Lương tối thiểu vùng tăng từ 01/7, tiền lương tính đóng BHXH sẽ như thế nào? 16/06/2022
Từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm 6%, dẫn đến tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cũng có sự điều chỉnh.
Ảnh minh họa
Như đã thông tin, mới đây Chính phủ chính thức thông qua quyết định tăng mức lương tối thiểu vùng của người lao động thêm 6% mỗi tháng.
Theo đó, vùng I tăng 260.000 đồng, từ mức 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 240.000 đồng từ 3.420.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV, tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Việc tăng mức lương tối thiểu vùng dẫn đến tiền lương tháng tính đóng BHXH bắt buộc cũng có sự điều chỉnh.
Theo quy định hiện hành, tại khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Tuy nhiên, pháp luật có giới hạn mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu và tối đa.
Cụ thể, theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu quy định như sau:
Với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, mức đóng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề, mức đóng cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, mức đóng cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, mức đóng cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Trên thực tế nhiều doanh nghiệp đang đóng BHXH bắt buộc hàng tháng với mức tối thiểu, chính vì vậy, lương tối thiểu vùng tăng từ 01/7/2022 sẽ là cơ sở buộc các doanh nghiệp đang đóng BHXH cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng phải tăng mức đóng, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng.
Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa, mức lương đóng BHXH tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng). Như vậy, mức lương tháng cao nhất để tính mức đóng BHXH bắt buộc là 29,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài tăng mức đóng BHXH, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ tăng khi tiền lương vùng tối thiểu tăng.
Lý do, tại khoản 2 Điều 15 Quyết định 595 quy định, đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
Trường hợp mức lương tháng cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.
- THƯ CHÚC TẾT GỬI CÁN BỘ HƯU TRÍ VRG (10/01/2022)
- Ưu tiên triển khai Chương trình phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (10/01/2022)
- Xuất khẩu năm 2021 đạt trên 3 tỷ USD, ngành cao su trở lại thời hoàng kim (10/01/2022)
- Đảng bộ cơ quan VRG góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của Tập đoàn (07/01/2022)
- 10 điểm sáng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 (07/01/2022)
- Xuất khẩu cao su Việt Nam sẽ đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2022 (06/01/2022)
- Xuất khẩu nông sản sang EU nắm bắt cơ hội từ EVFTA (05/01/2022)
- Động lực vô cùng lớn thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam từ EVFTA (05/01/2022)
- Ông Trần Ngọc Thuận tái đắc cử Ban chấp hành VCCI (04/01/2022)
- Chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 1/2022 (03/01/2022)