logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

“Làm cán bộ CĐ phải có cái tâm và nhiệt huyết” 10/09/2013

Sinh năm 1940 tại Nhuận Đức (Củ Chi, TP.HCM), trải qua công tác một vài đơn vị, ông chuyển về ngành cao su năm 1981. Ông tham gia tổ chức Công đoàn (CĐ) với vai trò UV BTV BCH CĐ Cao su VN nhiệm kỳ 1983 - 1988, rồi làm Phó Thư ký CĐ (1988 - 1991), Chủ tịch CĐ Cao su VN (1991- 2001). Cả cuộc đời gắn bó với tổ chức CĐ và phong trào CNVC-LĐ, ông có rất nhiều tâm tư, tình cảm.

“Hai con trâu kéo một cái cày”

Thời của tôi, cán bộ Công đoàn (CBCĐ) hoạt động dựa vào kinh nghiệm là chính chứ không được đào tạo qua trường lớp. Bởi phần lớn anh em đều hoạt động cách mạng, từ trong rừng ra làm gì được học hành. Chúng tôi chủ yếu lấy kinh nghiệm hoạt động cách mạng, hoạt động chính trị ra làm rồi rút kinh nghiệm.

Ngày đó, CBCĐ chủ yếu tìm hiểu kiến thức qua sách vở, tập huấn ngắn ngày và dựa vào kinh nghiệm thực tiễn mà làm. Bản thân tôi đi bộ đội, làm chính trị viên, còn một số anh em là cán bộ công vận nên ít nhiều gắn với hoạt động đoàn thể. Từ thực tế, tôi nhận thấy, CBCĐ là người từng làm CN, trực tiếp gắn bó với người lao động thì tiếp thu nhanh, có nhiệt huyết làm CĐ. Những người nào có cái tâm, lòng nhiệt huyết, vì tổ chức CĐ, vì CNLĐ thì mới có thể làm CBCĐ, còn không thì rất khó. Bởi thời bao cấp, CBCĐ không có tiền, không có phương tiện, chỉ có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ mà thôi.

Bản thân tôi đã từng làm CN cạo mủ nên tôi hiểu và thông cảm nỗi khó khăn, vất vả của CNLĐ. Đêm khuya ra lô, dãi nắng, dầm mưa, chịu thương, chịu khó, những nỗi vất vả đó, CBCĐ hiểu và chia sẻ thì thấy thương CNLĐ, thương Đoàn viên CĐ nên lúc nào cũng bảo vệ quyền lợi của CN. Doanh nghiệp thì lo SXKD, lo cho NLĐ có công ăn, việc làm, thu nhập và đời sống, còn CĐ thì vận động CNLĐ làm việc để thực hiện kế hoạch của Nhà nước. Hai bên giống như “hai con trâu kéo một cái cày”. Một con trâu yếu thì con kia kiệt quệ. Vì vậy, hai bên cùng cộng tác để đưa đơn vị đi lên. Giữa CĐ và chính quyền độc lập chứ không đối lập. Hai bên cùng chung mục đích là cùng tham gia quản lý SXKD, chăm lo đời sống NLĐ, đưa đơn vị ngày càng phát triển.

Gắn kết CĐ ngành và địa phương

Ngày đó, chúng tôi xây dựng Nghị quyết CĐ dựa trên Nghị quyết của ngành, của Tổng LĐLĐ VN, kế hoạch phát triển của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội CNVC-LĐ… Trên cơ sở đó, chúng tôi vận động CBCĐ các cấp thực hiện công tác vận động, giáo dục những cái tốt Đoàn viên CĐ phải làm, phân tích cho Đoàn viên hiểu cái lợi ích của bản thân, đơn vị và đất nước. Công tác tuyên truyền được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, đúng hoàn cảnh, đối tượng chứ không phải lúc nào cũng đợi có cuộc họp hay tập trung CN lại mới nói. Trong công tác tuyên truyền, CBCĐ phải giải thích để CN hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình để cùng tham gia quản lý với doanh nghiệp.

Tôi là người có sáng kiến tổ chức ký kết giao ước thi đua với Liên đoàn Lao động các tỉnh có cây cao su đứng chân. Cứ một quý họp giao ban một lần. Trong tất cả các hoạt động từ VHVN-TDTT tại các đơn vị, CĐ ngành và Liên đoàn Lao động địa phương phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo nên tạo sự gắn kết rất khắng khít. Chúng tôi có điều kiện để đưa CBCĐ đi giao lưu khắp các vùng miền.

Trong thời kỳ CNH, HĐH, để xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, ngoài việc CBCĐ phải có tâm và nhiệt huyết, khi triển khai chương trình hoạt động thì chương trình đó phải phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi đơn vị. Ngoài ra, CBCĐ phải am hiểu công tác chuyên môn, nắm chắc kế hoạch phát triển đơn vị để cùng tham gia quản lý. Đồng thời, tổ chức CĐ phải luôn quan tâm, bồi dưỡng, xây dựng CN có “cái chất”. Tức là giúp họ nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn, am hiểu hoạt động xây dựng tổ chức CĐ, về học tập chính trị, đạo đức. Bên cạnh đó, vận động CN luôn luyện tay nghề thi thợ giỏi nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, phải sâu sát, hiểu biết và luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của CNLĐ để có ứng xử phù hợp.

Phan Thắng (ghi)

Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ