, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí đã dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt mức khoảng 7-7,5%.

 

Thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030

 

Mới đây, tại hội thảo “Triển vọng Thị trường 2022” với sự tham gia của đại diện hơn 300 doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhắc tới một bình luận trên LinkedIn rằng: “Mỹ được cho là vùng đất của cơ hội nhưng Việt Nam có những con người tạo ra cơ hội, chính con người mới tạo nên sự khác biệt”. Và khẳng định: “Tôi hoàn toàn đồng ý. Điều đó được chứng minh qua cách người Việt Nam thoát khỏi Covid-19 và cùng nhau xây dựng lại nền kinh tế”.

 

Ông Tim Evans cho biết, khác với thời điểm 1 năm trước, hiện nay Việt Nam đã lại tràn ngập nhịp sống nhộn nhịp với giao thông đông đúc và những hy vọng mới.

 

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam viện dẫn việc sau khi S&P nâng hạng Việt Nam, đầu tháng này, Moody’s cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2, Việt Nam hiện chỉ kém mức đầu tư một bậc. Fitch trước đó đã nâng hạng Việt Nam lên BB vào tháng 5/2018 và hiện tại Việt Nam đang xếp hạng BB về triển vọng tích cực.

 

Trong khi đó, chỉ số quản lý mua hàng PMI - thước đo “sức khỏe” ngành sản xuất trong nền kinh tế - đạt 52,7 điểm trong tháng 8, chứng tỏ sự cải thiện vững vàng của khu vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh hiện đã được củng cố trong 11 tháng liên tiếp.

 

Ngoài ra, Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh. Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang rất nỗ lực, tiếp tục đạt thành tích, thậm chí là một quốc gia nổi bật trong khu vực về tăng trưởng GDP.

 

Việt Nam cũng được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030. (Ảnh minh họa)

 

Vì vậy, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%. Trong quý 2/2022, GDP của Việt Nam đạt 7,7%, mức tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua, nhờ sự phục hồi trên diện rộng, mở cửa hoàn toàn, nhu cầu trong nước hồi phục trở lại, sản xuất tiếp tục tăng mạnh, xuất khẩu đạt mức tăng trưởng lịch sử.

 

“Việt Nam, quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, đang tham vọng muốn trở thành một nước phát triển, đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Tầng lớp trung lưu cao (upper middle class) dự kiến sẽ tăng trung bình 17% cho đến năm 2030”, ông Tim Evans nói.

 

Tương tự như dự báo của HSBC, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá cao về thành quả tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đã có được trong thời gian qua sau hơn hai năm khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 căng thẳng. Đồng thời, mặc dù khẳng định bối cảnh thể giới vẫn còn bất ổn nhưng ông Alain Cany vẫn cho rằng triển vọng của Việt Nam vẫn khá tích cực.

 

Trong đó, động lực chính là lực lượng 56 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ, giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng lao động lớn nhất thế giới xét cả về số lượng tuyệt đối và tỷ lệ tương quan với dân số. Với nguồn cung lao động chất lượng cao và giá cả phải chăng của Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia này.

 

Ngoài ra, sản xuất phục vụ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là hai yếu tố đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tính đến năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam chiếm 19% GDP, tăng lên đáng kể so với mức dưới 1% của năm 2010. Trên thực tế, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện đã vượt qua Malaysia và Thái Lan.

 

EuroCham dẫn chứng, một loạt các dự án FDI tên tuổi được triển khai ở Việt Nam. LEGO, một thành viên EuroCham, đang đầu tư 1 tỷ USD vào Bình Dương để xây dựng nhà máy. Trong tương lai, đây sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và là nhà máy thứ hai ở châu Á của LEGO. Pegatron, nhà cung cấp của Apple, hiện có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD vào Việt Nam. Foxconn đã cam kết rót 300 triệu USD để nâng cấp cơ sở sản xuất ở Bắc Giang. Samsung sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam từ năm 2023, còn Apple dự định sẽ sản xuất đồng hồ Apple Watch tại đây...

 

Tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%

 

Lạc quan hơn về mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%. Đây là con số được Đoàn Cán bộ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do bà Era Dabla-Norris, Trợ lý Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương làm trưởng đoàn thông tin tại buổi làm việc với các vụ, cục thuộc Bộ Tài chính chiều nay ngày 3/10.

 

Theo đó, thay mặt đoàn cán bộ của IMF, bà Era Dabla-Norris tóm tắt những đánh giá của IMF liên quan đến kết quả các buổi làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, đưa ra những phân tích và khuyến nghị cụ thể của IMF về một số lĩnh vực liên quan tới điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa...

 

IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4%. (Ảnh minh họa)

 

Bà Era Dabla-Norris cho biết, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4%; kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ trong các ngành sản xuất chế tạo, bán lẻ và du lịch.

 

IMF khuyến nghị Việt Nam cần phối hợp các chính sách vĩ mô một cách cẩn trọng để quản lý rủi ro và giảm nhẹ tác động của các lựa chọn đánh đổi về chính sách; tiếp tục tiến hành cải cách để đảm bảo tăng trưởng bền vững, phát triển doanh nghiệp, tăng cường đầu tư vào vốn con người.

 

Về chính sách tài khóa, IMF nhận định chính sách tài khoá của Việt Nam đang hỗ trợ tốt cho nền kinh tế, các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế đã triển khai theo đúng kế hoạch, cải cách về quản lý thuế như tăng cường thu thuế thương mại điện tử và củng cố quản lý rủi ro tuân thủ được ghi nhận. IMF khuyến nghị các chính sách tài khóa cần linh hoạt trong bối cảnh nhiều bất ổn đáng kể.

 

IMF cũng khuyến nghị cụ thể trong một số lĩnh vực: Chính phủ/Bộ Tài chính cân nhắc rút bỏ dần các biện pháp hỗ trợ tạm thời; tiếp tục củng cố khuôn khổ quản lý tài chính công, cải thiện hiệu quả đầu tư công để đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội và hạ tầng cơ sở lớn; các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ cung cấp mọi điều kiện cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ, thông suốt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả đẩy nhanh việc ban hành các thông tư hướng dẫn.

 

Ghi nhận những đánh giá này, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị phía IMF tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ các đơn vị của Bộ Tài chính theo các đề xuất về hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực, bao gồm: hỗ trợ kỹ thuật về phân tích, dự báo và hoàn thiện chính sách thuế (bao gồm thuế tài sản); cải cách quản lý thuế, quản lý tài chính doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm về quản lý trái phiếu doanh nghiệp...

 

https://thuongtruong.com.vn/news/nhung-du-bao-lac-quan-ve-kinh-te-viet-nam-90673.html

 

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ