logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Phát triển bền vững trên những giá trị xanh ngày 28/8/2024 28/08/2024

 

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày càng được đề cao, không chỉ dừng ở các khuyến nghị mà đã trở thành các yêu cầu bắt buộc trong thương mại quốc tế.

 

 

Phát triển bền vững trên những giá trị xanh - Ảnh 1.

VRG có 59 nhà máy và xưởng chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế 636.400 tấn năm - Ảnh: VRG

 

Với vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành cao su, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tăng cường tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chung tay vì môi trường và tích cực đóng góp cho xã hội, cộng đồng.

 

Tăng trưởng xanh vì lợi ích cộng đồng

 

Trong quá trình hoạt động, VRG luôn kiên định trên hành trình phát triển bền vững khi xây dựng chiến lược "xanh" làm nền tảng, gắn liền với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội - Bảo vệ môi trường.

 

Các công ty cao su luôn nỗ lực hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân. Phát triển sản xuất kinh doanh luôn giúp người dân trong vùng và khu vực lân cận được hưởng lợi như tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống về văn hóa, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.

 

Những nỗ lực liên tục vì môi trường, kinh tế và xã hội giúp các công ty trực thuộc tập đoàn nhiều năm liền được vinh danh Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI). Năm 2019, tập đoàn có 10 đơn vị được công nhận trong Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam. Đến năm 2020 tăng lên 14 đơn vị, năm 2021 có 20 đơn vị, năm 2022 có 18 đơn vị và năm 2023 có 18 đơn vị. Đặc biệt, có các công ty nằm trong Top 10 qua các năm như: Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng.

 

Tập đoàn đã có 32 công ty xây dựng phương án quản lý rừng bền vững (QLRBV), đạt 280.000ha cao su đáp ứng theo thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT; 18 thành viên được cấp chứng chỉ QLRBV theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) trên 118.336,86ha rừng cao su và được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC cho 38 nhà máy.

 

Đến nay, tập đoàn đã và đang triển khai ISO 14001 cho 35 đơn vị; đầu tư 36 hệ thống quan trắc tự động; triển khai chuyển đổi sấy mủ cao su bằng nhiên liệu biomass của 27 công ty; khoanh nuôi, phục hồi bảo tồn rừng; ban hành Sổ tay Hướng dẫn kết nối cộng đồng trong QLRBV áp dụng tại Việt Nam và Campuchia.

 

 

Phát triển bền vững trên những giá trị xanh - Ảnh 2.

280.000ha cao su đã có phương án quản lý rừng bền vững - Ảnh: VRG

 

Viết tiếp hành trình phát triển bền vững

 

Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2030 có 60% diện tích cao su đạt chứng nhận QLRBV quốc gia và quốc tế VFSC, PEFC, FSC... Phấn đấu đến năm 2050 có 100% diện tích cao su đạt chứng nhận QLRBV và 100% nhà máy sản xuất mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

 

Ông Trương Minh Trung - phó tổng giám đốc VRG - cho biết: "Thời gian tới, tập đoàn tiếp tục tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội, kết nối cộng đồng và bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động như: Tiếp tục đầu tư an sinh xã hội cho người lao động và cộng đồng địa phương theo nhu cầu thực tế. Tạo điều kiện cải thiện sinh kế, đời sống tại các địa phương. 

 

Tiếp tục thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đánh giá hiệu quả của các hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái và hệ thống lò đốt biomass đã thực hiện để có cơ sở mở rộng, thúc đẩy giảm phát thải CO2 và kinh tế tuần hoàn. Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về PTBV...".

 

Các công ty cao su tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh "xanh", từ việc sản xuất thân thiện môi trường, đầu tư bài bản vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất... đến ủng hộ các hoạt động xã hội, chung tay vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn.

 

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các công nghệ sản xuất, tạo điều kiện phát triển các công nghệ sản xuất, khu dịch vụ xanh mới. Chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt của quốc gia và quốc tế nhằm góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái. Xây dựng quy chế, hướng dẫn giải pháp đo lường và triển khai thực hiện, giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính theo hướng kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp.

 

Thúc đẩy công tác quản lý chất thải và chất lượng không khí thông qua việc nghiên cứu và phát triển các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải theo hướng chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất. Thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn. Ngăn ngừa và giảm thiểu phát sinh các chất ô nhiễm không khí và tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí.

 

Góp phần vào việc thực hiện cam kết "Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", với vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành cao su, VRG tiếp tục nâng tầm các giá trị bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các giải pháp công nghệ mới song hành để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, nhanh hơn.

 

Phát triển bền vững trên những giá trị xanh - Ảnh 3.

Các nhà máy chế biến cao su đều được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC - Ảnh: VRG

 

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) hiện có 101 công ty con và 16 công ty liên kết, sản xuất kinh doanh 5 ngành nghề chính: Trồng, chế biến, kinh doanh cao su; Chế biến gỗ; Sản phẩm công nghiệp cao su; Đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Tổng diện tích cao su của tập đoàn là 407.800ha, trong nước gần 293.250ha, Vương quốc Campuchia gần 87.892ha và Cộng hòa DCND Lào trên 26.661 ha.

 

Tổng số lao động toàn tập đoàn trên 83.000 người. Trong đó, lao động tại Campuchia và Lào trên 21.600 người, chiếm tỉ lệ 26%; lao động đồng bào dân tộc thiểu số trên 20.500 người, chiếm tỉ lệ 24,7%.

 

https://tuoitre.vn/phat-trien-ben-vung-tren-nhung-gia-tri-xanh-20240828101310941.htm

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ