Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hướng đến nền nông nghiệp trình độ cao 22/11/2013
Thanh tra nông nghiệp quá “mỏng”
Nêu thực trạng các cơ sở sản xuất phân bón giả, thuốc BVTV kém chất lượng tràn lan trên thị trường, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đặt vấn đề về vai trò quản lý của Bộ NN-PTNT đồng thời đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn kĩ thuật và các nhóm giải pháp khắc phục.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, qua công tác thanh kiểm tra, Bộ cũng phát hiện một số loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV, TĂCN… kém chất lượng trên thị trường và đã liên tục tăng cường chấn chỉnh. Định kì hàng tháng Bộ đều tổ chức họp giao ban nghe báo cáo về công tác kiểm tra giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp.
Ngoài ra, để củng cố hành lang pháp lý, Bộ đã tham mưu xây dựng Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và đã trình QH thông qua tại kì họp này. Về bộ tiêu chuẩn kĩ thuật, tính đến nay Bộ đã thực hiện được 624 bộ tiêu chuẩn của ngành và đang tiếp tục triển khai. Trong đó, lĩnh vực phân bón đã công bố 38 tiêu chuẩn; chăn nuôi thú y công bố 36 tiêu chuẩn…
Cũng theo Bộ trưởng thì mặc dù Bộ NN-PTNT đã rất cố gắng tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế bởi lực lượng Thanh tra ở các địa phương rất mỏng. Theo luật thì chỉ công chức mới được làm thanh tra nhưng bộ máy BVTV, thú y chủ yếu là viên chức.
Hiện nay, ví như tỉnh Bắc Kạn chỉ có 1 cán bộ Thanh tra Sở NN-PTNT; Bắc Giang chỉ có 2 cán bộ và bình quân cả nước mỗi tỉnh có từ 8 - 9 người… không đủ nhân lực để kiểm soát các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Áp dụng cánh đồng mẫu lớn, đa dạng sản phẩm nông nghiệp
Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như trợ giá, tổ chức mô hình sản xuất liên kết mới hay hỗ trợ giống năng suất cao… là nội dung được nhiều ĐB đề cập nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng chỉ ra những nguyên nhân yếu kém của ngành nông nghiệp và đánh giá lại chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ. ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) lại quan tâm đến giá cà phê và tình hình mua bán tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng cùng các giải pháp liên kết tổ chức sản xuất nông nghiệp, giải pháp tái cơ cấu ngành.
Trao đổi về những tồn tại, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng hệ thống về cơ chế chính sách của chúng ta ban hành rất nhiều nhưng thực hiện cơ chế chính sách ở các địa phương chưa được chặt chẽ, công tác chỉ đạo điều hành của Bộ và hệ thống cơ quan quản lý các cấp, các bộ ngành liên quan chưa phối hợp tốt, cần tăng cường hơn nữa để tăng cường hiệu quả chính sách và người dân được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ chính sách.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát thì trong một số chính sách cụ thể như chính sách tạm trữ lúa gạo chúng ta thực hiện tương đối thành công. Giá gạo tăng, nông dân được lợi trực tiếp. “Vụ hè thu năm nay, ban đầu giá lúa 4.114 đồng/kg, sau thu mua tạm trữ đã tăng lên 5.318 đồng/kg và hiện là 5.600 - 5.800 đồng/kg”, Bộ trưởng cho biết.
Đối với nội dung tái cơ cấu ngành, Bộ trưởng khẳng định hướng sản xuất trong tương lai là phải nâng cao giá trị nông sản bằng cách gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm. Trong 5 năm qua, Bộ đã nghiên cứu chọn tạo cho nông dân 102 giống lúa nhưng theo Bộ trưởng thực tiễn không cần phải sử dụng quá nhiều giống mà chỉ cần những giống có giá trị thương phẩm từ 500 USD/tấn trở lên. Bộ cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn người dân các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông sản đặc thù.
“Không phải mọi chỗ đều trồng lúa mà nên tập trung vào vùng đồng bằng như ĐBSCL, ĐBSH... Có quy hoạch vùng sản xuất thì chính sách hỗ trợ cũng sát sao và gắn với thực tế nhiều hơn. Chính phủ vừa kí quyết định hỗ trợ nông dân mua máy móc đầu tư nông nghiệp mà ở ĐBSCL cứ một ha dùng máy gặt đập liên hợp giảm chi phí được 4 triệu đồng”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ cũng định hướng áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở xây dựng liên kết giữa nông dân - nông dân, nông dân - doanh nghiệp, hình thành các HTX… Chính phủ đã thông qua một số chính sách để thúc đẩy phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Giữ rừng và phát triển rừng
Quan tâm đến công tác bảo vệ phát triển rừng bền vững, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) trích dẫn câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cần phải “lấy rừng để nuôi rừng, lấy rừng để giữ rừng”. ĐB Thuyền đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp căn cơ cho công tác phát triển rừng. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) thì cho rằng tình trạng phá rừng đang gia tăng. Nhiều nơi lạm dụng chính sách trồng rừng, trồng cao su để phá rừng nên cần phải xem xét trách nhiệm và có giải pháp ngăn chặn.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ vẫn đang thực hiện chủ trương lấy rừng nuôi rừng. Đã xây dựng chính sách hỗ trợ để người nông dân có thể hưởng lợi từ rừng, sống bằng nghề trồng rừng, thậm chí còn giàu lên từ rừng, đã có những quy định cho việc chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Riêng đối với tình trạng phá rừng và lợi dụng chủ trương cải tạo rừng, trồng cao su ở các khu vực rừng nghèo kiệt Tây Nguyên để phá rừng, Bộ trưởng cho biết Bộ NN-PTNT đã sớm phát hiện và tham mưu Thủ tướng Chính phủ đình chỉ ngay các dự án có dấu hiệu lạm dụng đất rừng. Về trách nhiệm, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm chung của toàn ngành nông nghiệp nhưng theo qui định từng Dự án cụ thể đều phải xin phép và thẩm quyền cấp phép là của các địa phương.
Theo NNVN
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)