logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

“Xanh hóa” khu công nghiệp, xu thế đang trở thành bắt buộc 29/08/2024

 

Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26, việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu bắt buộc. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ ngành sớm nghiên cứu và xây dựng Luật Khu công nghiệp…

 

Các khu công nghiệp sinh thái đã cho thấy hiệu quả trong thu hút đầu tư cũng như giải bài toán giảm phát thải carbon. Ảnh: Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Các khu công nghiệp sinh thái đã cho thấy hiệu quả trong thu hút đầu tư cũng như giải bài toán giảm phát thải carbon. Ảnh: Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

 

Những yêu cầu về tăng trưởng xanh và bền vững đang đòi hỏi các khu công nghiệp phải có những thay đổi để thích ứng với xu thế và yêu cầu phát triển mới.

 

ĐẾN LÚC CHUYỂN ĐỔI KHU CÔNG NGHIỆP SANG MÔ HÌNH KIỂU MỚI

 

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha. Trong đó, 301 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và thu hút được lượng vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Thống kê cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trong những năm gần đây chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, thì vốn FDI trong các khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký cả nước. Với nguồn lực thu hút được, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Cùng với đó, là những đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm và an sinh xã hội.

 

Tuy vậy, sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là những vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hiện nay.

 

“Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp trong thời gian qua đã gây áp lực lớn đến môi trường sống của người dân. Có đến 13% khu công nghiệp đang hoạt động chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải đe dọa sức khỏe và đời sống người dân quanh khu công nghiệp, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, chất thải nguy hại tăng đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng dân cư xung quanh”, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Vương Thị Minh Hiếu cho biết.

 

Lý do của hiện trạng này, theo bà Hiếu, là do các khu công nghiệp truyền thống thường tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội. Hơn nữa, do các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp gặp khó khăn về vốn và tài chính nên thường phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu trong khi việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu.

 

Dây chuyền sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại nhà máy của An Phát Holdings. 

Dây chuyền sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại nhà máy của An Phát Holdings. 

 

Do vậy, thực trạng này đã đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững trong thời gian tới với trọng tâm là phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh dựa trên quản lý tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng và nguyên vật liệu…

 

Hơn nữa, việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh cũng trở thành yêu cầu bắt buộc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh và thực hiện cam kết tại COP 26 để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 

NHIỀU KHU CÔNG NGHIỆP XANH HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ

 

Tại Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và sự hợp tác từ các đối tác nước ngoài, mô hình khu công nghiệp sinh thái được hình thành từ năm 2014. Giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai hỗ trợ 4 khu công nghiệp thí điểm chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công sinh thái, bao gồm: Khu công nghiệp Khánh Phú, Khu công nghiệp Gián Khẩu, Khu công nghiệp Hòa Khánh và Khu công nghiệp Trà Nóc 1,2.

 

Từ năm 2020 đến 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO dưới sự tài trợ của Thụy Sĩ để nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh và thu được các kết quả khả quan. Theo tính toán của UNIDO, việc thực hiện quy trình kinh tế khép kín tại khuc ông nghiệp sẽ đóng góp 0,8%-7% vào tăng trưởng GDP và giảm 8%-70% lượng khí thải của một quốc gia.

 

Với những ưu thế của khu công nghiệp sinh thái (tạo mối quan hệ cộng sinh công nghiệp; hạ tầng hiện đại, thân thiện với môi trường và tạo cảm hứng cho người lao động; hấp dẫn nhà đầu tư thứ cấp chất lượng…), nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã chủ động chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.

 

Như trường hợp khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, dù không nằm trong danh sách thí điểm ban đầu song Nam Cầu Kiền vẫn chọn con đường chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái. Bởi theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Nam Cầu Kiền, “nếu không chuyển đổi, Nam Cầu Kiền không thể tồn tại khi từng có thời điểm nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan ngại về “sức sống” trong khu công nghiệp”.

 

Vì vậy, dựa trên các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái trong Nghị định 82/2018/NĐ-CP và sau này là Nghị định 35/2022 NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, Nam Cầu Kiền đã từng bước thay đổi diện mạo khu công nghiệp theo hướng xanh hơn, sạch hơn.

 

Để đạt mục tiêu 100% chất thải trong khu công nghiệp phải được xử lý nội khu, Shinec đã “kéo” Công ty TNHH Tân Thuận Phong và công ty TNHH Phát triển Thương mại và Sản xuất Đại Thắng mở nhà máy tại Nam Cầu Kiền để xử lý, tái chế chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp cho các dự án trong khu. Đồng thời, Shinec cũng thành lập Câu lạc bộ Eco Nam Cầu Kiền với sự tham gia của lãnh đạo của khoảng 80 doanh nghiệp trong khu nhằm đưa “đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác”.

 

Khu xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền nhìn từ trên cao.

Khu xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền nhìn từ trên cao.

 

Dự báo làn sóng FDI “xanh” đang đổ mạnh vào Việt Nam, vì vậy, Tập đoàn An Phát Holdings đã chủ trương xây dựng Khu công nghiệp An Phát Complex và An Phát 1 trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu và tiên phong ở Hải Dương áp dụng tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp). Điều này không chỉ đóng góp vào quá trình giảm phát thải mà theo ông Phạm Văn Tuấn, Tổng Giám đốc An Phát Holdings, còn giúp công ty thu hút được dòng vốn xanh, dòng vốn chất lượng vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao.

 

SẼ CÓ LUẬT KHU CÔNG NGHIỆP 

 

Mặc dù vậy, trên thực tế, quá trình “xanh hóa” các khu công nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, từ tài chính cho đến năng lực chủ đầu tư hay quy định pháp lý thiếu rõ ràng cụ thể…

 

Tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên tiên được triển khai tại DEEP C.

Tấm pin năng lượng mặt trời đầu tiên tiên được triển khai tại DEEP C.

 

Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc Điều hành Khu công nghiệp Deep C, cho biết vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam là thiếu những quy định pháp luật phù hợp với thực tiến phát triển. Vì vậy, để xây dựng một khu công nghiệp xanh và sinh thái sẽ mất nhiều thời gian và công sức.

 

“Ở thời điểm này, Việt Nam chưa có một chính sách ưu đãi nào dành riêng cho khu công nghiệp sinh thái trong khi chi phí đầu tư, thời gian đầu tư và công sức đầu tư vào những khu này cao hơn và lâu hơn. Đơn cử như để lắp đặt cột điện gió trong khu công nghiệp, Deep C phải mất 3 năm vì Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt trong khu công nghiệp. Hay để tái chế rác thải trong nội khu, chúng tôi cũng phải xin giấy phép thu gom và xử lý chất thải mới có thể thu gom từ các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp. Nếu không tạo ra cơ chế cộng sinh tốt thì kinh tế tuần hoàn sẽ rất khó vận hành và phát triển”, ông Bruno nêu quan điểm.

 

Theo lãnh đạo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các khu công nghiệp trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới.

 

“Theo đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các Bộ, ngành và địa phương triển khai trong thời gian tới”, bà Hiếu nhấn mạnh.

 

https://vneconomy.vn/xanh-hoa-khu-cong-nghiep-xu-the-dang-tro-thanh-bat-buoc.htm

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ