logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

“Phát triển cao su là góp phần xây dựng nông thôn mới” 31/07/2013

Trước hết, tôi đánh giá cao sự tăng trưởng về chất lượng cũng như số lượng trồng cao su sau gần 8 năm trên Tây Bắc của VRG, đặc biệt là ở Lai Châu. Kết quả đáng mừng nhất là qua thực tế trồng thử nghiệm đã có sự tăng trưởng rất tốt, và vị trí ở đây còn nhiều đất đai với độ ẩm phù hợp để tiếp tục phát triển mô hình sản xuất hàng hóa. Việc phát triển cao su trên vùng đất này có ý nghĩa kinh tế, chính trị rất lớn vì lãnh đạo VRG và các đơn vị thành viên đã quán triệt được tinh thần tri ân đối với đồng bào Tây Bắc - quê hương cách mạng nhưng còn gian khổ, nghèo khó. Chúng ta phải hiểu rằng, hiệu quả kinh tế chỉ là mức độ nhất định cần thiết, hiệu quả chính trị mới là lớn để đồng bào Tây Bắc được hưởng lợi từ thành quả cách mạng này (chương trình phát triển cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc). Bên cạnh đó, từ chương trình phát triển cao su, VRG đã thể hiện được vai trò của tập đoàn kinh tế Nhà nước. Điều đó được chứng minh qua việc các đồng chí đã đi đến những vùng khó khăn gian khổ để đầu tư. Điều mà các doanh nghiệp tư nhân không làm được.

Việc đưa cây cao su lên vùng đất khó này là VRG đã tìm được lối ra cho các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng. Cao su là một trong những cây đã mở lối ra cho vùng này. Cao su trong quá trình tăng trưởng từ 3 năm cho đến 4 năm đã được Tập đoàn hỗ trợ tiền lương. Nhờ đó đời sống của người trồng cao su ngày càng được cải thiện. Toàn bộ chu kỳ của cây cao su sẽ tạo thu nhập ổn định cho đồng bào, góp phần quan trọng cho việc xóa đói giảm nghèo. Với ý nghĩa đó tôi xin trân trọng chúc mừng sự ra mắt của Công ty CP Cao su Dầu Tiếng - Lai Châu - Công ty thứ 3 trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Trong thời gian tới, các đồng chí cần thực hiện những việc như sau:

Thứ nhất: Phát triển cao su phải góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để cho dân tin vào đường lối đổi mới của Đảng, góp phần xây dựng vùng kinh tế Tây Bắc anh hùng trong truyền thống cũng như xây dựng đất nước ngày càng phát triển trong tương lai.

Thứ hai: Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu triển khai định hướng phát triển toàn diện, dài hạn khu vực Tây Bắc về cao su. Riêng tỉnh Lai Châu, VRG đã thống nhất phát triển 30 ngàn ha, tôi đề nghị tăng lên 35 đến 40 ngàn ha trong tương lai. Có như vậy, trong lĩnh vực chế biến chúng ta mới có sản lượng hàng hóa lớn ở khu vực này.

Thứ ba: Vì tỷ lệ đói nghèo ở Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang... đang ở mức cao. Các đồng chí phải làm sao trong thời gian đầu trồng cao su, người dân ở đây có xe đạp, 3 hoặc 4 năm sau họ có xe máy đi làm, và trong tương lai họ có nhà kiên cố để ở. Nói như vậy vì phát triển cao su trên vùng đất này, chúng ta không chỉ có lợi nhuận đơn thuần cho VRG, cho công ty thực hiện dự án mà cái chính phải chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân và người dân, để thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng như của kinh tế Nhà nước.

Thứ tư: Tôi đề nghị các đồng chí chuyển giao công nghệ trồng cao su cho người dân. Muốn làm tốt việc này, hiện tại chúng ta nên phát triển cao su đại điền, nhưng về lâu dài phải phát triển cao su tiểu điền để nâng cao mức sống cho người dân. Đây là chiến lược trong phát triển cao su, tôi đề nghị VRG và các địa phương tiếp tục định hướng phát triển cao su cho phù hợp với vị trí và khí hậu khắc nghiệt vùng Tây Bắc. 

Thứ năm: Tôi đồng ý với quan điểm của VRG, đặc biệt là tỉnh Lai Châu cần quan tâm đến hạ tầng để phát triển cao su, đồng thời xây dựng nông thôn mới tại đây. Những khu vực tái định cư thủy điện, những khu vực trồng cao su chúng ta sẽ xây dựng nông thôn mới. Và chúng ta không chỉ lấy nguồn lực từ cao su mà còn lấy nguồn lực từ tỉnh, từ chương trình mục tiêu phát triển quốc gia để hỗ trợ VRG thực hiện chương trình này.  

Ng. Cường (ghi)

Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ