Cao su Bình Long: Quản lý và khai thác tốt nguồn lực đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn 27/03/2024
Nhiều năm qua, Cao su Bình Long tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, quản lý và khai thác tốt nguồn lực đất đai, thực hiện mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã góp phần nâng cao hiệu quả SXKD của công ty.
Công nhân thu hoạch lúa trồng xen trên vườn cây kiến thiết cơ bản. Ảnh: Vũ Phong
Gia tăng giá trị sử dụng đất
Cao su Bình Long hiện có hơn 3.500 lao động, trong đó có hơn 600 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Sản lượng khai thác hàng năm trên 19.000 tấn, sản lượng chế biến – tiêu thụ trên 23.000 tấn/ năm, 12 năm liên tục nằm trong CLB 2 tấn của VRG, 5 năm liền đạt Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam. Diện tích công ty được giao quản lý 14.930,71 ha đất sản xuất nông nghiệp với đặc điểm thổ nhưỡng khác nhau, trải dài trên địa bàn 20 xã phường, thị trấn tại thị xã Bình Long, thị xã Chơn Thành và huyện Hớn Quản thuộc tỉnh Bình Phước.
Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó TGĐ phụ trách điều hành Cao su Bình Long, cho biết: “Trong những năm qua, công ty luôn tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý và sử dụng đất tại đơn vị. Qua đó, nguồn lực đất đai được bảo vệ và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, từng bước gia tăng giá trị sử dụng đất trên một đơn vị diện tích, tăng nguồn thu, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ SXKD được giao, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Dự báo, trong thời gian tới hoạt động SXKD toàn ngành nói chung và công ty nói riêng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, giá bán sẽ vẫn ở mức thấp. Trước tình hình đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động thì công tác quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai tiếp tục được công ty thực hiện một cách đồng bộ với nhiều giải pháp”.
Khai thác hết nguồn lực đất đai
Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, công ty thực hiện rà soát thường xuyên, nắm bắt theo dõi định hướng phát triển vùng cây trồng, vùng sản xuất để thực hiện đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm phù hợp với quy hoạch, sử dụng đất của công ty đã được Tập đoàn phê duyệt trong từng giai đoạn, đảm bảo mục tiêu phát triển trước mắt cũng như lâu dài của đơn vị.
Địa bàn công ty quản lý nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, gần các trung tâm kinh tế lớn đủ điều kiện phát triển các khu/cụm công nghiệp. Phát huy lợi thế này, từ năm 2008 công ty đã triển khai đầu tư xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Minh Hưng III với diện tích gần 300 ha, tổng vốn đầu tư 342 tỷ đồng. Hiện tại, KCN đã thu hút số lượng lớn nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 99,68% diện tích, tỷ lệ chia cổ tức hàng năm đạt từ 30 – 35%, lợi nhuận bình quân trong suốt chu kỳ (50 năm) đạt 200 triệu đồng/ha/năm.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại
Với lợi thế sẵn có về thổ nhưỡng, nguồn nước hiện công ty đã quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 350 ha đất trồng cao su có đủ điều kiện để chuyển đổi trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Ông Nguyễn Hữu Tú cho biết: “Công ty đã thực hiện việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp lớn có nguồn lực về vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, có thị trường tiêu thụ sản phẩm để thực hiện các dự án. Tổ chức sản xuất gắn với các vùng nông nghiệp công nghệ cao của địa phương để tìm kiếm cơ hội kết nối thương mại, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Công ty luôn tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương trong quá trình triển khai các dự án, vận dụng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương về nguồn vốn, tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng dự án. Thực hiện nghiên cứu áp dụng các mô hình đầu tư, lựa chọn loại giống cây trồng mới cho năng suất cao, phù hợp với đất đai, khí hậu trên địa bàn và điều kiện thực tế của đơn vị để tổ chức sản xuất với quy mô phù hợp, tiến tới việc mở rộng diện tích trong tương lai. Kết quả, công ty đã thực hiện 2 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích với diện tích 148,67 ha, lợi nhuận hàng năm đạt mức từ 37 – 45 triệu đồng/ha/năm”.
Bên cạnh đó, công ty tập trung chuyển đổi và luân canh cây trồng đối với những diện tích đất bạc màu, hoang hóa, độ dốc lớn cho năng suất thấp, diện tích quy hoạch chờ bàn giao cho địa phương sang trồng phù hợp có chu kỳ kinh tế ngắn, nhằm đa dạng hóa cây trồng, góp phần cải tạo đất, đảm bảo xoay vòng nhanh nguồn vốn đầu tư, tăng nguồn thu ngắn hạn. Công ty trồng cây keo lai trên diện tích 257,23 ha, đã thu hoạch với mức lợi nhuận trên 20 triệu đồng/năm/ ha. Đối với vườn cây tái canh – kiến thiết cơ bản, công ty khuyến khích, vận động NLĐ và người dân địa phương trồng xen canh cây nông nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao trên vườn cây với diện tích khoảng 200 ha/năm, lợi nhuận mang lại từ 3 – 5 triệu đồng/ha/năm.
Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Cao su Bình Long tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm kết hợp với nghiên cứu chuyển đổi quy trình quản lý, điều hành sản xuất trên nền tảng số. Mở rộng, kết nối thương mại điện tử với các đơn vị trong và ngoài nước, nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp. Sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin về bản đồ để truy xuất thông tin dữ liệu vườn cây tại chỗ, xác định cơ bản những vị trí có biểu hiện bất thường. Từ đó đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời trong công tác quản lý, sử dụng đất. Áp dụng đồng thời những ứng dụng công nghệ số về biên tập bản đồ, kế thừa dữ liệu vệ tinh để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, bản đồ về phân vùng hạng đất, cơ cấu bộ giống. Thực hiện việc phân tích dữ liệu về vùng đất, thổ nhưỡng, vùng tiểu khí hậu để đưa ra các kế hoạch sử dụng đất phù hợp.
Công ty xây dựng và áp dụng các mô hình sản xuất mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần vào việc bảo vệ môi trường như: tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, từng bước giảm phát thải nhà kính; gia tăng việc sử dụng phân hữu cơ trên vườn cây ở mức trên 50% lượng phân bón hàng năm; nghiên cứu tái sử dụng các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm đầu vào mới như phân vi sinh, nước sạch, vật liệu PE…; tận dụng tàn dư thực vật từ việc thanh lý cao su, kết hợp duy trì thảm thực vật trên vườn cây nhằm bổ sung nguồn dinh dưỡng mới cho đất.
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)